Bài 1: Chiến thuật Bắc tiến

MẠNH DƯƠNG| 20/05/2010 09:56

Các khu công nghiệp trên cả nước đang ráo riết tìm cách thu hút nhà đầu tư trước tình hình khó khăn chung. Sự cạnh tranh này đang làm thay đổi chiến lược đầu tư về hạ tầng KCN cũng như những giải pháp mà chủ đầu tư đưa ra.

Bài 1: Chiến thuật Bắc tiến

Các khu công nghiệp (KCN) trên cả nước đang ráo riết tìm cách thu hút nhà đầu tư trước tình hình khó khăn chung. Sự cạnh tranh này đang làm thay đổi chiến lược đầu tư về hạ tầng KCN cũng như những giải pháp mà chủ đầu tư đưa ra.

Giá thuê đất KCN ở Bắc Ninh từ 60 - 70 USD/m2, trong khi ở Bình Dương, Đồng Nai là 45 - 50 USD/m2. Sự chênh lệch này cho thấy phần nào sự đổi chiều về sức hút của KCN ở các vùng, miền.

Sức hút phía Bắc

Tháng 4/2009, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu trong chuyến công du đến tỉnh Bình Dương đã đến thăm mô hình đầu tư “ruột” là KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) được đầu tư từ năm 1996. Điều làm ông Diệu hài lòng không phải là thành quả mà VSIP đạt được ở Bình Dương, mà chính là dự án KCN - đô thị ở Bắc Ninh rộng 700ha, tổng đầu tư 2 tỷ USD và dự án 1.600ha ở Hải Phòng đầu tư 1 tỷ USD đang được tiến hành.

Mô hình VSIP Bắc Ninh

Theo đánh giá của ông Lý Quang Diệu, sau hơn 10 năm, đầu tư thành công của VSIP tại Bình Dương có tính chất “đặt nền móng” tại Việt Nam. Còn tiến ra phía Bắc là một chiến lược sâu xa, với một Bắc Ninh là cửa ngõ của Hà Nội và Hải Phòng, một nút giao thông quan trọng với hệ thống cảng biển quốc tế.

Chính vì tầm quan trọng này, dù khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng nhiều, nhưng phía Singapore vẫn quyết định triển khai đúng tiến độ đầu tư. Ông Huỳnh Quang Hải, Tổng giám đốc VSIP cho biết, hiện VSIP Bắc Ninh đã giải tỏa xong 500ha đất công nghiệp, san lấp 70% và đang làm hạ tầng được 60%, tương đương với 250ha. VSIP Hải Phòng chính thức khởi công vào tháng 1/2010, cũng làm hạ tầng được 100ha.

Việc VSIP làm KCN gần ngay KCN Quế Võ được giới phân tích cho rằng sẽ có sự cạnh tranh lớn giữa VSIP và Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đô thị Kinh Bắc, nhà đầu tư hạ tầng đứng đầu về quy mô và hiệu quả ở phía Bắc khi thu hút được hàng loạt khách hàng tên tuổi như Canon, Fuji, Toshiba, Foxconn... vào các KCN của mình tại Bắc Ninh, Bắc Giang.

Trong một lần trao đổi, bà Đặng Thị Hoàng Phượng, Tổng giám đốc Tập đoàn Saigon Invest (Tập đoàn mẹ của Kinh Bắc), cho rằng, “sẽ không có cạnh tranh nhiều” khi VSIP về Bắc Ninh. Nhưng với thời gian “cắm rễ” ở đất Bắc từ năm 2002 sau đầu tư thành công KCN Tân Tạo tại TP.HCM, phía Saigon Invest thừa hiểu phải nhanh chân hơn nữa vì không ít nhà đầu tư phía Nam đang toan tính “Bắc tiến”. Và chỉ trong tháng 4/2010, tập đoàn này đã bất ngờ tung ra hai dự án KCN rất lớn.

Đầu tiên là Công ty Kinh Bắc được UBND tỉnh Bắc Ninh ký quyết định chấp thuận cho làm chủ đầu tư dự án KCN Nam Sơn - Hạp Lĩnh rộng 430ha, vốn đầu tư 80 triệu USD. Dự án này được tỉnh thu hồi từ việc triển khai chậm của Công ty cổ phần Tập đoàn IGS Việt Nam (công ty liên doanh với đối tác Hàn Quốc IGS) - được cấp phép đầu tư cách đây hai năm.

Được biết, để giành được dự án này, phía Kinh Bắc đã phải vượt qua 13 doanh nghiếp (DN) đối thủ khác. Tiếp đến, ngày 27/4/2010, tại thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, Kinh Bắc tiến hành khởi công xây dựng KCN Phương Nam với tổng vốn đầu tư 1.108 tỷ đồng, có tổng diện tích 569ha. Đây là dự án đầu tiên của Kinh Bắc tại tỉnh Quảng Ninh. Chính vì vậy, chỉ trong vòng hai tháng sau khi hoàn tất mọi thủ tục, dự án lập tức được khởi công.

Xu thế tất yếu

Ông Huỳnh Quang Hải, cho biết, VSIP đầu tư ra Bắc dựa trên những lợi thế chiến lược được cân nhắc. Số lượng KCN có sẵn hạ tầng ở phía Bắc hiện vẫn còn ít, trong đó những KCN có quy mô trên 500ha lại càng ít. Sở dĩ phía Bắc được nhà đầu tư, trong đó có nhiều nhà đầu tư nước ngoài, chọn vì vị trí kết nối thuận tiện với Trung Quốc trong việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ.

Cộng thêm thuận lợi là nhiều tập đoàn lớn đã đặt cơ sở tại Trung Quốc nay áp dụng chính sách “Trung Quốc + 1” đã hướng đến Việt Nam, thì phía Bắc sẽ là nơi ưu tiên đặt nhà máy. Ngoài ra, một số công ty nước ngoài và trong nước đã sản xuất ở phía Nam nay cũng hướng ra Bắc do thị phần nơi đây đang lớn lên, nếu không đặt cơ sở sản xuất tại đây thì chi phí vận chuyển sẽ rất cao.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ như Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh đang có nhiều chuyển biến về đầu tư hạ tầng KCN.

Chỉ trong hai năm 2008 và 2009, các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng đã thành lập thêm 9 KCN với diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt khoảng trên 1.500ha. Số lượng và diện tích KCN gia tăng hằng năm tương đối ổn định ở mức 4 - 5 KCN và 1.200 - 1.500ha/năm.

Tính đến cuối năm 2009, vùng đồng bằng sông Hồng có 61 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên trên 13.800ha, trong đó có 9.400ha đất công nghiệp có thể cho thuê. So với cả nước, vùng đồng bằng sông Hồng chiếm 26% về số lượng KCN và 23% về diện tích đất tự nhiên các KCN.

Giống như VSIP, Tổng công ty Kinh Bắc cũng chọn chiến lược đón đầu và vị trí đắc địa. KCN Nam Sơn - Hạp Lĩnh nằm ngay bên cạnh KCN Quế Võ, rất thuận tiện cho việc đi đến Hà Nội, sân bay Nội Bài, cảng Hải Phòng, cảng Cái Lân (tỉnh Quảng Ninh), cửa khẩu Hữu Nghị. Đây còn là vị trí rất thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các công ty vệ tinh của các tập đoàn lớn trên thế giới đã và đang đầu tư tại Quế Võ.

Hơn nữa, KCN này còn hưởng lợi thế khi tiếp nhận lại dự án đã có tới 100ha đất đã được đền bù và sẵn sàng cho thuê, được đánh giá là sẽ đem lại doanh thu và lợi nhuận ngay trong năm 2010, đồng thời tiết kiệm được ba năm nếu khởi động dự án ngay. Ngoài 430ha đất công nghiệp, KCN Nam Sơn - Hạp Lĩnh còn có thêm 200ha đất đô thị rất hấp dẫn đang chờ tỉnh Bắc Ninh phê duyệt. Trong khi đó, KCN Phương Nam là dự án đầu tiên ở Quảng Ninh, nhưng phía nhà đầu tư tự tin dự kiến sẽ thu hút 1 - 2 tỷ USD đầu tư nước ngoài.

Tính toán của Kinh Bắc phần nào được tin tưởng do đã thấy hiệu quả trước mắt của VSIP tại Bắc Ninh và Hải Phòng. Ông Hải cho biết, hiện VSIP Bắc Ninh đã cho thuê được 50% diện tích KCN, với 26 công ty sản xuất, trong đó DN nước ngoài chiếm tới 70%. Dự án quan trọng nhất là tổng kho rộng 55ha của Tập đoàn Temasek (Singapore), vốn đã rất thành công tại tỉnh Bình Dương, đã khởi công vào tháng 6/2009, hiện được nhiều DN phân phối miền Bắc đăng ký thuê.

Trước đó, Công ty Foster chuyên sản xuất linh kiện điện tử của Nhật Bản cũng đã khởi công nhà máy thứ tư là Foster Electric Bắc Ninh trên diện tích 3,4ha, thu hút 6.000 lao động. Riêng tháng 10 tới sẽ có 10 công ty cũng bắt đầu khởi công xây dựng nhà máy.

Ông Hải cho hay, trong khi giá cho thuê đất KCN ở Bình Dương trung bình 45 - 49USD, thì giá cho thuê của VSIP Bắc Ninh là 60 - 65USD, thuê trong 50 năm và khách hàng không phải trả phí thuê đất hằng năm.

Ngoài ra, nhà đầu tư phía Nam này còn biết tạo ra những giá trị gia tăng riêng, như hỗ trợ DN thi công xây dựng nhà máy, xây nhà xưởng sẵn cho thuê...; hoặc VSIP Hải Phòng ra đời chính là để đón đầu nhu cầu của các nhà đầu tư muốn đặt nhà máy gần cảng biển. Hiện nay, VSIP Hải Phòng đã có 10 công ty đăng ký thuê đất nơi đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài 1: Chiến thuật Bắc tiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO