Bình tĩnh với "làn sóng" M&A

LÊ PHONG| 28/12/2018 03:34

Nhiều người lo lắng trước làn sóng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) Việt Nam, nhưng suy cho cùng thì thương hiệu Việt vẫn là thương hiệu Việt, bất kể ai đứng đằng sau, vấn đề là thương hiệu đó có tiếp tục thành công hay không.

Bình tĩnh với

Nền kinh tế Việt Nam đổi mới đã 30 năm nhưng vẫn còn rất non trẻ so với nhiều nền kinh tế trên thế giới, kể cả trong khu vực, như Thái Lan, Malaysia, Singapore. Vì vậy đã tạo nên một số đặc thù mà trong đó có việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải bán thương hiệu hay sáp nhập với doanh nghiệp nước ngoài.

Dù M&A là thị trường mới nổi, nhưng Việt Nam đã tạo được sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, hạ tầng, giáo dục, dược phẩm...

Link bài viết

"Cơ hội thị trường M&A Việt Nam là rất lớn. Ngoài giao dịch giữa các doanh nghiệp tư nhân, việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hứa hẹn nhiều thương vụ lớn", ông Phạm Duy Nghĩa - giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam khẳng định.

Tuy vậy, nhiều người cho rằng làn sóng M&A ở Việt Nam trong thời gian qua có cái gì đó không ổn vì đa số các thương hiệu lớn đều lọt vào tay các công ty có vốn chủ sở hữu nước ngoài một phần hay phần lớn. Đó là điều ngoài mong đợi nhưng lại khá logic và phản ảnh tương đối đúng với thực tế.

Mấy năm gần đây đã xuất hiện thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp thứ hai, vừa trẻ lại vừa được trang bị đầy đủ kiến thức, có khả năng hội nhập quốc tế cao. Có thể hy vọng chỉ một thời gian nữa, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi. Chính họ sẽ là người chạy chặng thứ hai, thứ ba trong các cuộc chạy đua tiếp sức đường trường trên thị trường thế giới.

Các thương hiệu ẩm thực nổi tiếng thế giới như McDoanalds, KFC, Starbucks mà không có M&A tiếp sức thì đâu được như ngày hôm nay. Nhưng bên cạnh những sự thành công này còn biết bao thương vụ khác không thành công thì không mấy ai biết.Doanh nghiệp Việt Nam còn khá non trẻ nên rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước từ chính sách thông thoáng đến vốn vay ưu đãi. Khi thị trường M&A cứ xảy ra một chiều, nghĩa là người mua vẫn cứ là người nước ngoài thì lúc đó không còn việc các doanh nghiệp mua bán lẫn nhau nữa.

Chính phủ Úc đã có đạo luật điều chỉnh số lượng bất động sản, số lượng đất nông nghiệp để không bị các nhà đầu tư nước ngoài mua quá nhiều. Điều ấy cho thấy sự can thiệp đúng lúc của nhà nước đối với thị trường M&A là rất cần thiết.

Đánh giá cao hoạt động M&A trên thị trường, tuy nhiên giới đầu tư và các chuyên gia kinh tế vẫn quan ngại những tranh chấp xảy ra trong giao dịch. Theo Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, tranh chấp thương mại M&A ngày càng gia tăng, nếu như năm 2013 có khoảng 100 vụ thì đến năm 2018 có gần 160 vụ tranh chấp giữa bên bán và bên mua.

Ngoài số vụ tranh chấp ở thị trường trong nước, doanh nghiệp Việt Nam còn dính 12 vụ ở nước ngoài. Hầu hết các vụ tranh chấp M&A đều liên quan đến pháp lý.

"Thị trường M&A tuy mới nhưng phát triển sôi động, trong đó khung pháp lý khá mới mẻ nên hoạt động của thị trường này chưa chặt chẽ. Chưa kể M&A lại bị tác động từ nhiều yếu tố bên ngoài và 2 bên, kể cả những chính sách liên quan", ông Trần Du Lịch - Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nói.

Trong kinh doanh, khó tránh khỏi rủi ro, tranh chấp, tuy nhiên doanh nghiệp cần thận trọng nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về thời gian, tiền bạc. Nhằm hạn chế tranh chấp từ M&A, ông Phạm Duy Nghĩa khuyến cáo, doanh nghiệp nên thận trọng trong các điều khoản của hợp đồng để tránh những rủi ro về tài chính.

Các thương vụ M&A thành công đều do khả năng quản trị quyết định. Làm sao để điều hành thành công một doanh nghiệp mới là thách thức không nhỏ, chưa kể trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sau M&A đã không giữ được sự đóng góp tiếp tục của bên bán.

Bởi vậy ở nhiều nước có nền kinh tế phát triển, vai trò của đơn vị tư vấn, chuyên gia tư vấn về mua bán sáp nhập thời hậu M&A là rất quan trọng. Nói điều này để thấy ở Việt Nam, cơ sở hạ tầng phục vụ cho M&A vẫn còn rất thiếu, chủ yếu tập trung vào việc tìm kiếm và thực hiện các thương vụ M&A hơn là giúp doanh nghiệp phát triển sau đó. Vậy mà chính giai đoạn sau này mới làm nên sự thành bại, hay nói rộng ra, mới tạo được uy tín về M&A.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bình tĩnh với "làn sóng" M&A
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO