"Chết" đột ngột, "sống" bất thường

HỒNG NGA - THANH NGÂN| 17/05/2012 09:31

Trong 14 năm hoạt động, siêu thị điện máy Nguyễn Kim chỉ có 3 siêu thị. Nhưng riêng trong hai năm qua, Nguyễn Kim đột ngột tăng thêm hàng chục siêu thị mới khắp cả nước.

Ngành kinh doanh điện máy Việt Nam chỉ thật sự phát triển trong vài năm gần đây nhưng đã kịp chứng kiến những vụ phá sản của không ít thương hiệu lớn nhỏ. Bấp bênh ở ngưỡng “dừng lại là chết” nên các doanh nghiệp (DN) còn lại đang phải chơi một canh bạc một mất một còn bằng việc tung tiền đầu tư mở rộng hệ thống, chớp cơ hội thâu tóm 40-50% thị phần.

Trong 14 năm hoạt động, siêu thị điện máy Nguyễn Kim chỉ có 3 siêu thị. Nhưng riêng trong hai năm qua, Nguyễn Kim đột ngột tăng thêm hàng chục siêu thị mới khắp cả nước. Kế hoạch “rải thảm” này vốn đã “bất thường” thì càng “bất thường” hơn trong thời điểm kinh tế khó khăn, nhiều DN kinh doanh điện máy lớn như WonderBuy, Best Carings... cũng “chết”.

Đọc E-paper

>>Bán kết khốc liệt

Ảnh: Quý Hòa

Những cuộc mở rộng “rải thảm”



Có thể nói, trong lĩnh vực kinh doanh điện máy, điện tử, Nguyễn Kim là một cái tên được nhắc nhiều nhất trong hai năm trở lại đây. Là thương hiệu kinh doanh điện máy theo mô hình siêu thị đầu tiên tại Việt Nam nhưng trong 14 năm (từ 1996-2010), Nguyễn Kim chỉ hoạt động với 3 siêu thị tại TP.HCM và Hà Nội.

Cuối năm 2011, Nguyễn Kim bất ngờ khai trường đồng loạt 5 điểm bán mới tại TP.HCM, Biên Hòa, Vũng Tàu và Đà Nẵng. Đây là một động thái được đánh giá là “không bình thường” trong điều kiện kinh tế khó khăn, sức mua giảm sút, nhiều DN kinh doanh điện máy đang thua lỗ.

Thế nhưng, theo ông Phan Linh Phương, Phó giám đốc Marketing Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim, Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ cùng với đó là sự bùng nổ các sản phẩm công nghệ và nội dung số chính là cơ hội tốt.

Bên cạnh đó, ngành bán lẻ đang dịch chuyển mạnh sang kênh hiện đại cùng lúc với sự phát triển mạnh của thương mại điện tử, ti vi shopping và nhiều hình thức mua sắm hiện đại khác... đang tạo điều kiện cho ngành điện máy, điện tử phát triển.

Quan trọng hơn, sự đòi hỏi của khách hàng về chất lượng phục vụ và thị phần trong ngành bán lẻ hàng điện tử tiêu dùng vẫn còn nhỏ, lẻ chính là cơ hội rất tốt cho Nguyễn Kim tăng tốc mở điểm bán mới.

Chưa hết bất ngờ với việc ra mắt 5 siêu thị Nguyễn Kim vào cuối năm 2011, tháng 4/2012, thị trường lại chứng kiến sự xuất hiện của 6 điểm bán mới của Nguyễn Kim tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành khu vực miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Chưa dừng lại ở những con số trên, theo tiết lộ của Nguyễn Kim, “chiến dịch đồng loạt” sẽ tiếp tục được nhà phân phối này thực hiện vào cuối năm nay với 14 điểm mua sắm mới tại TP.HCM và Hà Nội.

Ảnh: Quý Hòa

Cũng như Nguyễn Kim, sự xuất hiện của Dienmay.com trong năm 2011 đã gây ngạc nhiên. Bởi vì, trong thời điểm kinh tế khó khăn, ngành điện máy đã bắt đầu có những cuộc phá sản lớn nhỏ thì Dienmay.com thuộc Công ty Thế Giới Di Động xuất hiện.

Khi tham gia vào lĩnh vực điện máy, ông Nguyễn Đức Tài, Tổng giám đốc Công ty Thế Giới Di Động, cho rằng, kinh doanh điện máy có thách thức, có rủi ro, có cạnh tranh nhưng cũng có rất nhiều cơ hội. Trong khó khăn sẽ song hành nhiều cơ hội, nhà đầu tư nào nhìn thấy cơ hội thì sẽ thành công.

Ngay sau khi ra mắt thương hiệu mới, Thế Giới Di Động đã mua ngay tên miền mà theo giới kinh doanh đánh giá là trị giá lên đến 10 tỷ đồng. Và chỉ trong vòng chưa đầy một năm rưỡi, Dienmay.com đã mở đến 10 điểm mua sắm.

Hai năm gần đây, Chợ Lớn cũng đã liên tục khai trương nhiều điểm bán mới. Chỉ riêng trong năm 2011, đã có 6 siêu thị Điện máy - Nội thất Chợ Lớn mở cửa đi vào hoạt động tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ và TP.HCM. Thiên Hòa không khai trương ồ ạt nhưng mỗi năm cũng có vài điểm bán mới phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Đầu năm 2012, Thiên Hòa đã đưa vào hoạt động một trung tâm điện máy lớn nhất tại Bình Dương. Và ngay trong ngày khai trương, Thiên Hòa đã có khách hàng đăng ký mua hàng điện máy trị giá đến vài tỷ đồng.

Chuỗi chi phối thị trường

Theo phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực điện máy, việc liên tục mở những điểm bán mới không nằm ngoài mục đích hình thành các chuỗi bán lẻ đủ mạnh để chi phối thị trường. Tại TP.HCM, hiện đã có 4-5 thương hiệu với chuỗi siêu thị bán hàng điện máy khá tên tuổi, sở hữu những mặt bằng đẹp ở các vị trí đắc địa như Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Chợ Lớn, Phan Khang...

Ảnh: Quý Hòa

Ở các tỉnh phía Bắc, cụ thể là tại Hà Nội, các thương hiệu như Trần Anh, Pico, Media Mart, Top Care... cũng đã hình thành những chuỗi kinh doanh riêng. Tuy nhiên, so với thị trường phía Nam, các thương hiệu điện máy phía Bắc không mạnh bằng.

Trong các chuỗi siêu thị điện máy, hiện Chợ Lớn đang đứng đầu với 22 trung tâm, trải dài từ Bắc vào Nam. Trong đó, 3 trung tâm phía Bắc được thị trường biết đến với thương hiệu HC - Hà Nội Chợ Lớn. Ngay từ khi thành lập, Chợ Lớn đã xác định phải xây dựng được chuỗi bán hàng trong cả nước.

Cách đây 5-6 năm, khi các siêu thị điện máy khác chưa phát triển hệ thống phân phối, Chợ Lớn đã tiên phong, mở các chi nhánh tại khu vực tỉnh. Mỗi năm, Chợ Lớn phát triển thêm 2-3 chi nhánh, bởi DN này dự đoán rằng các khu vực này chính là những thị trường rất tiềm năng trong tương lai. Và thực tế cho thấy, đến thời điểm hiện tại, các hệ thống siêu thị điện máy khác cũng đang tập trung phát triển điều mà Chợ Lớn đã thực hiện từ trước.

“Trong kinh doanh, tiên liệu tiềm năng thị trường là điều mấu chốt giành ưu thế địa điểm, tiết kiệm chi phí, nâng cao hình ảnh cho thương hiệu. Kế hoạch trong năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục khai trương thêm 3 - 4 trung tâm, theo định hướng hoàn thiện hệ thống phân phối phủ khắp khu vực miền Tây”, ông Trang Hồng Thái, Phó tổng giám đốc hệ thống Siêu thị Điện máy - Nội Thất Chợ Lớn cho biết.

Canh bạc vượt ngưỡng 20% thị phần


Hiện nay, chưa có số liệu thống kê chính thức thị phần của các DN kinh doanh điện máy. Tuy nhiên, theo GfK, tổng doanh số thị trường điện máy tại Việt Nam khoảng 5 tỷ USD. Nguyễn Kim đang được xem là thương hiệu đứng đầu thị trường nhưng doanh số năm 2011 cũng chỉ mới đạt 8.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 8% thị phần.

Như vậy, cho đến hiện tại, chưa có DN điện máy nào đủ sức nắm giữ 20% thị phần. Đó chính là lý do hai năm trở lại đây các nhà kinh doanh điện máy đẩy mạnh việc phát triển mạng lưới và chọn hướng đi cho mình.

Nếu như Nguyễn Kim, Thiên Hòa án ngữ những vị trí lớn giữa trung tâm thành phố thì Chợ Lớn chọn hình thức mở “siêu thị trong siêu thị”. Ngoài các điểm bán chuyên biệt, Chợ Lớn đưa các siêu thị của mình vào các trung tâm thương mại hoặc đại siêu thị như Srescent Mall, Maximark Cộng Hòa... Dienmay.com ra sau nên chọn “thị trường ngách”.

Ảnh: Quý Hòa

Không xây dựng hoành tráng, bề thế như các “đàn anh” khác, Dienmay.com có quy mô vừa phải, với diện tích khoảng 1.000-2.000m2, đủ để trưng bày 10.000 mặt hàng điện máy, điện tử, kỹ thuật số... Dienmay.com cũng không chọn những vị trí trung tâm mà đặt tại các quận Bình Tân, Tân Phú, Bình Thạnh... và các tỉnh thành khác.

Ông Đinh Anh Huân, Tổng giám đốc hệ thống siêu thị điện máy Dienmay.com, cho biết, Dienmay.com chọn hướng đi “mở rộng mạng lưới an toàn” chứ không cố chạy theo số lượng. Hiện các siêu thị điện máy của DN này có suất đầu tư xây dựng thấp, chỉ từ 3-4 triệu đồng/m2 (thay vì 9-10 triệu đồng/m2 như những DN khác) để tiết giảm chi phí và tạo lợi thế cạnh tranh bằng cung cách phục vụ.

Đứng thứ hai về số lượng trung tâm điện máy quy mô là Nguyễn Kim với 16 điểm bán trong cả nước. Không dừng lại ở đó, vào cuối năm nay, Nguyễn Kim sẽ khai trương thêm 14 điểm bán mới. Theo kế hoạch, Nguyễn Kim sẽ có đến 45 trung tâm, tại 32 tỉnh, thành trên toàn quốc vào năm 2015. Cũng như thế, hệ thống siêu thị Dienmay.com có 10 điểm bán, Thiên Hòa có 6 trung tâm. Các thương hiệu khác như Ideas, Đệ Nhất Phan Khang… dù có chậm hơn nhưng cũng đang hình thành những chuỗi bán hàng để tìm chỗ đứng.

Cũng theo ông Huân, hiện thị trường điện máy đã có những tên tuổi lớn như Nguyễn Kim, Thiên Hòa với những vị trí lớn ngay giữa trung tâm thành phố. Vì vậy, những đơn vị tham gia sau sẽ rất khó cạnh tranh được nếu đi theo hướng mở lớn như thế. Đó là chưa kể việc tìm mặt bằng lớn lên đến vài ngàn mét vuông ngay trung tâm thực sự là một thách thức.

Không chỉ có các DN đi sau mà ngay những thương hiệu lớn, có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực này cũng đang thay đổi chiến lược kinh doanh. Khi hai thị trường TP.HCM và Hà Nội (chiếm đến 50% doanh số của ngành) bão hòa, các DN đẩy mạnh phát triển ra các vùng ven và các tỉnh.

Thiên Hòa ngoài một trung tâm tại quận 10, các siêu thị khai trương sau đều đưa về quận 12, Gò Vấp và mới đây nhất là tại Bình Dương. Chợ Lớn có 22 siêu thị thì hai phần ba trong số đó là tại các tỉnh. Không dừng lại ở đó, DN này đang nhắm đến việc “phủ sóng” dày đặc tại các tỉnh miền Tây trong thời gian tới.

Cùng với thị trường tỉnh, một trong những mô hình mà các nhà đầu tư đang nhắm đến là mở các trung tâm mua sắm phức hợp thay vì chỉ kinh doanh điện máy như trước đây. Đi đầu trong hình thức này là Chợ Lớn với sự ra đời của thương hiệu Index Living Mall.

Đây là mô hình kinh doanh đáp ứng trọn vẹn nhu cầu mua sắm tại một điểm từ nội thất đến vật dụng trang trí và điện máy, điện tử, điện gia dụng. Cũng như Chợ Lớn, trung tâm mua sắm Thiên Hòa tại Bình Dương không chỉ có điện máy mà còn có ẩm thực, vui chơi giải trí...

Cùng với Thiên Hòa, Chợ Lớn, Nguyễn Kim cũng đang nhắm tới hình thức này. Ông Phan Linh Phương cho biết, song song với việc khai trương những điểm bán mới, Nguyễn Kim cũng đang chuyển mô hình trung tâm điện máy - kỹ thuật số thành các trung tâm mua sắm phức hợp gồm cả hàng điện máy, kỹ thuật số, điện gia dụng đến hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm, ẩm thực, giải trí, cà phê...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Chết" đột ngột, "sống" bất thường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO