Người trẻ ra thế giới

Lữ Ý Nhi| 14/10/2020 08:35

Sáng tạo, năng động với tư duy mới, tầm nhìn xa hơn và tham vọng đi ra thế giới, là những gì thế hệ startup trẻ đang hướng đến và tạo dấu ấn cho một thế hệ doanh nhân mới. Trong số họ là hai nhân vật điển hình: Võ Tuấn Bình - Founder của Amanotes và Lê Duy Toàn - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh (Duy Anh Foods)

Amanotes: Tham vọng trở thành công ty công nghệ - âm nhạc hàng đầu thế giới 

Tham vọng là thế nhưng sau ba lần thất bại, Võ Tuấn Bình mới chạm giấc mơ. Quý I/2020, Amanotes còn đạt danh hiệu nhà phát hành ứng dụng giải trí số một châu Úc và Đông Nam Á. Các game của Amanotes cũng chạm mốc 1 tỷ lượt tải về vào tháng 5/2020, có hơn 95 triệu người dùng mỗi tháng và 15 triệu người dùng hoạt động trên các ứng dụng giải trí của Amanotes mỗi ngày. 

Bình nói: "Trong lần khởi nghiệp thứ tư với Amanotes, tôi đã xác định được cuộc chơi của Amanotes là ở thị trường toàn cầu và chỉ tập trung vào mảng mobile".

Tóm gọn ba yếu tố để Amanotes thành công, Bình chia sẻ: "Đầu tiên là sản phẩm, kế tiếp là sự tiên phong khi mang trải nghiệm âm nhạc đến với người dùng thông qua trò chơi đơn giản. Bởi chỉ khi âm nhạc thể hiện qua những trò chơi đơn giản, thì mới khiến người dùng dễ tiếp thu và dễ hấp dẫn họ hơn, ai cũng có thể chơi được và cuối cùng là đội ngũ 200 nhân viên trẻ và tài năng, đến từ gần 10 quốc gia. Song yếu tố không kém quan trọng là kinh nghiệm được đúc kết từ những lần thất bại trước giúp tôi hiểu khách hàng muốn gì, họ cần chức năng và trải nghiệm như thế nào?

Amanotes-Bill1-9675-1602577370.jpg

Sau một năm ra mắt, Amanotes đã vượt qua đối thủ Trung Quốc tại một số thị trường quan trọng như Mỹ. Trong 1,5-2 năm tiếp theo, tựa game của Amanotes bắt đầu lấn lướt đối thủ ở nhiều thị trường khác và giữ vị thế trong bảng xếp hạng game âm nhạc toàn cầu và là nhà phát hành ứng dụng mảng giải trí âm nhạc số một thế giới với hơn 60 ứng dụng di động trên hai nền tảng iOS và Android đạt những vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng ứng dụng giải trí âm nhạc trên 190 quốc gia (theo đánh giá xếp hạng từ Sensor Tower vào năm 2019 và Top Publisher Award 2020 của App Annie). 

Tuy vậy, để ra được thế giới không dễ, Bình nói: "Thị trường ứng dụng quốc tế cạnh tranh rất khắc nghiệt, để tạo được dấu ấn và làm mình khác biệt là một điều không nhiều người làm được. Bên cạnh đó, lĩnh vực âm nhạc còn khá nhiều thách thức khi phải làm việc với những công ty, những nghệ sĩ nổi tiếng sở hữu tác quyền các bài hát để lấy được bản quyền và sử dụng những bài hát cho công nghệ của mình". 

Chia sẻ cách thức để vượt qua khó khăn đó và thống lĩnh thị trường quốc tế, Bình nói: "Cái mà Amanotes luôn muốn tạo ra đó là trải nghiệm thật sự hoàn hảo cho người yêu âm nhạc mà muốn được làm gì đó nhiều hơn với âm nhạc. Chúng tôi gọi đó là "tương tác với âm nhạc" Bằng những nghiên cứu chuyên sâu và luôn thử nghiệm tại những thị trường chiến lược như Mỹ, công ty đã xác định được các tập người dùng và thị trường màu mỡ mà Amanotes có thể đánh vào. Những người dùng ứng dụng giải trí âm nhạc của Amanotes phần lớn lại là nữ trong độ tuổi 24-35".

Song đích đến cuối của Amanotes không chỉ thống lĩnh thị trường ứng dụng trò chơi âm nhạc, mà phát triển bền vững và người đứng đầu Amanotes đang từng bước tạo "hệ sinh thái âm nhạc - công nghệ", nơi mà người dùng có thể thực sự nghe, chơi trò chơi, kết nối, mô phỏng, học và cả dạy nhạc. Dự định sắp tới, Bình cho biết: "Lấy trò chơi giải trí âm nhạc làm bước đệm, Amanotes đang nghiên cứu để đưa ra thị trường các sản phẩm thiên về giáo dục âm nhạc để người dùng có thể tương tác với âm nhạc một cách toàn diện nhất". 

Bình nói thêm, để có một doanh nghiệp bền vững trong ngành game phải có một chiếc lược khác biệt, hoặc là phải phát hành kết hợp với nhiều nhà phát triển game hoặc phải có cơ chế - công thức tạo được tỷ lệ thành công hay thành hit nhất định. Amanotes có những công thức riêng và những chiến lược khác biệt để phát triển bền vững. 

Duy Anh Foods: Đưa nông sản Việt ra thế giới

Khi dịch bệnh Covid-19 ập đến, đi đâu cũng thấy tấm bảng "giải cứu cho nông dân" và giá dưa hấu, thanh long lúc đó chỉ vài nghìn đồng/kg, Lê Duy Toàn - Giám đốc Duy Anh Foods đã mua mấy trăm ký dưa hấu và thanh long "giải cứu" để làm nguyên liệu sản xuất bún dưa hấu và bánh tráng thanh long với một ý tưởng táo bạo: đem bún dưa hấu và bánh tráng thanh long ra thị trường thế giới với niềm tin rằng, có sản phẩm tốt, sáng tạo, an toàn và mức giá vừa phải sẽ nâng tầm nông sản Việt, thay vì xuất khẩu thô với mức giá thấp.

"Làm bún dưa hấu không đơn giản vì thịt dưa mềm, nhiều nước nhưng có quá nhiều hạt. Hạt dính là bún hư. Nhiều ngày liền tôi và anh em trong công ty ăn bún dưa hấu thay cơm để tìm ra công thức phù hợp nhất", anh Toàn chia sẻ.

Le-duy-anh-8751-1602577370.jpg

Hơn ba năm miệt mài nghiên cứu nhiều công thức mới cho các sản phẩm bún, mỳ, bánh tráng, giám đốc trẻ người gốc Củ Chi đã hái những quả ngọt đầu tiên khi bún dưa hấu cùng bánh tráng thanh long được thị trường khá yêu thích. Chỉ sau khoảng hai tuần ra mắt, hơn 50 tấn bún dưa hấu, bánh tráng thanh long đã được tiêu thụ. Tiếp theo đó, hàng nghìn tấn sản phẩm bún, mỳ, bánh tráng rau củ quả của Duy Anh được xuất khẩu sang 42 quốc gia trên thế giới. Tại những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản, Hàn Quốc và nhận được lời khen về độ ngon và tính thẩm mỹ của từng sản phẩm được đầu tư công phu.

Chia sẻ ước mơ đưa nông sản Việt ra thế giới, Toàn kể: "Những năm du học ở Mỹ, thấy sản phẩm bánh tráng  trên các kệ siêu thị toàn ghi xuất xứ Thái Lan, tìm hiểu thấy bánh tráng sản xuất tại Việt Nam nhưng đóng gói dán nhãn bao bì Thái Lan và xuất đi. Nghĩ đến ba mẹ cũng đang làm bánh tráng thủ công ở quê nhà, tôi nghĩ: "Tại sao không đem bánh tráng của ba mẹ ra Mỹ bán? Thế là tôi bắt tay làm. Và bắt đầu hành trình không hề dễ".

Để sản phẩm có mặt tại các siêu thị Mỹ, khó khăn chồng chất. Toàn nói: "Từ cách làm bánh tráng truyền thống cải tiến lên quy trình sản xuất công nghiệp xuất khẩu là cả một quá trình phải làm đi làm lại nhiều lần. Thành lập công ty năm 2010 nhưng đến năm 2013 mới xuất được lô hàng đầu tiên sang Nhật Bản, Mỹ". Chưa kể, làm hàng xuất khẩu rất khó vì phải đáp ứng yêu cầu chất lượng và các chỉ tiêu phải phù hợp với tiêu chuẩn của từng nước. Ví dụ bánh tráng xuất đi Nhật Bản, Hàn Quốc khác với Mỹ hoặc châu Âu nên phải làm đúng yêu cầu chất lượng và các chỉ tiêu khắt khe của từng nước và thị hiếu của khách hàng. Những lô hàng đầu tiên gửi đi Hàn Quốc, Nhật Bản do không hiểu được nhu cầu khách hàng nên tôi phải tiêu hủy cả một container hàng tại cảng vì nếu trả về Việt Nam phí vận chuyển còn tốn kém hơn". 

Sáng tạo nhiều dòng sản phẩm mang lại doanh thu ngày càng khả quan nhưng mỗi tháng, Toàn đặt mục tiêu phải "tự làm khó" mình bằng việc luôn tự làm mới những sản phẩm hoặc điều chỉnh sản phẩm từ việc "lắng nghe" phản hồi từ khách hàng.

Toàn nói: "Tôi đang tiếp tục thử nghiệm nhiều công thức mới kết hợp nông sản có vị thuốc nhằm giúp bún, mỳ, bánh tráng trở thành món ngon và tốt cho sức khỏe. Việt Nam có nhiều nông sản ngon, giá trị dinh dưỡng cao, cả các vị thuốc quý trong tự nhiên, nếu kết hợp hài hòa tạo ra nhiều sản phẩm nông sản có giá trị và tạo được thương hiệu cho Việt Nam".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người trẻ ra thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO