Bột rau má ầm ầm xuất đi châu Âu như chưa hề có dịch Covid-19

Bảo Anh| 30/09/2020 07:56

Dù đang trong mùa dịch Covid-19, hàng chục ngàn sản phẩm bột rau má của cô gái trẻ khởi nghiệp Nguyễn Ngọc Hương, thuộc Công ty TNHH Thiên Nhiên Việt (Củ Chi, TP.HCM), vẫn đều đặn xuất vào thị trường châu Âu. "Bí quyết" được Hương chia sẻ trong 5 bài học sau.

Bột rau má ầm ầm xuất đi châu Âu như chưa hề có dịch Covid-19

Vùng trồng rau má của Nguyễn Ngọc Hương ở Củ Chi, TP.HCM và các tỉnh rộng tới 20ha, đạt tiêu chuẩn xuất vào EU.

1. Sản phẩm đẳng cấp - giá trị tạo ra nó phải đẳng cấp

Cuối tháng 11 năm ngoái, mình chính thức có đơn hàng đầu tiên cho đối tác Hà Lan. Đến nay công ty tuy còn non trẻ nhưng đã xuất được 4 chuyến hàng với hơn 20.000 sản phẩm bột rau, trong đó bột rau má chiếm chủ đạo. 

Để có thành quả này, mình từng mua rất nhiều sản phẩm ở các triển lãm, hội chợ quốc tế. Coi kỹ nó là cái gì? Dùng như thế nào? Người ta ghi thông tin gì trên bao bì? Quy chuẩn sản xuất gồm những gì? Do quốc gia nào sản xuất? Thị trường cho sản phẩm này ở đâu? Đó là những câu hỏi mình lặp đi lặp lại nhiều lần, với rất nhiều sản phẩm.

Bằng trải nghiệm qua những năm sản xuất bột rau ở Củ Chi, mình nhận thức sản phẩm đẳng cấp thì những thứ tạo ra nó cũng phải đẳng cấp. Phải bắt đầu từ tư duy toàn cầu, tư duy hội nhập, liên tục cập nhật cái mới, sản phẩm phù hợp với xu hướng. 

Chúng ta không thể trồng cây trên núi rồi tự nói sản phẩm này là organic. Chế biến thủ công tại gia, phơi sào, phơi sân rồi nói với khách hàng đồ nhà làm là đồ sạch. Sản phẩm dù vỏ ngoài có đẹp mắt và "xịn sò" đến đâu, quảng bá mạnh bởi nhiều tiền hay nhiều người nhưng những con người, máy móc thiết bị, nguyên liệu, nhà cung cấp đầu vào tham gia tạo ra nó không cùng vị thế thì không bao giờ tạo nên thương hiệu đẳng cấp và bền vững được.

Do đó, đừng hời hợt ở bất kỳ khâu nào. Chúng ta càng tập trung hoàn chỉnh thì sự hoàn hảo trong sản phẩm càng cao. Sản phẩm tự nó sẽ có sức thuyết phục người dùng và có được khách hàng trung thành theo chiều dài phát triển của doanh nghiệp.

hinh-rau-ma-1-9812-1601369067.jpg

Nguyên tắc làm hàng xuất khẩu là bao bì phải có tiếng Việt để người dùng nhận diện xuất xứ.

2. Làm bao bì theo đặt hàng nhưng phải đòi hỏi có tiếng Việt

Lô hàng bột rau má xuất đi châu Âu lần này của Thiên Nhiên Việt không còn phải dán nhãn phụ trắng đen như trước nữa. Bao bì được in với 11 thứ tiếng và có tên của nhà nhập khẩu trực tiếp trên đó. Trong 11 ngôn ngữ được in lên bao bì, công ty đàm phán với đối tác giữ lại 1 phần nội dung tiếng Việt để người Việt nhận ra đây là sản phẩm của Việt Nam sản xuất. Nhưng vấn đề là nên giữ gì ở phần tiếng Việt? Nên bố trí như thế nào cho vừa hài hòa nội dung của châu Âu, vừa đảm bảo thẩm mỹ cho người xem khi xen phần tiếng Việt vào. Mọi thứ được cân nhắc kỹ lưỡng và được rà lại rất nhiều lần.

Làm bao bì sản phẩm không được phép sai dù chỉ là 1 ký tự, 1 khoảng trắng, 1 vệt hoa văn hay sự lệch lạc màu sắc. Bất kể khi đang làm gì, đang ngồi xe, lội ở trang trại hay đang trong sản xuất, cứ có file từ bên thiết kế gửi sang là mình lật đi lật lại, zoom phóng lên không biết bao nhiêu lần.

Cuối cùng thì cái gì cũng có giá của nó. Càng tập trung cao độ để làm sản phẩm thì thành phẩm làm ra càng hoàn hảo. Đối tác không có bất kỳ 1 lời nào để bình phẩm, ngược lại họ tỏ ra nâng niu sản phẩm của mình.

Ít ai nghĩ ngay giữa mùa dịch Covid-19 mà vẫn có DN xuất được hơn 20 ngàn sản phẩm bột rau, chủ yếu là rau má vào thị trường châu Âu.

Ít ai nghĩ ngay giữa mùa dịch Covid-19 mà vẫn có DN xuất được hơn 20.000 sản phẩm bột rau, chủ yếu là rau má vào thị trường châu Âu.

3.Xử lý đơn hàng tốc độ và chuyên nghiệp

Đơn hàng lần này nhiều gấp đôi đơn hàng trước. Nhưng mình không phải huy động toàn lực để tăng ca full ngày Chủ nhật nữa. Do rút được nhiều kinh nghiệm quý nên việc chuẩn bị hàng sẵn sàng, bố trí các khâu chuyền, kiểm đếm, đóng gói, lên nhãn phụ, phân loại, sắp xếp, tập hợp…

Tất cả mọi người, ai vào vị trí người đó. Làm việc vừa chuyên môn hóa, vừa tốc độ. Điều không tưởng là không có bất kỳ một sản phẩm hư lỗi nào bị loại ra. Nếu như lần trước, số lượng hàng ít hơn, thời gian làm hàng lâu hơn thì lần này, nhờ sự chuẩn bị tốt, chỉ trong vòng 10 tiếng công ty đã hoàn thành đơn hàng châu Âu, trước 2 ngày so với yêu cầu.

4. Đừng tham lam, hãy chia sẻ cơ hội để cùng gặt hái thành công

Mình đã build được một sản phẩm nghệ ở Đắk Lắk đi cùng chuyến hàng này. Đây là điều vui mừng nhất. Đối tác yêu cầu sản xuất thêm tinh bột nghệ, hoặc đóng gói tinh bột nghệ với nhãn hiệu Quảng Thanh của công ty. Tuy thừa sức làm nhưng công ty đã chọn "KHÔNG".

Mình đề nghị giới thiệu đơn vị khác làm nghệ cho đối tác, vì biết họ có đầy đủ tiềm lực. Khi lựa chọn đơn vị thay thế, mình chú trọng vào con người hơn là quy mô, lịch sử của doanh nghiệp đó. Do đó, mình đã chọn EPIS - thương hiệu của một doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp ở Đắk Lắk. Vì mình biết, nếu giới thiệu EPIS thì EPIS sẽ có cơ hội được làm việc với đối tác quốc tế. EPIS sẽ được học hỏi, được tích lũy kinh nghiệm và được nâng cấp chính mình. Cơ hội này không nhiều, đặc biệt là đối với 1 doanh nghiệp khởi nghiệp chế biến nông sản, nếu không tranh thủ thì không biết đến bao giờ sẽ có được.

Với kinh nghiệm có sẵn, mình cố vấn cho EPIS xây dựng sản phẩm, chuẩn bị thông tin, cách thức đàm phán, soạn thảo hồ sơ, đóng hàng lên container. Tất cả mọi việc được hoàn thiện chỉ trong vòng có 16 ngày.

EPIS đã có đơn hàng quốc tế đầu tiên, mở ra hy vọng phát triển xán lạn cho doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ này, cho đầu ra củ nghệ ở Tây Nguyên.

Do biết tận dụng cơ hội EVFTA, sản phẩm bột rau má tìm được chỗ đứng khá tốt ở thị trường EU.

Do biết tận dụng cơ hội EVFTA, sản phẩm bột rau má tìm được chỗ đứng khá tốt ở thị trường châu Âu.

5. EVFTA - cơ hội không thể bỏ qua

Bột rau của Thiên Nhiên Việt xuất cho một đối tác Hà Lan, sau đó được họ phân phối khắp châu Âu. Thời gian gần đây, có rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp hỏi về EVFTA. Đây là một chương trình thúc đẩy sản phẩm của Việt Nam thâm nhập vào EU thông qua chính sách miễn thuế đến mức thấp nhất 0%.

Đợt đi hàng lần này, đối tác cũng được hưởng lợi từ EVFTA và họ đánh giá rất cao khi hiệp định này có hiệu lực. Họ khẳng định cơ hội cho nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào châu Âu khi thuế suất về 0%. Với các bạn khởi nghiệp, mình nghĩ hãy cứ tập trung làm thật tốt những gì mình có, tốt nhất trên tinh thần hết lòng phục vụ thì có ngày thành quả sẽ đến bất ngờ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bột rau má ầm ầm xuất đi châu Âu như chưa hề có dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO