Những thập niên gần đây, doanh số bán hàng xa xỉ tăng liên tục, song hàng giả còn tăng mạnh mẽ hơn, ở mức 10.000% trong 20 năm qua. Ảnh: The Guardian |
The Guardian dẫn nguồn tin cho biết, lợi nhuận từ việc buôn bán các sản phẩm giả vào khoảng 600 tỷ USD/năm. Trong đó, 10% tổng số hàng hiệu được bán ra thị trường là hàng giả và 80% trong số chúng ta (dù biết hay không biết) từng mua phải hàng giả hoặc hàng nhái. Những thập niên gần đây, doanh số bán hàng xa xỉ tăng liên tục, song hàng giả còn tăng mạnh mẽ hơn, ở mức 10.000% trong 20 năm qua.
Hàng giả tràn lan, khó phát hiện
Và, những con số vừa nêu không phải chỉ là nói suông. Hải quan Pháp, trong một lần truy bắt hàng giả, từng tịch thu lô vải Louis Vuitton giả đủ để phủ lên 54 sân tennis. Cũng có trường hợp một người bán hàng trên sàn thương mại điện tử Taobao của Trung Quốc tàng trữ 18.500 túi xách, tạp dề và giày dép giả. Tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, gần 700.000 sản phẩm chăm sóc tóc giả đã bị thu giữ vào năm 2020.
Bjorn Getswagers - Giám đốc khu vực của tổ chức chống hàng giả React cho biết, cộng tác với các cơ quan hải quan và thực thi pháp luật tại 107 nước trên thế giới, tổ chức của ông xử lý khoảng 20.000 vụ việc mỗi năm. "Cách đây 25 năm, khi React mới thành lập, nếu chúng tôi ngăn chặn 5.000 vụ hàng giả mỗi tháng, chúng tôi nghĩ mình đang làm rất tốt. Nếu chúng tôi bắt được 100.000 vụ mỗi năm, chúng tôi sẽ vỗ ngực tự khen. Sau đó, chúng tôi đã thay đổi những gì mình làm và hiện đang ngăn chặn 25 triệu vụ mỗi năm", Getswagers nói.
Có thể thấy, dù ngành công nghiệp xác thực với các công cụ chống hàng giả ngày càng được phát triển và mở rộng, từ con dấu chống giả mạo được kích hoạt bằng nhiệt, số bảo mật, cho đến thẻ RFID (nhận dạng tần số vô tuyến)... hàng giả đã và vẫn đang tràn lan trên thị trường. Tại Paris, Pháp, thậm chí có hẳn một bảo tàng với tên gọi Musée De La Contrefaçon (Bảo tàng Hàng giả), chuyên trưng bày các loại hàng nhái bị hải quan Pháp thu giữ hằng năm, nhằm nâng cao nhận thức và sức phân biệt hàng thật - giả cho người dân.
Nước hoa Dior thật (trái) và nhái trưng bày trong Bảo tàng Hàng giả Musée De La Contrefaçon. Ảnh: Surla2 |
Alice Sherwood - cây bút của tờ The Guardian, trong một lần tham quan bảo tàng hàng giả, cho biết hàng giả hiện được làm tinh vi tới mức không thể nhận ra nếu không có chuyên gia tư vấn. "Tôi nhìn vào một chiếc túi Chanel 2,55 chần bông nổi tiếng, nhưng hướng dẫn viên lại nói rằng đó là túi giả do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Bản gốc có đường khâu đều đặn và chắc chắn, bản giả được dán lại với nhau.
Một chiếc túi khác trông giống thiết kế của Louis Vuitton nhưng khi kiểm tra kỹ hơn, những ký tự đã được thay đổi một cách khéo léo theo chữ tượng hình của Hàn Quốc, mô phỏng họa tiết monogram của hãng mốt Pháp. Không một yếu tố nào của thiết kế phù hợp với bản gốc, nhưng hiệu ứng tổng thể thì đậm chất Vuitton", Sherwood nói.
Và, với sự phát triển của Internet, hàng nhái của các thương hiệu nổi tiếng từng được bày bán tại các quầy hàng ở chợ giờ có thể đến tay khách hàng nhanh chóng chỉ sau vài cú nhấp chuột.
Ăn cắp thiết kế và buôn bán những giấc mơ ảo
Với sự phát triển của chuỗi cung ứng toàn cầu, hàng hoá của thế kỷ XXI có thể được bán cách nơi sản xuất hàng ngàn cây số, và có sự tham gia đóng góp của hàng chục đơn vị từ nhiều quốc gia khác nhau. Trên thực tế, ngay cả những nhà sản xuất để tâm nhiều nhất (và không phải tất cả đều như vậy) cũng khó có thể biết được hết những đơn vị nào đang tham gia vào chuỗi cung ứng của họ. Nên, khi các nhà sản xuất lớn trên thế giới tập trung vào một số khu vực công nghiệp đông đúc, kỹ thuật, công nghệ và kể cả kỹ năng thủ công cũng có nguy cơ bị bắt chước hoặc đánh cắp.
Sau khi ý tưởng, mẫu mã và thiết kế của thương hiệu bị lấy cắp, hàng giả làm từ các chất liệu rẻ tiền hơn có thể dễ dàng được sản xuất hàng loạt. Hơn nữa, "nếu một sản phẩm giả được làm ra với cùng tiêu chuẩn nhưng giá lại rẻ hơn, thì việc không mua hàng chính hãng đắt đỏ chẳng phải là lựa chọn mà bất cứ người tiêu dùng nào cũng sẽ làm hay sao?", Sherwood đặt vấn đề.
Trên thực tế, sự bùng nổ hàng giả trong 20 năm qua chủ yếu diễn ra ở thị trường tầm trung. Các sản phẩm giả thu hút nhất là hàng cao cấp nhưng vẫn có giá phải chăng. Thay vì nhấn mạnh sự khéo léo và truyền thống, chất lượng vượt trội và tính độc quyền, hàng giả đại trà vẫn đắt khách là nhờ các xu hướng thời trang được phổ biến bởi người nổi tiếng.
Nếu một sản phẩm giả được làm ra với cùng tiêu chuẩn nhưng giá lại rẻ hơn, thì việc không mua hàng chính hãng đắt đỏ chẳng phải là lựa chọn mà bất cứ người tiêu dùng nào cũng sẽ làm hay sao?. Ảnh: Một tiệm đồng hồ Rolax ở Thâm Quyến/Marginon |
Trả lời thắc mắc của Sherwood, Getswagers đáp: "Khi mua đồ của một thương hiệu, bạn đang đầu tư vào một giấc mơ. Bạn có biết Beats đã được Apple mua lại không? Họ làm ra những chiếc tai nghe tốt, nhưng không tuyệt vời. Mọi người mua vì chúng 'ngầu'. Bạn mua chất lượng của hàng hoá, nhưng đồng thời bạn cũng đang mua việc trở thành một phần của một cộng đồng".
Do đó, nhiều người sẵn lòng chi số tiền lớn cho hàng chính hãng, bởi vì họ đang mua chất lượng hữu hình và cả yếu tố vô hình của sản phẩm. Sức mạnh của các yếu tố vô hình là chúng không chỉ thay đổi cách bạn cảm nhận về sản phẩm mà còn nâng lòng tự tôn của bạn. "Các nhà thiết kế nhắm đến mục tiêu làm ra một sản phẩm đẹp đi cùng với một giấc mơ đẹp. Bạn mua nó và lòng tự tôn của bạn sẽ tăng lên", Getswagers nói.
Thế nên, các thương hiệu xa xỉ càng chi nhiều cho quảng cáo, thì cơ hội mở ra cho những kẻ làm giả càng lớn, khi chúng góp phần không nhỏ trong việc kích thích nhu cầu dùng đồ hiệu của những người có thu nhập thấp.
Yoo Hyun Jung - Giáo sư về khoa học tiêu dùng ở Đại học Quốc gia Chungbuk từng nhận xét trên Korea Times rằng, thế hệ trẻ ngày nay thích đăng hình ảnh phô trương và hào nhoáng, cho thấy mình giàu có trên mạng xã hội. Và, những người không có điều kiện sẵn sàng diện đồ giả chỉ để theo kịp xu hướng của giới nhà giàu.
Do đó, họ không chỉ mua hàng mà còn mua vào danh tiếng của thương hiệu cùng sự đảm bảo mà nó mang lại; mua vào hình ảnh mà các công ty tạo ra xung quanh thương hiệu thông qua quảng cáo và PR bóng bẩy; mua sự 'ngầu' mà chúng mang đến thông qua các diễn viên hoặc rapper làm gương mặt đại diện thương hiệu. Sức mạnh của các yếu tố vô hình ẩn trong thương hiệu là chúng không chỉ thay đổi cách bạn cảm nhận về sản phẩm mà còn thay đổi cách bạn cảm nhận về chính mình.
Sức mạnh của các yếu tố vô hình ẩn trong thương hiệu là chúng không chỉ thay đổi cách bạn cảm nhận về sản phẩm mà còn thay đổi cách bạn cảm nhận về chính mình. ẢnhL Một tiệm đồng hồ giả "chính hãng" tại Thổ Nhĩ Kỳ/Stephen Barnes. |
Về phương diện từ ngữ, vô số được sử dụng để nói về những yếu tố vô hình của thương hiệu, từ "ý nghĩa", "giấc mơ", "hình ảnh" cho đến "giá trị thương hiệu". Tuy nhiên, với người làm hàng giả, yếu tố vô hình chỉ đơn giản là một phần của sản phẩm mà họ chẳng cần phải nhọc công sao chép nhưng vẫn tận dụng được đầy đủ lợi ích từ nó.