Bài 2: Không chờ “hữu xạ”

NGỌC VÂN| 29/04/2010 06:12

Hàng chục chủ vựa trái cây tham gia hội chợ trái cây tại Mỹ Tho. Gần 60 gian hàng tại Trung tâm Thương mại Trái cây Quốc gia Tiền Giang dành cho nhà vườn giới thiệu chính sản phẩm của họ.

Bài 2: Không chờ “hữu xạ”

Hàng chục chủ vựa trái cây tham gia hội chợ trái cây tại Mỹ Tho. Gần 60 gian hàng tại Trung tâm Thương mại Trái cây Quốc gia Tiền Giang dành cho nhà vườn giới thiệu chính sản phẩm của họ. Có thể nói, tỉnh Tiền Giang đã tập hợp một lực lượng đóng vai trò quan trọng nhất trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ trái cây.

Vựa, vườn làm thương hiệu

Mặc dù đến giờ chưa có một hội nghị nào về xây dựng mối liên kết trong tiêu thụ nông sản đề cập vai trò của các thương lái, chủ vựa, nhưng sự có mặt đông đảo của họ tại Festival Trái cây Việt Nam lần này khẳng định: không thể thiếu những người trung gian này trong tiêu thụ trái cây.

Ảnh: Quý Hòa

Trong mỗi gian hàng, các chủ vựa đều có bảng giới thiệu về mình. So với doanh nghiệp, các chủ vựa không khéo trưng bày vì đã quen lối đóng giỏ, đổ đống của vựa, nhưng chính cách bày hàng như thế lại trông rôm rả, cộng thêm cách họ mời chào vui vẻ nên cuốn hút người mua. Mỗi vựa giới thiệu những loại trái cây có thế mạnh tiêu thụ.

Vựa trái cây Huỳnh Minh Tuấn cung cấp các loại trái cây chất lượng cao cho hệ thống siêu thị, bán sầu riêng và bưởi da xanh. Vựa Hương Miền Tây dán tem nhãn cho bưởi da xanh và còn bao lưới từng trái để làm tăng giá trị trái bưởi lên. Vựa trái cây Phước Anh ở chợ Thạnh Trị chuyên cam quýt nhưng hào hứng bán thêm mận, sầu riêng... Bà chủ vựa Nhựt Hiền, chuyên mãng cầu dai, tỏ ra vui mừng khi tham gia hội chợ nên đặt lên bàn một lẵng hoa khiến gian hàng trông sáng sủa.

Chủ vựa Dũng Ngoan ở chợ đầu mối Vĩnh Kim tiếc đã hết mùa vú sữa nên không có vú sữa ngon bán. Chủ vựa trái cây Tuyến Hoa tâm sự: “Vựa Mỹ Hà và Tuyến Hoa là của hai chị em chuyên cam sành, cam xoàn, quýt, bỏ hàng ở chợ đầu mối Thủ Đức, ngoài ra còn bỏ hàng trực tiếp cho bạn hàng các chợ bán lẻ như Bến Thành, An Đông, Hoàng Hoa Thám... ở TP.HCM. Tham gia hội chợ này là cách để giới thiệu khả năng cung cấp và cũng biết thêm nhu cầu thị trường, biết đâu sẽ có thêm bạn hàng”.

Tại Trung tâm Thương mại Trái cây Quốc gia Tiền Giang, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn đã tài trợ 500 triệu đồng cho tỉnh làm một hội chợ nhỏ cho chính nhà vườn bán hàng. Trên mỗi gian hàng, nhà vườn đều ghi tên mình và cũng cố gắng tuyển trái ngon và trưng bày đẹp. Nhờ nơi đây đã có trạm dừng nghỉ của Công ty Phương Trang nên mỗi ngày cũng có đến 2.000 - 3.000 lượt người đi các tuyến xe khách ghé thăm, nhà vườn được dịp quảng bá những loại trái cây ngon và trái cây giống mới.

Trái cây gắn thương hiệu Việt Nam lại còn treo bảng giới thiệu trái cây ngoại

Theo nhà vườn, không cần bán nhiều hàng, chỉ cần nói cho người tiêu dùng cách phân biệt các loại trái cây và tìm hiểu xem người tiêu dùng đã từng quen, từng thích ăn loại trái cây nào để biết nên trồng ra sao. Còn việc được hướng dẫn đưa tên mình lên gian hàng cứ coi như bước đầu “làm thương hiệu”, là cách tự dặn dò mình trồng cây cho trái tốt để thương lái phải mua với giá tốt nhất.

Chị Phạm Thị Cẩm Hồng (nhà vườn ở ấp Hòa Quý, xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cho biết, nhà chị có 9 công ruộng, trồng nhiều loại trái cây, mỗi loại ít nhất 1 công. Bình thường, chị trồng rồi bán cho các vựa ở An Hữu, Cái Bè, tự hái để hái đúng trái già, trái chín và không làm hư cây. Nhà vườn mà biết chăm sóc cây trái thì thu huê lợi quanh năm, bán được giá. Nhà vườn giờ rất nhạy bén, nếu vựa mua tại vườn giá không được cao, thì nhà vườn tự hái mang đi chợ nào có giá cao, bán riết thành có mối hàng nên bây giờ cần bán thì gọi điện thoại hỏi ở đâu mua cao.

Trồng cho trái đẹp thì không bao giờ sợ không có người mua giá cao. Chị mừng vì đến bây giờ đã có sự chú ý đến quảng bá cho trái cây, dự để giao lưu mọi nơi, giới thiệu với mọi người rằng Tiền Giang là xứ có nhiều trái cây ngon và cũng mong chương trình tổ chức một năm một lần để cho trái cây ngon của mình có cơ hội đi khắp mọi nơi. Có như vậy nhà vườn mới phát triển cây trồng tốt, có trái cây ngon để bán ra thị trường, cho mọi người tin tưởng chỉ ăn trái cây trồng ở Việt Nam.

Những người bán cây giống cũng tham gia tiếp thị các loại cây ăn trái mới có, xem như một cách hỗ trợ cho nhà vườn, nếu nhà vườn thắng lợi thì họ cũng có cơ hội mở rộng kinh doanh cây giống trong tương lai.

Nên được định hướng

Nhà vườn chủ động tự giới thiệu cho thấy họ đã nhận ra tầm quan trọng của việc tạo uy tín cá nhân, chứ không dám nói lớn lao là tạo thương hiệu. Tuy nhiên, cho đến giờ này, họ vẫn trong tình trạng tự phát, thấy loại trái nào ngon, đang được chuộng thì làm cây giống hoặc mua cây về trồng, có khi chưa hiểu hết đặc tính giống cây trồng đó.

Có thể thấy điều này tại chợ cây giống ở Festival Trái cây Việt Nam, hơn 50% cơ sở sản xuất cây giống giới thiệu một loại cây mít mới, người thì nói đó là mít Thái, người gọi mít tứ quý, người bảo ruột đỏ, kẻ bảo ruột vàng, cùng khẳng định là giống mít siêu cho trái sớm, nhưng người thì nói 12 tháng có trái, người cam đoan chỉ tám tháng.

Gian hàng của chị Cẩm Hồng tại Trung tâm Thương mại Trái cây Quốc gia Tiền Giang trong thời gian diễn ra Festival Trái cây Việt Nam

Có nhà vườn không nói rõ đã làm thủ tục xin đăng ký nhãn hiệu hay chưa nhưng đã dán tem nhãn lên trái và gọi đó là thương hiệu riêng, song họ không tự tin lắm nên còn gắn tên khác bên cạnh trái có tem của mình. Đơn cử trên một kệ xoài có dán tem “3 Cẩn” đồng thời có thêm bảng hiệu xoài Đài Loan; hay cùng là loại mận trái thon cao, đặc ruột, da nâu, những nơi khác gọi là mận An Phước nhưng ông Năm Cần ở Cái Bè gọi là mận chuông đỏ, ghi tem nhãn “Mận chuông đỏ Năm Cần” nhưng bên cạnh lại có thêm bảng “mận An Phước”.

Các chủ vựa cho rằng, làm như vậy không những không có tác dụng quảng bá thương hiệu, mà còn làm xáo trộn thị trường, đưa đến việc trên thị trường rồi sẽ chỉ có ổi Thái, mận Ấn Độ, xoài Đài Loan, mít Mã Lai..., mà không có gì là của Việt Nam. Đã muốn làm thương hiệu thì nên nhờ chính quyền hướng dẫn, bằng không chỉ cần trồng trái ngon, đẹp là đã tiêu thụ được giá cao.

Thiết nghĩ, thực trạng trên cũng đáng để các địa phương lưu tâm giúp đỡ nhà vườn nào muốn xây dựng thương hiệu riêng thì phải bắt đầu tư việc chọn giống đúng, canh tác theo quy chuẩn an toàn, không gây tình trạng một giống nhiều tên khiến người tiêu dùng nhầm lẫn. Mặt khác, các địa phương nên có khảo sát tính toán diện tích cây trồng trong tương lai, nếu không việc phát triển giống cây tự phát có ngày lại dẫn đến tình trạng tiêu thụ không hết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài 2: Không chờ “hữu xạ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO