Cáp chiếm chỗ

ĐẶNG QUÝ YÊN| 15/02/2012 03:47

Truyền hình cáp dẫu sở hữu nhiều tiềm lực phát triển vẫn để lộ một khoảng trống lớn trên thị trường. Khoảng trống này vô tình tạo điều kiện cho truyền hình internet chen chân. Tỉnh giấc ngủ quên trên chiến thắng, lại sắp được cởi trói về mặt cơ chế, truyền hình cáp đang lăm le thực hiện một cuộc chuyển mình.

Cáp chiếm chỗ

Truyền hình cáp dẫu sở hữu nhiều tiềm lực phát triển vẫn để lộ một khoảng trống lớn trên thị trường. Khoảng trống này vô tình tạo điều kiện cho truyền hình internet chen chân. Tỉnh giấc ngủ quên trên chiến thắng, lại sắp được cởi trói về mặt cơ chế, truyền hình cáp đang lăm le thực hiện một cuộc chuyển mình.

>>Số soán ngôi?

Khoảng trống thị trường

Năm 2009, VTC, một trong những đơn vị đi đầu kinh doanh truyền hình cáp mạnh dạn đặt mục tiêu đến năm 2010 sẽ trở thành tập đoàn truyền thông đa phương tiện, hoạt động theo 5 khối, gồm: công nghệ và nội dung số, kinh doanh dịch vụ viễn thông, kinh doanh dịch vụ truyền hình số, truyền thông báo chí và khối sự nghiệp - đào tạo.

Cựu chủ tịch VTC Thái Minh Tần từng chia sẻ, với kế hoạch hoạt động đa dạng như thế, VTC sẽ thành lập 3 tổng công ty trực thuộc tập đoàn, trong mỗi tổng công ty lại có hàng chục công ty con.

Dù đến thời điểm hiện tại, kết quả phấn đấu của VTC vẫn còn đang dang dở nhưng vẫn thấy rằng, nếu truyền hình cáp không có tiềm năng, đơn vị này sẽ chẳng dám đặt mục tiêu quá lớn như vậy.

Không thể phủ nhận, với công nghệ analog, chi phí đầu tư ban đầu thấp, truyền hình cáp đã có điều kiện phát triển và phổ cập mạnh mẽ. Theo số liệu của Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình - Thông tin điện tử, số lượng thuê bao truyền hình cáp đã tăng gấp 20 lần so với con số 80.000 kể từ tháng 9/2003.

Nhiều nhất là TP.HCM với trên 1 triệu thuê bao, tiếp đó là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng... Các đại lý kinh doanh dịch vụ truyền hình tiết lộ, truyền hình cáp đã phủ kín gần 99% địa bàn các tỉnh, thành lớn trên cả nước.

Đáng tiếc, đây không phải là con số đáng mừng bởi việc giậm chân tại chỗ của các thuê bao khiến các đơn vị kinh doanh dịch vụ truyền hình cáp phải “ăn thịt” lẫn nhau. Lượng thuê bao cứ chuyển từ nhà cung cấp này sang nhà cung cấp khác, chứ không phát triển được thuê bao mới.

Bên cạnh đó, theo ông Trang Lan Anh Phương, Giám đốc FPT Telecom, truyền hình cáp cũng đã góp phần “làm hư” khách hàng khi công tác quản lý thuê bao lỏng lẻo, tình trạng chia tín hiệu dễ dàng thực hiện làm cho TTTH số không phát triển mạnh được.

Đối lập với tình trạng này là “cơn khát” truyền hình cáp tại thị trường nông thôn. Dạo một vòng quanh các tỉnh lân cận TP.HCM như Bình Dương, Củ Chi, Đồng Nai... đều thấy sự vắng mặt của truyền hình cáp.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty CP Truyền hình cáp Sông Thu, dẫu thị trường các thành phố lớn đã bão hòa, nhưng việc phát triển sang thị trường nông thôn là không thể bởi với giá dịch vụ như hiện nay, cộng thêm chi phí bản quyền truyền hình một năm tăng từ 20 - 30%, việc kéo dây cáp đi xa hơn, phát triển một khu vực mới khi nhu cầu chưa cao, số lượng thuê bao không đủ bù chi phí. 

“Kinh doanh truyền hình cáp chỉ lời nhờ vào số nhiều”, ông Tuấn chia sẻ. Đây chính là lý do khu vực dân cư không thuộc trung tâm thuộc về truyền hình mặt đất và thời gian gần đây là truyền hình vệ tinh.

Tuy nhiên, ngay cả truyền hình vệ tinh, truyền hình mặt đất cũng không thể phát triển nhanh và mạnh được như truyền hình cáp với rào cản chi phí ban đầu lớn cho bộ giải mã, bộ thu sóng.

Cụ thể, muốn trở thành thuê bao của K+, người dùng phải đầu tư khoảng 1,5 triệu đồng. Con số này vẫn còn khá cao đối với người dân ở khu vực nông thôn.

Cởi trói cho truyền hình cáp

Hạ tuần tháng 3/2011, quy chế mới quản lý về truyền hình được Chính phủ ban hành. “Cộng với lộ trình số hóa truyền hình của Việt Nam, từ nay đến 2020, phấn đấu số hóa toàn bộ hệ thống truyền hình tại Việt Nam thì lợi thế của truyền hình cáp sẽ bị rút ngắn đáng kể”, ông Anh Phương nhận định.

Theo ông Phương, vào thời điểm chính thức số hóa truyền hình ở Việt Nam thì các loại hình dịch vụ truyền hình đều trở về vạch xuất phát ở cuộc đua cạnh tranh thu hút khách hàng. Khi đó, dịch vụ nào đa dạng, độc đáo về nội dung, công nghệ nổi bật với chi phí hợp lý sẽ có lợi thế hơn.

Số lượng thuê bao truyền hình cáp đã tăng gấp 20 lần so với con số 80.000 kể từ tháng 9/2003. Nhiều nhất là TP.HCM với trên 1 triệu thuê bao, tiếp đó là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng… Các đại lý kinh doanh dịch vụ truyền hình tiết lộ, truyền hình cáp đã phủ kín gần 99% địa bàn các tỉnh, thành lớn trên cả nước. (Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình - Thông tin điện tử)

Đáng mừng là trước sự phát triển truyền hình internet cũng như đồng thời chuẩn bị cho lộ trình số hóa truyền hình, các doanh nghiệp kinh doanh truyền hình cáp cũng chẳng đứng yên.

“Bản thân dây cáp truyền tín hiệu của truyền hình cáp đã tích hợp cả dây tín hiệu internet, dây điện thoại, dây truyền hình...

Điều này cho thấy, những nhà kinh doanh truyền hình cáp đã tính đến bài toán phát triển dịch vụ này thành một đường truyền đa phương tiện, bao gồm cả truyền hình, truyền hình theo yêu cầu, internet, điện thoại...

Khi đã triển khai các dịch vụ này, ngoài chất lượng hình ảnh vốn đã vượt trội hơn từ trước, truyền hình cáp còn đa dạng hơn hẳn IPTV”, ông Tuấn khẳng định.

Tuy nhiên, cho đến nay, truyền hình cáp vẫn ở trong tình trạng “một mình một ngựa”, chưa cõng thêm các dịch vụ kèm theo dù trong khả năng của mình, là vì phải có thời gian để người dùng quen dần với dịch vụ và quan trọng hơn là các vướng mắc trong cơ chế hoạt động.

Cơ hội kinh doanh của truyền hình trả tiền là rất lớn. Việc xuất hiện Công ty CP Nghe nhìn Toàn cầu (AVG), với hơn 1.500 tỷ đồng đầu tư cho dự án xây dựng hạ tầng truyền dẫn truyền hình kỹ thuật số nhưng chấp nhận lỗ lớn trong 3 - 4 năm đầu tiên, minh chứng cho xu hướng này.

“Nếu không có gì thay đổi, khoảng tháng 6/2012, chức năng kinh doanh dịch vụ truyền hình cáp của các đài truyền hình sẽ được trả về cho những đơn vị tư nhân thay vì các đài truyền hình như trước đây.

Các nhà đầu tư được đăng ký giấy phép đầu tư hạ tầng và mua bản quyền các chương trình truyền hình của nhà đài. Cơ chế này giúp các nhà đầu tư dịch vụ truyền hình cáp mạnh dạn hơn, không bị giới hạn như trước đây. Lúc đó, việc phát triển thuê bao cũng thuận lợi hơn rất nhiều”, ông Tuấn chia sẻ.

Chuẩn bị cho lộ trình này, bản thân Sông Thu cũng đã liên kết với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông CMC Telecom để cung cấp dịch vụ internet cho khách hàng của mình.

Ông Tuấn tiết lộ: “Hạ tầng các đơn vị kinh doanh truyền hình cáp đã có sẵn, liên kết này giúp chúng tôi trước tích hợp thêm dịch vụ nhằm giữ chân khách hàng, sau mở rộng kinh doanh, chia sẻ lợi nhuận với nhau”.

Thế giới đang bắt đầu xu hướng hội tụ các loại hình truyền hình nhằm tận dụng ưu thế công nghệ và rút ngắn khoảng cách cạnh tranh. Cụ thể, truyền hình cáp đều được tích hợp thêm internet broadband và trên cơ sở đó có thể cung cấp dịch vụ truyền hình theo yêu cầu bằng công nghệ IPTV.

Không chỉ có Sông Thu, một số nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp ở các nước đã bắt đầu thực hiện chiến lược này. Đây cũng sẽ là xu hướng diễn ra trong thời gian tới với TTTH Việt Nam.

Rõ ràng, trong tương lai, mức độ cạnh tranh sẽ còn gay gắt hơn bây giờ khi các nhà truyền hình cáp cũng phải xông vào thị trường viễn thông để bảo vệ và mở rộng thị phần của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cáp chiếm chỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO