Bài 1: Chậm đầu vào, khó đầu ra

LỮ Ý NHI| 21/04/2010 00:07

Các bệnh viện tư đua nhau ra đời với nhiều quy mô khác nhau để đón đầu lợi nhuận tiềm năng của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Thế nhưng, cuộc đua dài hơi này không dành cho những NĐT ít vốn và nôn nóng.

Bài 1: Chậm đầu vào, khó đầu ra

Nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân ngày một cao, mức sống thành thị tăng nhanh cộng với sự quá tải của các tuyến y tế công đã mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư (NĐT) tham gia vào lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, trước làn sóng đầu tư ngày một tăng, vấn đề chi phí, doanh thu, lợi nhuận và thời gian thu hồi vốn của các dự án thuộc lĩnh vực này cũng cần được cân nhắc.

Các bệnh viện (BV) tư đua nhau ra đời với nhiều quy mô khác nhau để đón đầu lợi nhuận tiềm năng của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Thế nhưng, cuộc đua dài hơi này không dành cho những NĐT ít vốn và nôn nóng.

Hấp dẫn đầu bảng

Theo tính toán của Sở Y tế TP.HCM, tỷ lệ giường bệnh hiện nay là 4 giường/10.000 dân, trong khi yêu cầu phải là 35 giường/10.000 dân. Có nghĩa chúng ta đang cần gấp 9 lần số giường bệnh hiện có. Thực tế này cộng với chủ trương xã hội hóa y tế, chính sách thuế ưu đãi của Nhà nước đã tạo cơ hội cho các dự án xây dựng BV tư tại TP.HCM và các tỉnh, thành gia tăng nhanh về số lượng.

Đơn cử, BV Đa khoa Triều An từ quy mô 200 giường lúc ban đầu đến nay đã tăng lên 350 giường và năng lực khám chữa bệnh hiện lên tới hàng ngàn bệnh nhân/năm.

Ảnh Quý Hòa

Tiếp đến là BV Đa khoa Hoàn Mỹ với số vốn ban đầu chỉ 1,3 tỷ đồng, sau 13 năm hoạt động đã có số vốn trên 500 tỷ đồng với 10 BV, cơ sở khám chữa bệnh trải dài từ Huế đến Cà Mau. Tương tự, Trung tâm Chẩn đoán Y khoa Medic cũng quá tải sau hơn 10 năm hoạt động và hiện đã đầu tư 6 triệu USD để xây dựng BV Medic Bình Tân trên khu đất 5ha tại khu Y tế kỹ thuật cao quận Bình Tân.

Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế được áp dụng mức thuế thu nhập 10% trong suốt thời gian hoạt động thay vì mức 28% hiện nay. Doanh nghiệp mới thành lập còn được miễn thuế tối đa 4 năm và giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ về đất đai và đầu tư xây dựng BV cũng được Chính phủ quy định khá cụ thể. Một số loại dự án đầu tư, mở rộng, xây mới BV cũng được ưu đãi hơn về mức vốn vay, tối đa tới 70% tổng vốn của dự án.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có 84 BV tư đang hoạt động (trong đó có 6 BV có vốn đầu tư nước ngoài), trên 30.000 phòng khám tư và các dịch vụ y tế tư nhân, 22 BV mới đang xây dựng. Riêng tại TP.HCM có 28 BV tư nhân vừa chuyên khoa vừa đa khoa.

Chính vì vậy, đầu tư vào lĩnh vực y tế hứa hẹn nhiều tiềm năng. Nhiều khoản đầu tư của các quỹ đầu tư tại Việt Nam cũng có những ưu tiên nhất định dành cho các doanh nghiệp y tế. Cuối năm ngoái, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ cùng các đối tác là Tập đoàn Quản lý quỹ VinaCapital và Quỹ Việt Nam Fund (thuộc Tập đoàn Ngân hàng Deutsche Bank) đã công bố việc ký kết hợp tác đầu tư.

Theo thỏa thuận, VinaCapital và Quỹ Việt Nam Fund sẽ đầu tư hơn 20 triệu USD vào Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, chiếm khoảng 40% số vốn của Hoàn Mỹ.

Tiếp theo, hàng loạt BV tư đa khoa và chuyên khoa cũng đi vào hoạt động, như Vạn Hạnh, FV, An Sinh, Hồng Đức, An Sương, Phụ sản Quốc tế Sài Gòn, Mắt Cao Thắng, Mắt Việt - Hàn, Sài Gòn ITO, Ngọc Tâm... Đó là chưa kể gần chục dự án xây dựng BV đang bị ách tắc do chủ trương dừng xây dựng BV tại nội thành của UBND TP.HCM ban hành năm 2008.

Kết quả khảo sát cuối năm 2009 mang tên “Private Equity , (Đầu tư vào doanh nghiệp chưa niêm yết) do Grant Thornton Vietnam công bố cho thấy: Y tế dẫn đầu trong các hoạt động đầu tư hấp dẫn nhất, trên cả dược phẩm, bán lẻ, dịch vụ tài chính, địa ốc, nông nghiệp và khách sạn du lịch.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy, do những đặc thù trong đầu tư nước ngoài vào ngành y tế nên chưa có nhiều dự án lớn, hầu hết đều ở quy mô nhỏ và vừa; mục đích đầu tư cụ thể, thiết thực, sớm mang lại hiệu quả...

Mặc dù các dự án BV tư đua nhau ra đời, nhưng theo đánh giá của đại diện Phòng Quản lý dịch vụ Y tế, Sở Y tế TP.HCM, các BV tư hiện nay vẫn chưa mạnh và mới chỉ được đầu tư ở mức trung bình. Vì vậy cũng mới chỉ “giúp” cho BV công giảm tải những ca bệnh đơn giản, còn hầu hết những ca bệnh khó, đòi hỏi kỹ thuật cao, máy móc chẩn đoán, điều trị hiện đại thì vẫn phải chuyển về tuyến BV công.

Chưa đến điểm sinh lời

BS. Nguyễn Hữu Tùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Y khoa Hoàn My,õ thừa nhận: “Đúng là hiện nay, do đầu tư chưa đúng mức nên các BV tư chỉ mới giải quyết được những ca bệnh từ đơn giản đến trung bình. Song, ẩn sau đó là ngại rủi ro nên dễ dẫn đến mất uy tín của BV và lòng tin của bệnh nhân, điều đó cũng đồng nghĩa với nguy cơ phá sản, ảnh hưởng đến đầu tư”.

Lý giải thêm nguyên nhân các BV tư không dám đầu tư đúng mức, BS. Trương Hiếu Nghĩa, Giám đốc Phòng khám Đa khoa Vì Dân, cho rằng: “Nếu muốn xây dựng một BV chuẩn cả về trang thiết bị và con người thì kinh phí đầu tư rất lớn, trong khi đó mức phí khám chữa bệnh của Việt Nam còn quá thấp so với các nước, mức thu không đủ chi, khả năng thu hồi vốn chậm nên các NĐT e ngại”.

Giám đốc BV Mắt Cao Thắng, ông Nguyễn Danh Khôi, cũng khẳng định: “Mức lương ưu đãi để giữ nguồn lực cao cấp cũng là bài toán cân đối thu chi khá vất vả với các BV tư. Ngoài ra, quản lý hành chính với BV tư còn rất nặng nề, thường xuyên bị thanh kiểm tra. Vì vậy, dù đã lưu trữ hồ sơ trong máy tính, chúng tôi vẫn phải dành một phòng để lưu giữ hồ sơ, vì chỉ hồ sơ giấy mới có giá trị pháp lý”.

Thực tế cho thấy, các dự án BV, nhất là dự án tập trung vào phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình khá trở lên, thường nằm trong các khu vực trung tâm. Thế nhưng, quỹ đất tại các khu vực trung tâm quá hạn chế, giá thuê đất, thuê nhà lại quá cao.

Thứ hai, do tỷ suất lợi nhuận thấp và thời gian thu hồi vốn của các dự án BV khá lâu nên ảnh hưởng đến quá trình xem xét cấp vốn của các quỹ đầu tư, các ngân hàng. BS. Nguyễn Vĩnh Tường, Tổng giám đốc Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare, cũng nêu ra hàng loạt khó khăn.

Ông ví von: “Đầu tư vào BV muốn có nạc thì phải chịu khó lóc xương. Song, nan giải nhất vẫn là nguồn nhân lực cao rất hiếm khiến chất lượng dịch vụ khám và điều trị cũng bị ảnh hưởng. Nếu tập trung đầu tư lớn cho trang thiết bị thì cũng không có người đủ kiến thức khai thác, vận hành”.

Khó trước mắt, lỗ sau lưng

Quy trình thực hiện các dự án quá chậm từ phía các cấp thẩm quyền cũng khiến các NĐT “tiến thoái lưỡng nan”. Đơn cử, dự án xây dựng BV Medic thực hiện năm 2007, nhưng đến nay cũng chưa hoàn chỉnh hạ tầng. Vì vậy, mỗi ngày Medic phải mất trắng 5 triệu đồng cho chi phí vận hành, bảo dưỡng trang thiết bị.

Đã vậy, dự án còn có nguy cơ phải thay đổi, thiệt hại sẽ còn cao hơn rất nhiều, thậm chí không tính được. Đầu tư vào BV là loại hình đầu tư sinh lợi không nhanh, thu hồi vốn chậm, ít nhất phải từ 5 - 10 năm, đòi hỏi vốn lớn. Vì vậy, không ít BV dù ý tưởng rất lớn, xây xong cũng hoành tráng, nhưng vừa hoạt động ít lâu đã bắt đầu có dấu hiệu “hụt hơi”, như BV khách sạn Vũ Anh.

Ngay cả BV Hoàn Mỹ Đà Lạt chọn “mũi nhọn” là dịch vụ khám chữa bệnh kết hợp nghỉ dưỡng nhưng vẫn chưa hiệu quả. BV Ngọc Linh sau “thất sách” về vị trí đường bị quy hoạch một chiều, hơi khuất cũng chủ trương hoạt động theo kiểu “lai rai”, đành nhằm vào phân khúc khách hàng ở mức thu nhập trung bình...

Thậm chí, ngay cả một BV lớn có vốn đầu tư nước ngoài lớn mới đây cũng phải nhờ Ngân hàng BIDV mua lại nợ do đến thời hạn đáo hạn, chủ đầu tư chưa có khả năng thanh toán. Qua tìm hiểu, nguyên nhân chính vẫn là đầu tư thiếu tầm nhìn xa, không thu hút được bác sĩ giỏi, thiếu năng lực quản lý, quản trị, trong đó còn có lý do giá viện phí, dịch vụ khám chữa bệnh theo chuẩn BV - khách sạn quốc tế nhưng chất lượng điều trị chưa cao, chưa phù hợp với mức thu nhập của đại đa số người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài 1: Chậm đầu vào, khó đầu ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO