Công nghiệp hỗ trợ: Thiếu vốn lẫn lao động chất lượng cao

Phạm Dung| 11/07/2022 02:49

Ông Akutsu Michio - chuyên gia Hiệp hội Cố vấn Thương mại Nhật Bản cho biết: "Do thiếu nhân lực chất lượng cao, nên có rất ít doanh nghiệp (DN) Việt Nam trở thành nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho Nhật Bản".

Thông tin trên được đưa ra tại buổi "Giao thương trực tuyến sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản" do Cục Xúc tiến thương mại và Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp tổ chức ngày 5/7/2022 vừa qua.

Thiếu vốn lẫn lao động chất lượng cao

Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), những năm qua, DN CNHT của Việt Nam đã cải thiện được năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Số lượng DN hoạt động trong ngành CNHT chiếm gần 4,5% tổng số DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, chiếm 8% lao động toàn ngành. Doanh thu sản xuất, kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, đóng góp gần 11% tổng doanh thu của ngành.

Một số DN sản xuất linh kiện hiện nay có năng lực khá tốt tại những lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại, linh kiện xe đạp, xe máy, linh kiện cơ khí tiêu chuẩn, dây cáp điện, linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật, săm lốp các loại. Các sản phẩm này đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và được xuất khẩu tới nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản. Tuy nhiên, năng suất của các DN CNHT tại nhiều địa phương còn khá thấp, thiếu nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao, vốn để đầu tư trang thiết bị còn thiếu, thiếu thông tin của các nhà cung cấp nguyên vật liệu chất lượng cao ở nước ngoài...

"Năng suất lao động của lao động Việt Nam còn thấp. Nhân sự có trình độ kỹ thuật cao của Việt Nam đã bị thu hút bởi doanh nghiệp FDI và ra nước ngoài làm việc, dẫn đến tình trạng thiếu người giỏi", ông Akutsu Michio - chuyên gia Hiệp hội Cố vấn Thương mại Nhật Bản nhận định.

-9488-1657513024.jpg

Theo ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí Điện TP.HCM (HAMEE), Phó chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam, những năm gần đây, ngành CNHT có những bước tiến đáng kể, nhiều DN Việt đã trở thành nhà cung ứng sản phẩm đầu vào cho các DN FDI tại Việt Nam và xuất khẩu. Tuy nhiên, với những đơn hàng đòi hỏi cao về chất lượng, mẫu mã, nhiều DN vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của đối tác. Nguyên nhân là do đa số DN CNHT có quy mô nhỏ và vừa, vốn ít nên gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất, máy móc, thiết bị, công nghệ, quản trị, khó khăn nhất là nguồn vốn và nhân lực chất lượng cao.

TP.HCM có chương trình kích cầu đối với DN CNHT nhưng bị nhiều ràng buộc và thực hiện quá chậm trong khi lãi suất tăng và giá nguyên vật liệu biến động mỗi ngày. Nhiều DN làm thủ tục xin hỗ trợ vốn kích cầu để mua máy móc, thiết bị, đợi được duyệt thì không kịp tiến độ đơn hàng, hoặc máy móc, thiết bị tăng giá, gây nhiều thiệt hại. CNHT ngành cơ khí rất cần lao động kỹ thuật cao, nhưng sinh viên vừa ra trường đã đi làm ở Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... Mặt khác, nhiều DN FDI cùng ngành nghề cũng thu hút nhiều lao động chất lượng cao đang làm việc tại các DN Việt Nam.

Để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Bà Trương Thị Chí Bình - Tổng thư ký Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI) chỉ ra Việt Nam hiện có 6 ngành được ưu tiên phát triển CNHT, trong đó có ngành điện, điện tử và cơ khí. Về sản xuất xe máy, sản lượng tuy có giảm trong năm vừa qua, đạt 2,5 triệu xe/năm nhưng lại là ngành có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất.

Đáng chú ý là ngành ô tô, năm 2020 thị trường có 416.000 xe, trong đó khoảng 250.000 xe được lắp ráp trong nước nhưng tỷ lệ nội địa hóa rất thấp. Đơn cử như Toyota Việt Nam rất nỗ lực để nội địa hóa nhưng đến nay cũng chỉ có 12 nhà cung cấp là DN Việt Nam. Ngành điện tử có sản lượng lớn nhất, riêng điện thoại di dộng chiếm gần 20% tỷ trọng xuất khẩu của ngành này nhưng phần tham gia của DN Việt Nam chủ yếu vẫn là nhựa và cao su. DN Việt Nam mới chỉ sản xuất được linh kiện đơn chiếc, chưa sản xuất được cụm linh kiện.

Ông Akutsu Michio cho rằng, DN CNHT Việt Nam nên phối hợp với các công ty thương mại bởi họ có thể cung cấp nguyên liệu với giá cạnh tranh, hỗ trợ thực hiện thủ tục hải quan, đề xuất phương thức sản xuất mới, cơ giới hóa và tự động hóa cho DN sản xuất lắp ráp. Nếu có sự cố xảy ra, các công ty thương mại có thể phối hợp cùng nhà cung cấp và nhà máy lắp ráp để đề xuất giải pháp. Hơn nữa, họ có thể cung cấp thông tin không công khai như đầu tư vốn, chương trình phát triển sản phẩm mới.

Theo ông Đỗ Phước Tống, DN Việt phải có thực lực mới đủ khả năng đầu tư vào CNHT. Vì ngành này đòi hỏi nguồn vốn đến hàng trăm tỷ đồng để xây dựng nhà máy có công nghệ hiện đại, đồng thời đào tạo được nguồn lao động có tay nghề cao để nhận chuyển giao và làm chủ máy móc, công nghệ. Nếu sản phẩm làm ra đạt được các tiêu chuẩn khắt khe của DN FDI thì cơ hội mở rộng sản xuất và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng sẽ lớn hơn. Khi DN Việt trở thành nhà cung cấp các sản phẩm đầu vào với số lượng lớn, mức độ tinh xảo cao, giá cạnh tranh cũng là lúc chiếm vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nghiệp hỗ trợ: Thiếu vốn lẫn lao động chất lượng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO