“Cách mạng” cho ngành bán lẻ trong nước

HỒNG NGA| 20/01/2009 09:37

Sự xuất hiện của các “đại gia” bán lẻ nước ngoài đã tạo áp lực lớn cho ngành bán lẻ trong nước. Và mới đây nhất, Siêu thị Lotte Mart khai trương đã buộc các DN trong nước phải “ngồi lại với nhau” để tạo “cuộc cách mạng” cho ngành bán lẻ.

“Cách mạng” cho ngành bán lẻ trong nước

Sự xuất hiện của các “đại gia” bán lẻ nước ngoài đã tạo áp lực lớn cho ngành bán lẻ trong nước. Và mới đây nhất, Siêu thị Lotte Mart khai trương đã buộc các DN trong nước phải “ngồi lại với nhau” để tạo “cuộc cách mạng” cho ngành bán lẻ.

“Cách mạng” cho ngành bán lẻ

Không còn nhiều thời gian chuẩn bị đối phó với các đối thủ nước ngoài, nhiều DN trong nước đang chạy đua với việc phát triển và củng cố thị phần. Trong đó, bên cạnh việc xây dựng mới các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, một hình thức đang được chính quyền Thành phố đẩy mạnh là nâng cấp hệ thống chợ.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Để chiếm lĩnh thị trường bán lẻ, Thành phố đã giao cho 3 đơn vị gồm Saigon Co.op, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn phối hợp triển khai, nâng cấp, phát triển hệ thống chợ tại TP.HCM”.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op cũng cho rằng: khi được giao, Saigon Co.op sẽ cải tạo, nâng cấp lại tất cả các chợ. Cụ thể, Saigon Co.op nâng cấp cơ sở vật chất như hệ thống điện, nước, cung cấp hàng cho tiểu thương với giá cạnh tranh.

Đến khi nào người tiêu dùng mua được thực phẩm đã kiểm tra và đóng gói như thế này? Ảnh: Thi Na


Hơn nữa, “Hàng hóa được đóng gói theo quy chuẩn của Saigon Co.op nên giải quyết được tình trạng cân đong thiếu... nhưng vẫn không đẩy tiểu thương ra ngoài lề mà tạo công ăn việc làm cho họ. Họ hoặc trở thành nhân viên của đơn vị cải tạo chợ hoặc trở thành đại lý”, ông Hòa khẳng định.

Thật ra, đây không phải là sáng kiến của Saigon Co.op hay của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn mà là mô hình từ Trung Quốc. Ở nước này, phát triển hệ thống phân phối nội địa không chỉ là việc xây dựng các trung thương mại, siêu thị hoành tráng mà là sự phát triển chất lượng của thị trường. Hiện tại, Trung Quốc đang thí điểm việc “lên đời” các chợ khá thuyết phục.

Lên đời không phải là ở hình thức mà là “cái chất” của nền thương mại: văn minh, lịch sự và vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể, họ giao cho một hệ thống siêu thị nhà nước đầu tư, nâng cấp các chợ. Các tiểu thương ở chợ được nhận hàng làm đại lý cho hệ thống siêu thị này và như vậy đã giải quyết được nhiều vấn đề như thất thu thuế, vệ sinh an toàn thực phẩm, tình trạng nói thách, cân đong thiếu.

Ngoài việc nâng cấp các chợ theo hướng này, Saigon Co.op còn kiến nghị nên xây dựng siêu thị hoặc chợ ở tất cả các chung cư. Bởi “Khi đã có chợ bên dưới thì sẽ không xảy ra chuyện các hộ trên các tầng chung cư bán tạp hóa hoặc thực phẩm và như vậy sẽ giải quyết được vấn đề phòng cháy chữa cháy, cảnh quan môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Hòa chia sẻ.

Phát triển bằng nhiều hình thức

Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện nay VN có khoảng 400 siêu thị, 60 Ttrung tâm thương mại và gần 2.000 cửa hàng tiện ích. Năm 2007, tổng doanh thu bán lẻ đạt 44 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2006. Mười tháng đầu năm 2008, doanh thu của toàn ngành đạt trên 782.000 tỷ đồng, tăng 30,7% so với năm 2007. Dịch vụ bán lẻ của VN vẫn chủ yếu đi theo kênh truyền thống với tỷ lệ 85%, kênh hiện đại là 15%.

Không phải đến khi VN “mở toang” cánh cửa thị trường bán lẻ Nhà nước mới chú ý đến việc phát triển thị trường nội địa mà những năm trước, Thành phố đã chỉ đạo xây dựng và phát triển mạng lưới bán lẻ. Tuy nhiên, chương trình này vẫn chưa tiến triển mấy. Hiện nay, khi “nước đã đến chân” thì các DN phải “ngồi lại” với nhau, cùng xây dựng mạng lưới bán lẻ để hàng hóa đi sâu vào từng con phố, con hẻm cũng như đến với từng người tiêu dùng.

Bà Hồng cho rằng, ngoài siêu thị, DN trong nước có thể tận dụng mạng lưới của các công ty, các hợp tác xã và nhất là các chợ chưa phát huy hết công năng. Đó là chưa kể việc tận dụng các cửa hàng bán lẻ của người dân. Bởi theo thống kê của ngành thương mại, VN hiện có trên 350.000 điểm bán lẻ quy mô lớn nhỏ khác nhau, chiếm tỷ lệ 65% - 85% trong toàn mạng lưới phân phối, và 90% các sạp nhỏ và cửa hàng tạp hóa ở VN do người VN quản lý.

Ý tưởng nâng cấp các chợ truyền thống khá hay nhưng vẫn còn làm một số người nghi ngại. Chủ một hệ thống siêu thị tư nhân tại TP.HCM nói: “Tôi ủng hộ việc nâng cấp các chợ nhưng chỉ nên giao cho một đơn vị là Saigon Co.op thì may ra thành công. Chứ giao cho cả ba đơn vị thì e rằng... “cha chung không ai khóc”.

Một giám đốc phụ trách bán lẻ cho công ty nước ngoài nói thẳng: “Liệu việc bán hàng ở các chợ có đồng nhất và đồng chuẩn không, khi đa số các tiểu thương đều có trình độ chưa cao, có cách bán hàng khác nhau và đa phần họ đều coi đó là “kế sinh nhai” chứ chưa phải là một hoạt động dịch vụ mang tính chuyên nghiệp?”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Cách mạng” cho ngành bán lẻ trong nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO