Cá tra chinh phục "ao nhà"

Hồng Nga| 11/02/2020 09:30

Cá tra Việt Nam đã chinh phục thị trường thế giới từ nhiều năm nay và gần đây, các doanh nghiệp quyết tâm đưa cá tra vào mâm cơm người tiêu dùng Việt.

Cá tra chinh phục

Định kiến cá tra nuôi không sạch đã ăn sâu vào tiềm thức của người tiêu dùng, gây khó khăn cho mặt hàng này tại "sân nhà".

Khó với "ao nhà"

Cá tra là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam khi kim ngạch hằng năm đạt đến 2 tỷ USD và có mặt tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thế nhưng, tại sân nhà, cá tra lại chẳng được nhiều người tiêu dùng quan tâm.

Ông Phạm Minh Thiện - CEO Công ty Cỏ May cho biết, công ty đã xuất khẩu cá tra đến 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt gần 1.000 tỷ đồng/năm. Trong đó, sản phẩm chủ lực là cá tra phi lê. "Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa tìm được kênh phân phối tại Việt Nam, kể cả hệ thống siêu thị và chợ truyền thống", ông Minh Thiện chia sẻ.

Ngay cả Vĩnh Hoàn - doanh nghiệp với doanh số xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam trong nhiều năm qua cũng đang loay hoay với thị trường trong nước. Thậm chí khi đưa cá tra vào nhà hàng, khách sạn, và mặc dù đã chế biến bằng nhiều phương pháp khác nhau cũng như đa dạng thực đơn nhưng thực khách vẫn e ngại.

Chia sẻ thực tế khi đưa món ăn chế biến từ cá tra đến với thực khách, ông Chiêm Thành Long - Giám đốc Làng du lịch Bình Qưới cho biết, đơn vị từng đưa cá tra vào buffet dù có đặt tên là cá ba sa, cá da trơn nhưng khách vẫn e ngại. Đã vậy, khi khách đã bắt đầu quen với những món ăn này thì đơn vị lại khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng nguyên liệu. Bởi lâu nay, các doanh nghiệp chỉ chú trọng thị trường xuất khẩu, chưa quan tâm đến thị trường nội địa nên chưa xây dựng được mạng lưới phân phối và điểm bán phổ biến. 

"Điều này dẫn đến tình trạng các nhà hàng, khách sạn muốn lấy hàng thì phải đến tận vùng nuôi hoặc liên kết với đơn vị sản xuất, nuôi trồng nhưng phải tiêu thụ với số lượng lớn".

Theo các chuyên gia, lâu nay người tiêu dùng vẫn thờ ơ với cá tra vì chưa hiểu cặn kẽ về lợi ích của loài cá này. Hơn nữa, định kiến cá tra nuôi không sạch đã ăn sâu vào tiềm thức của người tiêu dùng, đặc biệt là những người lớn tuổi. Tuy nhiên, vừa qua, Mỹ đã chính thức công nhận hệ thống kiểm tra sản phẩm cá và cá da trơn xuất khẩu của Việt Nam tương đương với Mỹ. 

Link bài viết

Nhận định về vấn đề này, bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food cho rằng, có một sự thật là khi cả thế giới ăn cá tra thì người Việt Nam mới quay lại ăn cá tra. Những năm gần đây, người tiêu dùng ủng hộ nhiều nhưng vẫn còn không ít những người của thế hệ 60 trở về trước còn ám ảnh, thành kiến với cá tra vì nhớ lại thời cá tra nuôi cầu.

"Theo tôi, để cá tra được tiêu thụ mạnh tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp cần làm truyền thông nhiều hơn nữa về quy trình nuôi hiện nay. Tại sao chúng ta làm cho cả thế giới tin mà dân ta vẫn còn e dè", bà Thanh Lâm đặt vấn đề. 

Đưa cá tra vào mâm cơm người Việt

Theo tính toán, thị trường nội địa với gần 100 triệu dân cùng hơn 13 triệu lượt khách du lịch mỗi năm, dự kiến tiêu thụ thủy sản bình quân năm 2020 đạt khoảng 40kg/người/năm. Đây là thị trường rất tiềm năng và là bệ đỡ cho doanh nghiệp khi gặp khó khăn khi xuất khẩu. 

Với quyết tâm chinh phục người tiêu dùng trong nước và đưa cá tra vào bàn ăn của người Việt, Công ty Cỏ May đã xây dựng chiến lược tiếp cận bài bản. Tháng 12/2019, Công ty Cỏ May đã đưa sản phẩm ra thị trường sản phẩm cá tra đóng gói. Đầu tháng 1/2020, Cỏ May tổ chức tiệc buffet tại làng du lịch Bình Quới...

Phi lê cá tra

Phi lê cá tra

Tại đây, người tiêu dùng được thưởng thức 40 món ăn được chế biến từ cá tra. Cũng ngay tại sự kiện, Cỏ May đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Sài Gòn Food - một trong những công ty chế biến thực phẩm đông lạnh lớn nhất hiện nay để đưa cá tra vào "thực đơn của Sài Gòn Food". 

Ông Minh Thiện cho biết, công ty đang có chiến lược đẩy mạnh tiêu thụ cá tra vào nội địa và đã có nhiều sản phẩm phù hợp với thói quen chế biến của người Việt Nam như phi lê còn da cắt miếng, phi lê không da cắt miếng, cắt khúc và xẻ bướm. Trong thời gian tới, Cỏ May tiếp tục tung ra thị trường các sản phẩm cá tra chế biến, phù hợp với người tiêu dùng trẻ, người bận rộn và ưa thích sự tiện lợi.

"Năm 2016, chúng tôi từng đặt mục tiêu xây dựng 1.000 điểm bán cá tra khắp cả nước nhưng nay sẽ tập trung vào kênh B2B và xây dựng kênh bán hàng trực tuyến, tận dụng các nền tảng giao hàng đang phát triển", lãnh đạo Cỏ May chia sẻ. 

Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, lâu nay Sài Gòn Food có rất nhiều sản phẩm chế biến từ nguyên liệu cá tra. Trong đó, có đến 7 loại lẩu, hơn 10 loại chả cá, 1 loại cháo tươi và rất nhiều món trong thực đơn suất ăn công nghiệp. Mỗi tháng, công ty sử dụng 50 tấn cá tra nguyên liệu cho chế biến các món ăn trên.

"Tham gia sự kiện mới biết Cỏ May có sản phẩm chất lượng, có chính sách tốt, dịch vụ tốt và nếu giá cả tốt chúng tôi sẽ hợp tác lâu dài. Trước mắt hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác, sau đó cần ngồi lại với nhau bàn bạc chi tiết về quy cách, chủng loại...", bà Thanh Lâm cho biết.

Nhờ kênh xuất khẩu, cá tra đã "sạch" hơn cả cá thiên nhiên.

Nhờ kênh xuất khẩu, cá tra đã "sạch" hơn cả cá thiên nhiên.

Chia sẻ kỹ hơn về loại thực phẩm này, ông Minh Thiện cho biết, cá tra đóng góp vào sự phát triển của miền Tây rất nhiều. Và, nhờ kênh xuất khẩu, cá tra đã "sạch" hơn cả cá thiên nhiên. Lý do là trong ao cá tra, người nuôi kiểm soát từng chỉ tiêu nước, áp dụng tất cả tiêu chuẩn mà phương Tây đưa ra để có thể xuất khẩu sang những thị trường này.

Mặt khác, khi ra nước ngoài, cá tra nằm trên các kệ siêu thị, bàn ăn với giá không phải rẻ. Để chinh phục người tiêu dùng trong nước, bên cạnh việc đưa các món ăn từ cá tra vào thực đơn các nhà hàng cao cấp, Cỏ May sẽ đồng hành cùng các đầu bếp chuyên nghiệp và các chuyên gia dinh dưỡng hướng dẫn cho người tiêu dùng cách chế biến các món ăn ngon, bổ dưỡng từ nguyên liệu cá tra.

"Người Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đưa món ăn của họ sang Việt Nam khá thành công, chúng tôi cũng học cách của họ", ông Thiện cho biết. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cá tra chinh phục "ao nhà"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO