Không có ưu đãi nào đối với doanh nghiệp nhà nước

NGUYỄN HOÀNG| 12/10/2018 03:36

Nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) kinh doanh hiệu quả, nhưng phải lấy lại những lĩnh vực độc quyền.

Không có ưu đãi nào đối với doanh nghiệp nhà nước

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra khuyến nghị trong bối cảnh Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chính thức hoạt động từ tháng 10/2018.

Dự kiến 19 tập đoàn, tổng công ty sẽ được chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau khi ủy ban này ra mắt vào đầu tháng 10, với vốn chủ sở hữu nhà nước trên 820.000 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp gần 1,5 triệu tỷ đồng. Như vậy, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nắm giữ gần 50% giá trị vốn nhà nước và tài sản của khu vực DNNN.

* Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp bắt đầu hoạt động từ tháng 10 sẽ đóng góp gì cho mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, thưa ông ?

- Tái cơ cấu DNNN trong đó có tái cơ cấu các tập đoàn là một trong ba trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế. Việc thành lập ủy ban này là một bước tiến trong quá trình cải cách, chuyển đổi sang kinh tế thị trường, tạo ra một định chế góp phần hoàn thiện kinh tế thị trường Việt Nam. Thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tạo cơ chế cho nó hoạt động chuyên trách, chuyên nghiệp như một nhà đầu tư là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả của DNNN.

Chỉ khi DNNN đạt được những mục tiêu mang tính thương mại, tách các mục tiêu xã hội ra khỏi mục tiêu kinh doanh thương mại thì mới đánh giá rõ ràng kết quả kinh doanh của từng DNNN và cả khu vực DNNN. Khi đó, DNNN hoạt động theo cách thức và nhu cầu của thị trường và thị trường hơn. DNNN sẽ phân bố nguồn lực tốt hơn để từ đó sử dụng vốn hiệu quả hơn.

Muốn vậy, Nhà nước phải giao cho DNNN mục tiêu, chỉ tiêu đủ lớn, tạo áp lực để họ buộc phải lựa chọn nhân sự tốt, có những cách làm đổi mới sáng tạo và buộc họ cạnh tranh không chỉ ở thị trường trong nước mà còn cả thị trường toàn cầu. Chỉ có cạnh tranh mới có thể buộc doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng hoạt động hiệu quả.

Khi đó, DNNN buộc phải tìm cách đổi mới sáng tạo, tiếp nhận nghiên cứu, tiếp thu và chuyển giao công nghệ, thay đổi phương thức quản lý, thay đổi quy trình sản xuất để đảm bảo cạnh tranh được trên toàn cầu. Làm được những điều ấy, chắc chắn góp phần vào tái cơ cấu DNNN, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước và góp phần vào tái cơ cấu nền kinh tế.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

* Với bước đi này, theo ông khu vực DNNN sẽ đóng vai trò gì trong phát triển kinh tế giai đoạn tới?

- Vai trò của DNNN phải được nhìn như một nguồn lực phát triển kinh tế. DNNN trước hết phải coi đó là doanh nghiệp, không giá trị hơn những doanh nghiệp khác trong nền kinh tế, đặc biệt là không gắn cho nó "vai trò chủ đạo của nền kinh tế”. Khi DNNN là doanh nghiệp thì phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường, cạnh tranh bình đẳng theo thị trường.

Tầm quan trọng của DNNN là ở chỗ, hiện nay nó đang sử dụng một nguồn lực rất lớn của nền kinh tế. Cho nên với trách nhiệm chủ sở hữu, Nhà nước phải tạo điều kiện cho DNNN kinh doanh hiệu quả và tách mục tiêu xã hội ra khỏi mục tiêu kinh doanh. Với những DNNN được giao mục tiêu xã hội, Nhà nước cần hạch toán đầy đủ để doanh nghiệp có đủ chi phí họat động, không lấy việc thực hiện các mục tiêu xã hội để biện minh cho thất bại.

Ở chiều ngược lại, trách nhiệm của từng DNNN là sử dụng nguồn lực nhà nước một cách có hiệu quả nhất. Hiệu quả đầu tiên phải là tài chính, với tỷ suất lợi nhuận đủ lớn. Mục tiêu của doanh nghiệp là kinh doanh tạo ra lợi nhuận, tiếp cận được ngành nghề mới, tạo ra được sản phẩm mới, tạo ra việc làm, tiếp cận được thị trường quốc tế. Ở đây, không nên hiểu DNNN chạy theo lợi nhuận, bởi vì để có được lợi nhuận, DNNN phải có được thành công như những loại hình doanh nghiệp khác.

* Với viễn cảnh như ông nói, ưu đãi cho DNNN nên như thế nào?

- Không có bất cứ ưu đãi nào dành cho DNNN với tư cách là doanh nghiệp. Nhà nước cần bỏ những ưu đãi cho DNNN và lấy lại những lĩnh vực các doanh nghiệp này đang độc quyền. Ví dụ hệ thống truyền tải điện đang là độc quyền nhà nước, không phải quyền doanh nghiệp. Trước mắt, khi chưa thể lấy lại sự độc quyền này, Nhà nước cần kiểm soát để DNNN không lạm dụng vị thế độc quyền trên thị trường và làm hại doanh nghiệp khác.

* Nhiều nỗ lực đang được đầu tư cho tái cơ cấu nền kinh tế, ông kỳ vọng điều gì?

- Tôi vẫn nghĩ, làm đúng hướng, đúng quy luật là điều kiện tiên quyết của sự thành công, nhưng thành công đầy đủ còn nằm ở vấn đề triển khai thực hiện.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không có ưu đãi nào đối với doanh nghiệp nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO