An Giang chờ hàng Việt

CÁC NGỌC| 03/09/2009 09:44

Độ vài năm nay, mấy ông sản xuất ở VN đã biết thu tiền dân An Giang, chứ hồi trước, tiền miệt này trôi theo hàng ngoại biết bao mà kể”...

An Giang chờ hàng Việt

“Độ vài năm nay, mấy ông sản xuất ở VN đã biết thu tiền dân An Giang, chứ hồi trước, tiền miệt này trôi theo hàng ngoại biết bao mà kể”. Nghe nhận xét của tiểu thương các chợ ở An Giang, ai mà không mừng khi biết hàng nội địa đang có mặt ngày càng nhiều ở nơi từ lâu nay được xem là vùng tập trung nhiều nhất hàng Thái Lan, Malaysia…

Hàng nội đẩy lui hàng ngoại

Tiệm tạp hóa ngay sát bên cổng cửa khẩu Khánh Bình (huyện An Phú), trước cơ quan hải quan tuy nhỏ nhưng có thể tạm gọi là cửa hàng giới thiệu khá đầy đủ hàng sản xuất tại VN: mì Cung Đình với thương hiệu MICOEM của Công ty Châu Á tận miền Bắc bên cạnh những thùng mì ăn liền của Công ty Acecook VN; nước yến Ngân Nhĩ Bidrico của Công ty TNHH Tân Quang Minh, nước bí đao Wonderfarm; xúc xích Vissan, sữa tươi Vinamilk, nước rửa chén, dầu gội đầu, nước xả thơm Mỹ Hảo; cà phê Thuần Việt, rượu nếp Hà Nội, rượu chuối hột Chí Thành, rượu Gò Đen... Chủ tiệm nói: “Độ rày dân ở đây thích xài “hàng mình” hơn vì giá rẻ lại ngon nên lấy hàng Thái về khó bán”.

Hàng VN được tiêu thụ nhiều ở An Giang

Các sạp tạp hóa trong chợ Long Bình cạnh đó cũng có đến 80% là hàng bổ từ Sài Gòn, có những mặt hàng nhiều người ưng ý như bánh tráng Safaco, cà phê G7, nước tương Chin-su, giấy Sài Gòn... Chủ sạp đồ điện, điện tử Thanh Dũng còn quả quyết đồ điện VN đã đẩy được đồ điện Thái Lan ra khỏi khu vực này. Anh đang làm đại lý chính thức cho quạt điện Senko (Công ty Tân Tiến S.K), ngoài ra còn phân phối nồi cơm điện Kim Cương, bếp gas NaMilux, ăngten Bách Khoa, lò nướng, đèn sạc hiệu Kentom (Công ty TNHH Đồng Bằng ở Cần Đước, Long An).

Anh Dũng nói: “Trước đây hàng VN dỡ nên phải mua hàng Thái về bán. Đồ điện VN bây giờ nhiều mẫu mã, tính năng cũng đa dạng, cùng chất lượng nhưng giá rẻ hơn hàng Thái nên bán chạy. Thường đại lý gửi chành đưa hàng về đến tận nơi nhưng thỉnh thoảng tôi cũng phải lên Sài Gòn cập nhật nhãn hiệu, mẫu mã mới”.

Bánh Kinh Đô và Vinabico, mít sấy Vinamit, đậu phọng Tân Tân tiêu thụ khá mạnh không chỉ cho dân địa phương mà còn bán cho khách du lịch nước ngoài. Đi đâu thấy đồ nhựa cũng nghe người ta nói “xài hàng mủ Chợ Lớn không hà”. Ngoài dầu ăn Tường An đã được tín nhiệm, hiện có thêm dầu ăn hiệu Queen đã được phân phối tại An Giang. Bột giặt Vì Dân của Công ty Vico từ Hải Phòng cũng đã thâm nhập được thị trường này. Một số mặt hàng được sản xuất tại An Giang đang khẳng định vị trí, chẳng hạn vào nhiều quán cà phê, chúng tôi được nghe giới thiệu hiệu cà phê Lâm Chấn Uy vừa cung cấp cho các quán, vừa bán lẻ khá tốt.

Những khoảng trống cho hàng

Chợ Tịnh Biên còn được gọi là “chợ hàng Thái” vì từ hàng hóa mỹ phẩm, vải vóc, quần áo, đồ điện, hàng thực phẩm... đến trái cây hết 90% là hàng Thái. Chợ Tịnh Biên chủ yếu phục vụ khách du lịch Châu Đốc, hành hương chùa Bà Chúa Xứ tiện đường đến đây mua sắm. Tiểu thương ở chợ nhìn nhận hàng Thái giá rẻ hơn so với các nơi khác nên chợ Tịnh Biên mới thu hút khách. Tuy nhiên, từ khi Khu thương mại cửa khẩu Tịnh Biên mở ra, khách du lịch lại tập trung lên đó vì họ được mua hàng miễn thuế. Thế là tiểu thương ở chợ Tịnh Biên lại nghĩ đến việc thương lượng nhận hàng VN tận gốc về bán cho khách du lịch.

Một địa điểm mà nhiều người tiếc vì sao không trở thành nơi quảng bá hàng VN tại An Giang, đó là trạm dừng xe Thần Tài. Nơi đây vị trí khá đẹp, khách ghé qua nhiều, có một siêu thị nhỏ bán đủ loại hàng hóa nhưng hàng VN chỉ chiếm khoảng 20%, chủ yếu là đặc sản địa phương, còn hàng tiêu dùng thì toàn nhập từ Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc.

Nói về những mặt hàng có khả năng thâm nhập thị trường An Giang và tiến cả sang thị trường Campuchia, tiểu thương chợ Long Bình, Châu Đốc kể tên: bóng đèn Điện Quang; rèm cửa, bộ chăn-drap-gối ở Sài Gòn; mỹ phẩm... Quan trọng là các nhà sản xuất có cất công đi tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng của cư dân tiêu tiền nhiều nhất vùng Tây Nam bộ này hay không?

Sở Công Thương An Giang cho biết, trong năm 2008, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của An Giang đạt 30.000 tỷ đồng, còn trong 6 tháng đầu năm 2009 đã đạt gần 12.903 tỷ đồng. Mặc dù là tỉnh nông nghiệp, nhưng trong cơ cấu đóng góp cho GDP của tỉnh, thương mại - dịch vụ chiếm đến 52%, điều này cho thấy mức tiêu thụ hàng hóa của An Giang là rất lớn.

Ngoài cư dân địa phương tiêu tiền khá thoải mái, mỗi năm An Giang còn có 4 triệu lượt khách du lịch trong nước và nước ngoài. Nếu DN đã có thị trường mà không cố giữ và tích cực xây dựng hình ảnh tốt để đẩy lùi hàng ngoại, hoặc DN có khả năng khai thác thị trường mà không nhanh chóng nhảy vào thì dẫu cho chính quyền tỉnh An Giang có bỏ bao nhiêu kinh phí vận động “ưu tiên dùng hàng VN” cũng không đạt được kết quả khi mà hàng ngoại luôn sẵn sàng vượt biên giới vào chiếm lĩnh thị trường này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
An Giang chờ hàng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO