![]() |
Mỗi cửa tiệm cà phê có trung bình 1-2 ví điện tử. Cá biệt có cửa hàng có 4-5 ví điện tử cạnh tranh nhau dù mới mở |
Số liệu của Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, số lượng giao dịch qua hệ thống ngân hàng điện tử trên Internet vượt quá 200 triệu, đạt hơn 12,9 triệu tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số lượng giao dịch qua kênh smartphone tăng vọt lên đến 472 triệu giao dịch, với tổng giá trị 4,9 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 178% và 177% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thói quen của người tiêu dùng thay đổi lớn sau khi các giới hạn đi lại và tiếp xúc được thực hiện trong hai tháng 3 và tháng 4 vừa qua. Khảo sát của Nielsen Vietnam cho thấy hơn 50% người được hỏi, trả lời họ đã giảm tần suất đi chợ truyền thống và siêu thị, 25% nói tăng cường mua sắm trên mạng. Ông Mohit Agrawal – Giám đốc Bộ phận thấu hiểu hành vi người tiêu dùng của Nielsen Vietnam – cho rằng người Việt hiện đang dành nhiều thời gian hơn trên mạng và mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Sự thay đổi này đã trở thành thói quen mới và định hình rõ hơn sau đợt bùng phát dịch ở Đà Nẵng vào tháng 7 qua.
Ngân hàng số được chuộng
Thói quen tiêu dùng mới giúp hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đầu tư nhiều hơn cho mảng thanh toán điện tử và đang hưởng những thành quả ban đầu. Tại Techcombank, khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong sáu tháng đầu năm là 153 triệu giao dịch, tăng 130% so với cùng kỳ năm trước và đạt triệu tỷ đồng, tăng 91%. Hoặc ở ngân hàng “đàn em” như VIB, trong bảy tháng đầu năm, lượng giao dịch qua ứng dụng MyVIB tăng 120% và số khách hàng sử dụng thường xuyên cũng tăng đến 80%.
Nhiều ngân hàng như VPBank, HDBank và Bản Việt bắt đầu thử nghiệm hình thức định danh trực tuyến (e-kyc) trên các ứng dụng của mình. Việc định danh này cho phép khách mở tài khoản mà không cần đến chi nhánh ngân hàng. Các nhà quản lý ngân hàng và các hãng công nghệ tài chính (fintech) nói họ có thể triển khai các dịch vụ tài chính mới nhanh chóng và dễ dàng sau khi có e-kyc.
Ví điện tử cạnh tranh khốc liệt
Thống kê của IDC (Tổ chức Dữ liệu Quốc tế) cùng với NTT Data công bố hồi tháng 4 cho thấy: Bình quân mỗi năm người Việt chi tiêu 36 USD qua ví điện tử, 103 USD qua thẻ ghi nợ (debit) và 176 USD qua thẻ tín dụng. “Con số này vẫn còn thấp so với mức độ số hóa của ngành ngân hàng và tài chính của các nước Asean. Nhưng nó cũng đồng nghĩa rằng đây là mảnh đất tiềm năng của các ngân hàng và tổ chức tài chính tín dụng Việt Nam, nhất là mảng ví điện tử”, một chuyên gia fintech tại TP.HCM nhận định.
MoMo là một trong những ví điện tử phổ biến ở Việt Nam. Tính đến đầu tháng 9 này, ví MoMo chạm mốc 20 triệu tài khoản, tăng gấp đôi so với con số vào đầu năm 2019. Tính riêng đợt dịch vừa qua, số người dùng mới của ví điện tử này tăng 30-40%.
“Thị trường hiện nay đang tiến rất nhanh, nhanh hơn so với mức chúng tôi kỳ vọng, đặc biệt là trong hai năm qua”, ông Nguyễn Bá Diệp, nhà đồng sáng lập kiêm Phó chủ tịch Ví điện tử MoMo, nhận xét.
Hiện có 32 ví điện tử cạnh tranh khốc liệt trên thị trường Việt Nam. Cuối tháng 12/2019, tập đoàn tài chính Ant Financial của gã khổng lồ Alibaba, mua lại ví điện tử e-Monkey. Tháng 6 vừa rồi, VietJet Air tham gia cuộc đua ví điện tử bằng việc thành lập công ty ví điện tử có vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Tập đoàn này hy vọng ví điện tử sẽ là mảnh ghép góp phần hoàn thiện hệ sinh thái khổng lồ của họ - từ hàng không, nghỉ dưỡng, mua sắm, ngân hàng và thanh toán.
Hãng thanh toán NextPay tuần rồi cũng tuyên bố sẽ bán ra đợt cổ phiếu 60 – 100 triệu USD trước khi chính thức lên sàn vào năm 2022. Số tiền này nhằm mở rộng mạng lưới điểm tiếp nhận thanh toán (merchant) của NextPay và phát triển các hoạt động kinh doanh của hãng ở Myanmar và Indonesia.
NextPay là kết quả của sự hợp nhất giữa nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử VIMO và startup mPOS, Công ty hợp nhất này được thành lập vào tháng 6 năm ngoái với khoảng 1,5 triệu người dùng và hơn 35.000 điểm chấp nhận trên 45 tỉnh thành. Họ đã đặt mục tiêu doanh thu là 33,7 triệu đô la vào năm 2020, so với 19,2 triệu đô la vào năm 2019.
Cần phải nhắc lại CEO Nguyễn Hữu Tuất cũng là người sáng lập kiêm CEO của FastGo, một trong những ứng dụng gọi xe thuần Việt đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ Grab và Gojek.
Trang tin DealStreetAsia nói số giao dịch trên ví điện tử tại Việt Nam tăng 200%, tức gấp ba lần, trong mùa dịch vừa rồi, nhưng doanh số chỉ tăng 22%. Điều này cho thấy sự bạc bẽo hay ghẻ lạnh của người dùng nếu ví không có những khuyến mãi “tuyệt đỉnh” như gửi xe chỉ 500 đồng (giá chính thức là 10.000 đồng), mua hàng tạp hóa 1 tặng 1 hay mua ly cà phê rang xay chỉ 10.000 đồng (giá trung bình là 29.000 đồng). Các hãng muốn giành người dùng, buộc phải "đốt" nhiều tiền.
Rủi ro lớn nhất của mảng fintech là sự trung thành của người dùng, bởi họ có thể xóa ứng dụng khi được những khoản tiền tặng hay khuyến mãi khi lần đầu sử dụng. Nhưng đây cũng là cơ hội cho các ứng dụng hay ứng dụng khác phát triển. “Điều quan trọng là các ví điện tử phải luôn như hoa tỏa hương, để người dùng không đành vứt đi hay xóa bỏ không thương tiếc”, chuyên gia fintech tại TP.HCM nhận xét.
Ý KIẾN CỦA BẠN