“Ấn tượng Việt Nam”: Vì sao nhạt?

LỮ Ý NHI| 03/07/2009 09:04

Lấy tên là “Ấn tượng Việt Nam” (Impressive Vietnam) nhưng sau 5 tháng thực hiện, chương trình “kích cầu” du lịch VN do Tổng cục Du lịch phát động vẫn nhạt nhòa. Nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình đã bỏ cuộc...

“Ấn tượng Việt Nam”: Vì sao nhạt?

Lấy tên là “Ấn tượng Việt Nam” (Impressive Vietnam) nhưng sau 5 tháng thực hiện, chương trình “kích cầu” du lịch VN do Tổng cục Du lịch phát động vẫn nhạt nhòa. Nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình đã bỏ cuộc...

Phối hợp khập khiễng

Chương trình “Ấn tượng Việt Nam” đã không thu hút được du khách quốc tế - Ảnh: Huyên Phương

Bà Trần Nam Hương, Giám đốc Công ty Du lịch Tân Á Mỹ cho biết: “Mặc dù các DN lữ hành đồng thuận giảm giá tour từ 30-50%, thậm chí xuống tới 70%, nhưng chi phí du lịch không chỉ dựa trên giá tour mà còn lệ thuộc vào nhiều dịch vụ khác, như ăn uống, khách sạn, vận chuyển, vui chơi giải trí... Trong khi đó, chi phí dịch vụ vui chơi, tham quan, ăn uống ở VN hiện vẫn tăng theo thời giá, nhất là giá khách sạn dù đã giảm nhưng không đáng kể và vẫn không rẻ so với các nước lân cận”.

Chia sẻ thêm khó khăn, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Giám đốc Đối ngoại Fiditour, nói: “Tuy các DN dịch vụ, vận chuyển tham gia giảm giá nhưng chỉ giảm theo đợt chứ không liên tục như các nước khác. Cụ thể, vào các đợt lễ, Tết, các dịch vụ này luôn tăng giá dù các tour du lịch vẫn đang trong chương trình khuyến mãi. Điều này làm cho nhiều du khách phản ứng, DN khó khăn trong việc thuyết phục khách hàng”.

Ông Nguyễn Minh Quyền, Phó giám đốc Trung tâm Lữ hành Bến Thành Tourist, cũng đồng tình: “Sự phối hợp của VNA với các DN lữ hành hiện vẫn chưa rõ ràng khiến chúng tôi rất khó thiết kế tour. Chẳng hạn phía VNA đòi hỏi phải gửi cụ thể danh sách khách du lịch mỗi tour bao nhiêu người, sau đó mới đề nghị “xem xét” và duyệt giảm giá.

Một khi DN luôn ở thế bị động vì VNA không thể cam kết chắc chắn chuyến bay cụ thể, lượng ghế thì chúng tôi không thể chủ động xây dựng chương trình tour để thu hút khách đến”. Thực tế, đã có không ít DN tham gia khuyến mãi ở các thị trường Nhật Bản, Úc, các nước Tây Âu và ASEAN đã bỏ cuộc, nhóm các DN lữ hành quốc tế tham gia thị trường Tây Âu cũng không còn mặn mà với chương trình này.

Quảng bá nửa vời?

Có tới 37 DN lữ hành quốc tế lớn, 61 khách sạn 3-5 sao, ba hãng vận chuyển và 14 cửa hàng mua sắm vừa “bắt tay” cam kết tham gia chiến dịch “Ấn tượng Việt Nam”, như giảm giá 30-50% cho 99 tour du lịch điển hình để hút khách quốc tế và thúc đẩy du lịch nội địa.

So với chương trình khuyến mãi du lịch cũng đang diễn ra rầm rộ ở các nước lân cận, “Ấn tượng Việt Nam” không chỉ thiếu sự hợp tác đồng bộ giữa các DN mà chương trình cũng chưa đủ tầm tạo sức hút cho du khách.

Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu thị trường Grant Thornton, ông Ken Atkinson cũng cho biết: “Năm 2008, giá phòng tại các khách sạn 5 sao tại VN được bán với giá giá bình quân 3,5 triệu đồng/đêm (195USD/đêm). Nếu tính bình quân cả khách sạn 4 sao thì mức giá đã tăng từ 104USD năm 2007 lên 114USD vào năm 2008. Mức giá phòng này là khá cao so với giá phòng tại các khách sạn cùng loại ở các nước trong khu vực, vốn là các nước đang cạnh tranh trực tiếp với VN trong việc thu hút khách quốc tế”.

Cũng theo các DN, một trong những hạn chế khiến “Ấn tượng Việt Nam” chưa thu hút du khách, đó là do quảng bá chưa tốt, ngay cả thông tin chương trình cũng do các DN lữ hành tự cho đối tác biết. Theo Tổng cục Du lịch VN, kinh phí quảng bá cho chương trình chưa được giải ngân do chưa có quy chế sử dụng. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Quyền Trưởng phòng Truyền thông du lịch Vietravel kiến nghị: “Phải quảng bá hình ảnh du lịch VN đến các nước trong thời gian dài từ một đến ba năm mới tạo hiệu quả tốt. Cũng cần thiết kế các chương trình press trip để phóng viên các nước quảng bá về những điểm đến tại VN”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Ấn tượng Việt Nam”: Vì sao nhạt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO