Nội dung này được đề cập trong văn bản do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký ngày 10/11/2020, sau một tuần Bộ Xây dựng thống nhất tờ trình của UBND TP.HCM về vấn đề này. Lãnh đạo Chính phủ giao UBND TP.HCM hoàn thiện đề án lập thành phố Thủ Đức (sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức) trình cơ quan thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định.
Đồng thời, Phó thủ tướng yêu cầu sau khi lập thành phố Thủ Đức, chính quyền thành phố sớm lập quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đảm bảo đồng bộ với nhiệm vụ quy hoạch TP.HCM và nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM; lập đề án đề nghị thành phố Thủ Đức là đô thị loại 1 thuộc TP.HCM trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
Trước đó, sau khi rà soát các tiêu chí theo Nghị Quyết 1210 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, UBND TP.HCM cho biết khu vực dự kiến thành lập thành phố Thủ Đức đạt 87,18/100 điểm, đảm bảo đạt tiêu chí đô thị loại 1.
Cụ thể, vị trí chức năng, vai trò cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế xã hội đạt 20/20 điểm; quy mô dân số đạt 6,69/8 điểm; mật độ dân số đạt 5,98/6 điểm; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 6/6 điểm; trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị đạt 48,51/60 điểm.
Thành phố Thủ Đức sau khi được thành lập rộng hơn 211km2, hơn 1,5 triệu người. Đây là hạt nhân dẫn đầu, thúc đẩy thành phố và vùng Đông Nam Bộ phát triển. Dự kiến thành phố Thủ Đức góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước.
Khu vực dự kiến thành lập thành phố Thủ Đức cũng có vị trí quan trọng trong vùng tam giác TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu; là đấu mối các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.