Bài 2: Gạch không nung lấn sân

ĐÌNH BẮC| 11/01/2012 08:46

Trong khi đa số nhà sản xuất VLN còn loay hoay với bài toán đầu tư công nghệ, thì với tính năng vượt trội, phù hợp với nền công nghiệp xây dựng hiện đại, thân thiện với môi trường... VLKN đang từng bước lấn sân và thay thế trên thị trường VLXD.

Bài 2: Gạch không nung lấn sân

Trong khi đa số nhà sản xuất VLN còn loay hoay với bài toán đầu tư công nghệ, thì với tính năng vượt trội, phù hợp với nền công nghiệp xây dựng hiện đại, thân thiện với môi trường... VLKN đang từng bước lấn sân và thay thế trên thị trường VLXD.

>>Bài 1: Hoffman hay Tuynel?

Từng bước lấn sân

TS.Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam đã khẳng định “Phát triển sản xuất và sử dụng gạch không nung là xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp xây dựng hiện đại”. Chính phủ đã phê duyệt chương trình phát triển VLXD không nung thay thế gạch đất sét nung, đến năm 2020 VLKN chiếm 40% sản lượng VLXD.

Hiện nay, trên cả nước có 9 nhà máy sản xuất bê tông khí chưng áp (AAC), bê tông bọt, gạch block xi- măng cốt liệu đi vào sản xuất như Công ty Tân Kỷ Nguyên - Ebock, Viglacera, Sông Đà Cao Cường...với công suất 1,5 triệu m3/năm; 17 cơ sở bê tông bọt có công suất 0,4 triệu m3 và hơn 30 nhà máy gạch block cốt liệu xi măng công suất 20-35 triệu viên và hàng trăm cơ sở khác, đưa tổng công suất VLKN lên đến 4,3 tỷ viên chiếm khoảng 17-18% VLXD.

Bên cạnh đó còn 13 dự án nhà máy bê tông khí chưng áp AAC sẽ đưa vào sản xuất trong năm 2012 - 2013, đủ để cung cấp ra thị trường.

Theo nhận định của một số chuyên gia trong ngành xây dựng, VLKN xi-măng cốt liệu đã được sản xuất và sử dụng rải rác trong vài năm nay, chủ yếu là các công trình do nhà đầu tư nước ngoài làm chủ như khách sạn Horison, khách sạn Opera, Grand Plaza, Hilton, Grown Plaza, tổ hợp Keangnam và một số công trình khác tại TP.HCM.

Lý do là các nước phát triển đã quen sử dụng loại VLKN cho các công trình kiên cố, cao tầng bởi tính năng và độ bền vững của loại vật liệu này.

Ông Phan Hoài Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Kỷ Nguyên E-Block, cho biết với tính năng của vật liệu bê tông khí chưng áp AAC là vật liệu siêu nhẹ, được sản xuất từ các vật liệu vô cơ phổ biến trong thiên nhiên như cát, vôi, xi-măng, nước cùng với chất tạo khí dưới áp suất và nhiệt độ cao.

Tạo ra VLXD với nhiều đặc tính như trọng lượng nhẹ, khả năng cách nhiệt, chống cháy và cường độ chịu nén cao, dễ xây dựng, giúp giảm thời gian thi công, tiết kiệm vật liệu và chi phí đầu tư.

Trên thế giới, ở các nước phát triển, VLXD chủ yếu sử dụng là VLKN cho các công trình khác nhau, gạch đất sét nung chỉ chiếm 10 - 15 % sản lượng VLXD. Tại các nước châu Á, thị phần của sản phẩm AAC chiếm khoảng 40 - 45%, còn lại là các VLKN khác.

“Hiện tại, thị trường bất động sản đang trong thời kỳ khó khăn, ảnh hưởng không ít đến thị phần của VLKN khi mới bắt đầu tham gia thị trường. Tuy nhiên, với tính năng vượt trội của dòng sản phẩm này, phân khúc nhà dân cư riêng lẻ đang tiếp nhận sản phẩm VLKN khá tốt. Đây mới là thị trường tiềm năng bởi vì phân khúc này chiếm 80% thị trường VLXD”, ông Thanh chia sẻ.

Công ty Meinhardt Việt Nam cho biết, việc sử dụng gạch bê tông nhẹ thay cho gạch đất sét nung cho công trình nhà cao tầng tiết kiệm khoảng 4,6% tổng chi phí đầu tư thô cho toàn bộ tòa nhà.

Việc sử dụng gạch bê tông nhẹ cho những dự án đã thiết kế móng và kết cấu theo tiêu chuẩn gạch thông thường cũng sẽ mang hiệu quả về tiết kiệm chi phí và lợi ích cho người sử dụng cuối cùng.

Theo Viện VLXD, hiệu quả của việc sử dụng gạch bê tông nhẹ thay cho gạch đất nung đã được Viện tính toán cho công trình 9 tầng cho kết quả về lợi ích kinh tế khá lớn: giảm 20% phản lực đầu cọc giúp giảm chiều dài cọc móng, giảm 25% khối lượng thép cột, giảm 10% khối lượng thép dầm. Loại sản phẩm này có hiệu quả cao đối với công trình trên nền đất yếu.

Cần một điểm kích hoạt

Chính phủ đề ra mục tiêu nâng cao hơn nữa tỷ trọng gạch nhẹ với nhiều biện pháp mạnh hơn, theo đó từ năm 2011, các công trình nhà từ 9 tầng trở lên sẽ sử dụng tối thiểu 30% VLKN, chủ yếu là: gạch xi-măng cốt liệu, gạch nhẹ, sản phẩm AAC.

Tuy nhiên, dù Quyết định đã có hiệu lực trong thời gian khá dài nhưng chưa đi vào thực tế. Các công trình áp dụng theo tiêu chuẩn này chủ yếu thuộc các dự án vốn đầu tư nước ngoài, còn các công trình vốn ngân sách nhà nước chưa sử dụng nhiều.

Đến nay đã có 8 nhà máy bê tông khí chưng áp AAC đi vào sản xuất và 1 nhà máy chuẩn bị đi vào sản xuất với tổng công suất thiết kế 1,5 triệu m3/năm, 17 cơ sở sản xuất bê tông bọt với tổng công suất thiết kế gần 0,2 triệu m3. Tổng công suất bê tông nhẹ hiện có là 1,7 triệu m3/năm. Bên cạnh đó có 13 nhà máy bê tông khí chưng áp với tổng công suất 2,3 triệu m3 đang được đầu tư xây dựng, sẽ đi vào sản xuất trong năm 2012. Do đó, theo tính toán của Hội VLXD, đến hết năm 2012, sẽ có tổng công suất 3,8 triệu m3 bê tông khí, chưa kể 13 DN đang lập dự án hoặc có kế hoạch đầu tư sản xuất bê tông khí với tổng công suất 2,25 triệu m3.

Điều này theo đánh giá của một số chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, lý do mà Quyết định của Chính phủ chưa đi vào thực tế là thiếu thông tư hướng dẫn của Bộ chuyên ngành về chỉ tiêu thiết kế, thi công, định mức kinh tế, kỹ thuật...

Cùng với nguyên nhân trên, VLKN mới ra đời còn nhiều mới lạ, người tiêu dùng chưa nắm được tính năng ưu việt của dòng sản phẩm này, nên sử dụng còn hạn chế.

Hiện nay, vật liệu này chủ yếu dùng trong các công trình nhà cao tầng tại Hà Nội, TP.HCM, một vài khu đô thị mới.

Mặt khác, thị trường bất động sản đang trong thời kỳ ảm đạm, khó khăn, là những trở ngại để VLKN tham gia ngày càng sâu rộng trong thị trường VLXD. Trong bối cảnh này, thị phần của VLKN chỉ chiếm 5 -7% thị trường VLXD.

Cùng với sự phát triển về số lượng các cơ sở sản xuất VLKN, chủng loại sản phẩm cũng cần đa dạng nhằm đáp ứng những nhu cầu khác nhau của ngành công nghiệp xây dựng, đa dạng về chất liệu, kích thước, có những sản phẩm AAC có kích thước từ 4 - 6 m, làm tường bao che, từng ngăn dùng cho công nghệ lắp ghép phù hợp với công trình hiện đại, rút ngắn tiến độ xây dựng công trình.

Hiện nay, sau gần 2 năm đi vào sản xuất và sử dụng, đã có đầy đủ cơ sở cho các nhà đầu tư, tư vấn, thiết kế, nhà thầu xây dựng đưa sản phẩm vật liệu bê tông khí chưng áp AAC nói riêng, VLKN nói chung vào sử dụng đại trà trong các công trình kiên cố.

“Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay thị phần của dòng sản phẩm này chưa cao, chỉ vào khoảng 5 -7% thị trường VLXD, tình hình này khó có thể đạt chỉ tiêu của Chính phủ đề ra nếu thiếu động lực”, ông Phan Hoài Thanh chia sẻ.

Nhiều giải pháp đưa ra để phát triển VLKN như nâng cao nhận thức của người sử dụng về tính ưu việt của vật liệu, chính sách khuyến khích đầu tư...

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc Quyết định của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt kế hoạch phát triển VLXD Việt Nam, cần có lộ trình từng bước phát triển gạch không nung, tiến tới xóa bỏ việc sản xuất gạch đất sét nung, hạn chế xây dựng mới các nhà máy gạch tuynel.

Các địa phương có nhà máy nhiệt điện đốt than nên đầu tư các nhà máy sản xuất VLKN tận dụng tro bay, xỉ thay thế gạch đất sét nung, suất đầu tư thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài 2: Gạch không nung lấn sân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO