Châu Á săn hàng

13/11/2010 01:11

Đi đầu trong hoạt động mua bán và sáp nhập trên thế giới hiện nay chính là các doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương.

Châu Á săn hàng

Đi đầu trong hoạt động mua bán và sáp nhập trên thế giới hiện nay chính là các doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương.

Đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore - SGX (trái) và Sở Giao dịch Chứng khoán Úc - ASX trong buổi ký kết hợp đồng hợp nhất tại Sydney ngày 25/10/2010.

Trong bối cảnh các nước châu Âu tích cực cắt giảm chi tiêu công và chưa dứt lo ngại về khả năng nền kinh tế Mỹ có thể lại rơi vào tình trạng suy thoái, thế giới đang hướng sự mong đợi vào sức mạnh đang lên của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, nhằm giữ cho kinh tế toàn cầu không lâm vào cảnh khó khăn.

Không chỉ phản ánh ở tỉ lệ tăng trưởng kinh tế vững chắc, uy tín và ảnh hưởng của các nền kinh tế khu vực này (gồm cả Úc và New Zealand), còn đang vươn lên nắm vai trò đầu tàu trong hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A).

Thương vụ đáng chú ý nhất là hồi cuối tháng 10, Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore đã chi 8,3 tỉ USD mua lại Sở Giao dịch Chứng khoán Úc để thành lập sàn chứng khoán lớn thứ 4 châu Á - Thái Bình Dương, nhằm cạnh tranh với 3 trung tâm lớn là Tokyo, Hồng Kông và Thượng Hải.

Trong quý III/2010, số thương vụ M&A ở khu vực này đạt 152,5 tỉ USD, chiếm 22% tổng số thương vụ M&A toàn cầu (theo số liệu của Thomson Reuters, công ty truyền thông có trụ sở tại Mỹ). Tỉ trọng này đã tăng từ mức chưa đến 10% hồi năm 2005.

Jennifer Coldwell, chuyên gia phân tích của Thomson Reuters, cho biết, với 333 tỉ USD giá trị giao dịch M&A từ đầu năm đến nay, những công ty mua lại của châu Á chiếm hơn 17% tổng số vụ M&A toàn cầu, tăng so với mức 16% năm 2009 và 7% năm 2000”. Hoạt động M&A ở châu Á được dự báo sẽ tiếp tục nhộn nhịp, khi các công ty trong khu vực sử dụng sức mạnh của mình để tìm kiếm cơ hội ở châu Á và cả tại phương Tây.

Một cuộc khảo sát được thực hiện cho Clifford Chance, công ty luật toàn cầu trụ sở tại Anh và Tạp chí FinanceAsia của Hồng Kông, cho thấy trước mắt, các chuyên gia tư vấn về M&A sẽ tiếp tục bận rộn ở châu Á. Hơn 70% số người có quyền quyết định được khảo sát dự đoán rằng, những thương vụ M&A xuyên biên giới của các công ty châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng trong 12-18 tháng tới.

Trung Quốc sẽ là động lực chính của xu hướng này do đang ra sức thâu tóm các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở nước ngoài để cung cấp cho các nhà máy của mình. Cường quốc này chiếm gần 2/3 trong 10,6 tỉ USD giá trị các thỏa thuận khai khoáng ở Úc năm 2009. Trung Quốc cũng đang lùng sục dầu thô và các nguyên vật liệu khác ở châu Phi.

Một điều đáng chú ý là hoạt động M&A đã mở rộng ra nhiều ngành, đặc biệt là dịch vụ tài chính. “Chúng ta đang chứng kiến một số lượng đáng kể thương vụ M&A trong ngành dịch vụ tài chính. Đó là do các tổ chức tài chính đang trong quá trình đánh giá lại chiến lược và đôi khi là thực hiện các khoản thoái vốn mang tính chiến lược”, ông Roger Denny, Giám đốc phụ trách M&A ở châu Á của Clifford Chance, cho biết. Các công ty sản xuất hàng tiêu dùng và bán lẻ cũng là mục tiêu được ưa chuộng nhờ sự gia tăng lượng người tiêu dùng châu Á.

Khảo sát trên còn cho thấy, các công ty đi săn tiềm năng ở châu Á nhận định, những khó khăn kinh tế của phương Tây đã tạo ra cơ hội để mua lại các doanh nghiệp ở châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, họ cũng tỏ ra thận trọng với việc mua lại công ty ở các nền kinh tế đang trì trệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Châu Á săn hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO