Bài 2: Những cuộc soán ngôi

ĐẶNG QUÝ YÊN| 07/12/2011 03:34

Nhờ cú hích từ smartphone, bức tranh thị phần điện thoại di động tại Việt Nam cũng như thế giới đã được chia lại đầy bất ngờ. Thương hiệu một thời vang bóng Nokia lại buộc phải theo đuôi bám đuổi iPhone, Samsung, HTC...

Bài 2: Những cuộc soán ngôi

Nhờ cú hích từ smartphone, bức tranh thị phần điện thoại di động tại Việt Nam cũng như thế giới đã được chia lại đầy bất ngờ. Thương hiệu một thời vang bóng Nokia lại buộc phải theo đuôi bám đuổi iPhone, Samsung, HTC...

>>Bài 1: Dồn ép ở phân khúc “thông minh”

“Kẻ phá bĩnh” mang tên Samsung

Strategy Analytics cho biết, xét về thương hiệu, lượng tiêu thụ smartphone quý III/2011 của Samsung lớn nhất và đứng đầu thế giới, vượt lượng tiêu thụ của Apple và Nokia.

Tính tới ngày 30/9 của quý III/2011, lượng tiêu thụ của Samsung tới trên 20 triệu chiếc, lần đầu tiên vượt Apple và Nokia.

Hãng Gartner, chuyên nghiên cứu đánh giá thị trường thế giới ngày 24/11 cho biết, lượng tiêu thụ điện thoại di động của Nokia từng chiếm tới 40% thị phần thế giới và khi đó được coi là “Võ sĩ siêu hạng” làm mưa làm gió trên các đấu trường.

Nhưng hiện nay, thị phần của Nokia chỉ còn lại 13,2%, và ngang hàng với Alcatel-Lucent sau Erricson và Huawei.

Cũng theo diễn biến của thị trường thế giới, thị phần của smartphone tại Việt Nam thay đổi rõ nét. Thống kê số lượng bán hàng từ hệ thống chuỗi cửa hàng phân phối điện thoại cao cấp Mai Nguyên cho thấy, hiện doanh số tiêu thụ hàng đầu của hệ thống này là Samsung với 41,1%, bỏ xa Nokia với 20,4%.

Doanh số tiêu thụ của Apple khiêm tốn ở mức 9,1%, tiếp đó là HTC với 7,6% và sau đó là Blackberry 7,5%.

Số liệu từ GFK cũng cho thấy, trong tháng 10/2011, Samsung là thương hiệu dẫn đầu trong thị trường điện thoại tại Việt Nam.

Chia sẻ chiến lược của mình, bà Đặng Hoài An, Phụ trách tiếp thị nhóm sản phẩm di động của Samsung Việt Nam cho biết: “Một trong những lợi thế để Samsung có những thành quả khích lệ như ngày hôm nay là chúng tôi tập trung vào chiến lược liên tục giới thiệu nhiều sản phẩm mới ở nhiều phân khúc khác nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng”.

Nhà sản xuất này không hề bỏ sót thị trường, từ smartphone cao cấp đến smartphone tầm trung, smartphone giá rẻ, Samsung đều có mặt với nhiều sản phẩm có thiết kế và tính năng đa dạng.

Một yếu tố cũng đáng để chú ý, Samsung hiện là đơn vị cung cấp linh kiện cho hầu hết các thương hiệu sản xuất điện thoại thông minh khác, từ chip đến màn hình. Do vậy, yếu tố cạnh tranh về giá thành sản xuất, các đơn vị khác không thể cạnh tranh được cũng là đương nhiên.

Chưa kể, Samsung có nhà máy sản xuất siêu lớn tại Việt Nam. “Lợi thế này khiến chúng tôi chủ động hoàn toàn ở thị trường Việt Nam. Sẽ không có chuyện “cháy hàng”, người dùng phải chờ đợi sản phẩm của Samsung như ở các quốc gia khác”, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Samsung Vina, chia sẻ.

Của khôn, người càng thêm khó

“Thực tế, cuộc soán ngôi này đã được dự đoán trước. Samsung thắng thế từ năm 2010 đến nay, nhờ lựa chọn đúng Android làm hệ điều hành chính cho những mẫu điện thoại thông minh của mình”, ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Di động Mai Nguyên, nhận định.

Theo ông Nguyên, Android là xu thế công nghệ không thể phủ định bởi ứng dụng và khả năng của nó quá lớn. Do đó, trong cuộc chiến giành thị phần, nhà sản xuất nào tận dụng được xu thế thì sẽ có lợi thế hơn hẳn.

Ông Nguyên khẳng định: “Những mẫu điện thoại thông minh tạo được cơn sốt trên thị trường, từ HTC, Samsung, LG, Sony Ericsson... đều dùng Android”.

Khắc phục sai lầm, Nokia đã liên kết với Microsoft để có được hệ điều hành Mango, nhằm cải tiến thế hệ điện thoại thông minh của mình, nhưng đáng tiếc, mục tiêu của họ không đạt được bởi người dùng vẫn chọn Android.

“Với tiềm lực của mình, không phải Nokia không đủ khả năng sản xuất mà chỉ vì định vị sai hệ điều hành”, ông Nguyên phân tích. Kết quả, tại thị trường Việt Nam, Nokia bây giờ giữ được thị phần nhờ những chiếc điện thoại phổ thông, giá rẻ, 2 sim, 2 sóng... phục vụ thị trường các tỉnh lân cận.

Những “siêu phẩm” của Nokia như N9 dù được quảng bá tổng lực nhưng vẫn không tạo được bất ngờ cho thị trường. Như vậy, dù vẫn giữ được doanh số nhưng lợi nhuận mà Nokia đạt được cũng sẽ không nhiều.

Bên cạnh sự xuất hiện mới mẻ của RIM, những nhà sản xuất quen thuộc như Samsung, HTC, Nokia, LG... cũng như những công ty trong nước với dòng sản phẩm “made in Vietnam” gồm FPT, Q-Mobile, Bluefone (CMC), Hi-mobile (HiPT), Mobistar, Mobel... cũng liên tục cho ra mắt nhiều dòng smartphone mới.

Không hướng đến đối tượng khách hàng thu nhập thấp và không chủ trương cạnh tranh về giá, Apple, HTC, Blackberry... chinh phục người dùng cao cấp.

Ở phân khúc này, cách mà những thương hiệu này giữ chân người dùng và giữ vững thị phần chính là liên tục cho ra sản phẩm mới và cố gắng gia tăng giá trị cộng thêm cho sản phẩm.

Tháng 8/2011, Tập đoàn HTC công bố sự hợp tác và đầu tư chiến lược với tập đoàn điện tử Beats Electronics LLC nhằm tạo nên những trải nghiệm âm nhạc và âm thanh đỉnh cao cho sản phẩm. HTC và Beats hiện đã hợp tác nghiên cứu công nghệ âm thanh chất lượng cao cho điện thoại di động.

Sáng chế này được tích hợp trong các dòng điện thoại mới nhất của HTC như HTC Sensation XE Sensation XL. Chưa hết, HTC Sensation XE ra mắt chưa lâu thì HTC Rhyme cũng về đến Việt Nam với hàng loạt phụ kiện độc đáo đi kèm với sản phẩm, tạo sức hấp dẫn với người dùng.

Ông Nguyễn Hồng Châu, đại diện HTC Việt Nam cho biết, hiện cuộc chạy đua về công nghệ đã tạm thời bão hòa. Do đó, việc gia tăng giá trị cho sản phẩm chính là cách để cạnh tranh tốt nhất hiện nay.

Để cạnh tranh và giữ vững vị trí, bản thân Samsung cũng khẳng định, smartphone vẫn là mục tiêu chiến lược của Samsung trong thời gian tới. Do đó, hãng này đã đang tiếp tục nghiên cứu và phát triển ra những sản phẩm mới, hứa hẹn sẽ có nhiều bất ngờ cho người tiêu dùng.

“Trong tháng 1/2012, sau Galaxy Note, chắc chắn là sẽ có một sản phẩm của Samsung tiếp tục tạo lên một cơn sốt trong giới công nghệ”, bà Hoài An thông báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài 2: Những cuộc soán ngôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO