Lập đề án kinh doanh: Khả thi cao, thành công dễ

VÂN THẢO| 22/09/2016 04:51

Quá trình từ biến ý tưởng kinh doanh thành hiện thực đến phát triển dự án thành công vốn không đơn giản. Vì vậy, nhà khởi nghiệp cần biết tiên liệu mọi tình huống bằng việc xây dựng đề án kinh doanh có tính khả thi cao.

Lập đề án kinh doanh: Khả thi cao, thành công dễ

Đó là lời khuyên của các vị doanh nhân dành cho các thí sinh - những nhà khởi nghiệp trẻ tương lai tại cuộc thi Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2016 do Báo Doanh Nhân Sài Gòn sáng lập và tổ chức. Theo các doanh nhân, việc quá chú trọng đến vấn đề tài chính, bỏ qua những chi tiết thực tế khác dễ khiến đề án xa rời thực tế.

Tính khả thi phụ thuộc nhiều yếu tố

Để đề án mang tính khả thi, nhà khởi nghiệp cần quan tâm đến các yếu tố như định vị thương hiệu, thông điệp truyền thông, chiến lược phân phối, kế hoạch tài chính, kế hoạch nhân sự...

Ông Nguyễn Thanh Tân - Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn Phát triển kinh doanh Brainmark nhận định: "Kết quả tài chính thực chất chỉ là con số nằm trên giấy, là kỳ vọng của nhà đầu tư dành cho dự án. Do đó, chỉ số hiện giá thuần (NPR) hay tỷ suất sinh lời nội bộ (IRR) chưa đủ để khẳng định tính khả thi của một dự án".

Theo ông Tân, một trong những yếu tố quan trọng góp phần hiện thực hóa thành công một ý tưởng kinh doanh là quy trình sản xuất. Chẳng hạn, với những sản phẩm được sản xuất với tiêu chí "sạch" nhưng quy trình sản xuất không đáp ứng được các tiêu chuẩn của hệ thống HACCP trong an toàn vệ sinh thực phẩm thì cũng không được công nhận là "sạch" và không được cấp phép sản xuất.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong lĩnh vực thực phẩm, bà Lê Thị Thanh Lâm - Tổng giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn Food cho biết, tiêu chí "sạch" không chỉ xuất phát từ khâu tuyển chọn nguyên vật liệu, quá trình chế biến sản phẩm mà còn liên quan đến khâu bảo quản nguyên liệu, đóng gói thành phẩm. Ngoài ra, nhà khởi nghiệp nên lưu tâm đến thực trạng sao chép sản phẩm hiện nay.

"Tại thị trường Việt Nam, với ngành thực phẩm, chỉ cần 3 tháng sau khi ra mắt, sản phẩm đã có thể bị bắt chước. Do đó, trong quá trình phát triển sản phẩm, nhà khởi nghiệp cần tiếp tục đa dạng hóa để giữ vững thị phần và tăng khả năng nhận diện thương hiệu", bà Lâm chia sẻ.

Xác định đúng khách hàng mục tiêu

Có nhiều nguyên nhân khiến nhà khởi nghiệp xác định sai khách hàng mục tiêu ngay lúc đầu, và một trong số đó xuất phát từ tư duy "bán cái mình có” thay vì "bán thứ khách hàng cần".

Thực tế, việc cung cấp sản phẩm không đáp ứng nhu cầu thực sự của khách hàng dễ khiến nhà khởi nghiệp lựa chọn sai đối tượng khách hàng mục tiêu, từ đó xác định sai đối thủ cạnh tranh, kéo theo sai trong chiến lược truyền thông, kế hoạch bán hàng không hiệu quả và hoạch định sai kênh phân phối sản phẩm.

Bên cạnh đó, các nhà khởi nghiệp trẻ cũng cần thoát khỏi "tư duy sinh viên" nếu muốn hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh. Ông Hồ Thanh Tuấn - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Ngọc trai Hoàng Gia đánh giá, nhiều nhà khởi nghiệp trẻ chọn phân khúc khách hàng sinh viên chỉ vì đây là đối tượng dễ tiếp cận, khiến đề án kinh doanh thiếu tính khả thi, đồng thời bỏ qua các phân khúc khách hàng tiềm năng khác.

Có chiến lược bán hàng phù hợp

Theo ông Tuấn, việc tạo lợi thế cạnh tranh bằng chiến lược giá rẻ là sai lầm nhiều nhà kinh doanh mắc phải. Giá rẻ có thể khiến khách hàng nghi ngờ về chất lượng sản phẩm. "Bí quyết chiến thắng trên thương trường nằm ở khả năng bạn thuyết phục người tiêu dùng chi nhiều tiền hơn cho sản phẩm của bạn thay vì lựa chọn những sản phẩm tương tự có giá rẻ hơn trên thị trường. Đó cũng chính là mấu chốt giúp bạn thuyết phục nhà đầu tư thành công", ông Tuấn cho biết.

Bà Nhan Húc Quân - Tổng giám đốc Công ty TNHH Bao bì Newtoyo Việt Nam nhận xét, nhiều nhà khởi nghiệp ít chú trọng xây dựng chính sách chiết khấu dành cho các kênh phân phối (đại lý, siêu thị...).

Trên thực tế, tại siêu thị, những sản phẩm có tính chất luân chuyển chậm, như dược phẩm, thông thường sẽ phải chịu tỷ lệ chiết khấu cao (tối thiểu 30%), và thời gian thu tiền cũng chậm (90 - 120 ngày), điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến chi phí và mức lợi nhuận công ty đạt được.

Tóm lại, để một ý tưởng kinh doanh được triển khai thành công, nhà khởi nghiệp cần đầu tư kỹ ngay từ bước lập đề án kinh doanh, thậm chí thử nghiệm trước với quy mô nhỏ nhằm tích lũy kinh nghiệm trước khi mở rộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lập đề án kinh doanh: Khả thi cao, thành công dễ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO