Châu Âu đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam

HỒNG NGA| 26/12/2012 00:22

Dự án có tổng ngân sách 16,5 triệu Euro, trong đó, Liên minh châu Âu (các nước thành viên và Ủy ban châu Âu) tài trợ 15 triệu Euro, Chính phủ Việt Nam đóng góp 1,5 triệu Euro, hoạt động từ 2012 đến 2017.

Châu Âu đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam

Sau khi Hiệp định tài chính giữa Chính phủ Việt Nam và châu Âu được ký kết, Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư châu Âu (EU-MUTRAP) đã bắt đầu được triển khai. Dự án có tổng ngân sách 16,5 triệu Euro, trong đó, Liên minh châu Âu (các nước thành viên và Ủy ban châu Âu) tài trợ 15 triệu Euro, Chính phủ Việt Nam đóng góp 1,5 triệu Euro, hoạt động từ 2012 đến 2017.

Ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm tư vấn Dự án EU-MUTRAP đang giới thiệu dự án với các sở ngành, hiệp hội và doanh nghiệp phía Nam.

Sau hơn 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, EU hiện là một trong những đối tác thương mại, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Đồng thời, EU cũng là nhà tài trợ phát triển lớn nhất cho Việt Nam. Từ 1998, EU bắt đầu khởi động chương trình hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến thương mại cho Việt Nam với các Dự án hỗ trợ chính sách thương mại đa biên (MUTRAP): MUTRAP I (thực hiện trong giai đoạn 1998 - 2003), MUTRAP II (thực hiện trong giai đoạn 2003 - 2008), MUTRAP III (thực hiện trong giai đoạn 2008 - 2012). Và hiện nay là dự án EU-MUTRAP.

Một trong những nội dung quan trọng của EU-MUTRAP là giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại toàn cầu, hội nhập ASEAN và các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng thì dự án còn hỗ trợ Việt Nam trong đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU, đồng thời thực thi các cam kết của Hiệp định.

Bên cạnh đó, các nội dung nghiên cứu về môi trường đầu tư, các chính sách bảo vệ môi trường và xã hội liên quan đến thương mại và hội nhập kinh tế cũng được triển khai trong dự án này.

Trong bối cảnh EU là thị trường lớn đầy tiềm năng nhưng khó tiếp cận với hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam bởi những quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh môi trường, nhãn mác hàng hoá, đặc biệt là văn hoá tiêu dùng của châu Âu, những hỗ trợ này sẽ giúp Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam tìm ra chìa khoá để mở cánh cửa thị trường châu Âu.

Với việc tăng ngân sách hỗ trợ thông qua các các tiểu dự án cho các hiệp hội ngành hàng, trường đại học, viện nghiên cứu, dự án sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường của hàng hóa Việt Nam cũng như tiếp tục hỗ trợ sự tham gia của khu vực tư nhân trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách thương mại và đầu tư.

Dự án cũng sẽ hỗ trợ Bộ Công Thương thuận lợi hóa thương mại và đầu tư quốc tế bền vững thông qua cải thiện năng lực tham vấn, hoạch định chính sách, đàm phán, triển khai những cam kết liên quan; đặc biệt hướng đến khuôn khổ pháp lý về đầu tư với vấn đề môi trường, quyền sở hữu trí tuệ…

Ngày 21/12, trong buổi giới thiệu và cung cấp thông tin về việc triển khai dự án đến các sở ngành, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp ở khu vực phía Nam, ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm tư vấn Dự án EU-MUTRAP, cho rằng, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu thô nên giá trị không cao. May mặc, da giày là những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, thế nhưng ngân sách thu về rất thấp. Trong khi một đôi giày của Việt Nam xuất sang châu Âu chỉ có giá 5 - 7 Euro nhưng lại được bán trên thị trường với giá lên đến 50 - 70 Euro.

“Việt Nam chỉ nằm trong công đoạn chế biến mà chưa đến được với người tiêu dùng châu Âu. Vấn đề hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam là làm thế nào để tiếp cận được thị trường và cả người tiêu dùng châu Âu”, ông Claudio Dordi tư vấn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Châu Âu đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO