Kêu gọi quỹ đầu tư: Cứ gõ, cửa sẽ mở

HOÀNG LÂM| 12/12/2013 09:05

Trong năm 2012 và nửa đầu năm 2013, ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam đã chứng kiến hơn 37 thương vụ đầu tư, mua bán và sáp nhập (M&A).

Kêu gọi quỹ đầu tư: Cứ gõ, cửa sẽ mở

Trong năm 2012 và nửa đầu năm 2013, ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam đã chứng kiến hơn 37 thương vụ đầu tư, mua bán và sáp nhập (M&A). Theo số liệu từ Học viện TOPICA, riêng trong 9 tháng đầu năm 2013 có 18 doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp được đầu tư thành công, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, việc gọi vốn đầu tư đang là cánh cửa mở rộng cho DN trong ngành công nghệ.

Đọc E-paper

Chuẩn bị từ đầu

>Khi nào quỹ đầu tư mới "đại chúng"?
>Các thương vụ hời của quỹ đầu tư
>
Quỹ đầu tư mạo hiểm chưa thể mạo hiểm
>Quỹ đầu tư tư nhân đang trở lại Việt Nam?

Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc BSSC, cho biết, những con số trên hoàn toàn không gây bất ngờ bởi tiềm năng của các DN đang ở giai đoạn khởi nghiệp trong ngành CNTT và nhu cầu bỏ vốn kiếm lời của các nhà, các quỹ đầu tư trong giai đoạn này đều cao.

Thương vụ đầu tư ấn tượng và được xem là mở màn cho xu hướng bỏ vốn vào các công ty CNTT trong năm 2013 là việc mua lại Công ty Vietnam Online Network (VON) của CareerBuilder, một trong hai tập đoàn lớn nhất nước Mỹ về nghề nghiệp và việc làm.

Gần 10 năm xây dựng để được lọt vào "mắt xanh" của một DN toàn cầu như CareerBuilder, tất nhiên, người khai sinh ra VON mất không ít công sức.

"Phải xác định ngay từ ban đầu chiến lược cho DN của mình và tuân thủ nghiêm ngặt chiến lược đó. Việc này sẽ giúp người điều hành biết được con đường mình phải đi. Ví dụ, nếu đã xác định là sẽ bán lại cho một nhà đầu tư (NĐT) nào đó, cách thức tổ chức DN sẽ phải bài bản để NĐT sau này có cái nhìn rõ ràng về từng bước phát triển cũng như tiềm năng của DN", ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc CareerBuilder Vietnam, chia sẻ. Chính con đường này đã giúp ông Hưng đi đến mức thỏa thuận cao hơn rất nhiều lần so với giá trị ban đầu của VON.

Không chỉ có VON, trước đó, thương vụ M&A đầu tiên phải kể đến của doanh nhân được xem là "chuyên gia khởi nghiệp" này là việc ông bán 50% cổ phần trong Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Huy Bảo trong năm 2012.

Hoạt động từ năm 1995, Huy Bảo chuyên cung cấp dịch vụ vệ sinh công nghiệp. Theo ông Hưng, dù tình hình kinh tế chung không thuận lợi nhưng ông chỉ mất khoảng nửa năm để kêu gọi đầu tư cho Huy Bảo.

Bí quyết của ông là: "Phải đặt mình vào vị trí người chủ đầu tư để biết họ cần gì, đòi hỏi gì khi mua một DN. Trả lời được những câu hỏi này bằng hành động cụ thể trong xây dựng DN thì cơ hội để có cái gật đầu của NĐT là trong tầm tay".

Yếu tố con người

Trên thực tế, hai yếu tố có thể thuyết phục NĐT bỏ vốn vào DN nhiều nhất chính là quy trình hoạt động và Ban điều hành DN. Anh Đoàn Thiên Phúc, đến từ Setech Việt, chia sẻ, giá trị cốt lõi của công ty công nghệ chính là ý tưởng, sản phẩm. Do vậy, nếu có thêm mô hình kinh doanh hoàn chỉnh thì sẽ thuyết phục được NĐT.

"Chính yếu nhất là yếu tố con người, đó mới là linh hồn của DN, là yếu tố làm nên giá trị của công ty", anh khẳng định. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hưng cũng cho rằng, trong mắt NĐT, sản phẩm hay ý tưởng tốt, nhiệt huyết..., tất cả đều đứng sau nhân cách.

Bởi, chuyện đầu tư cũng giống như cuộc sống vợ chồng, sẽ có lúc trắc trở. Do đó, thái độ ứng xử giữa người khai sinh DN và NĐT là yếu tố rất quan trọng.

Không chỉ xét yếu tố con người ở phía DN, ở chiều ngược lại, cũng cần phải xét yếu tố này ở chính NĐT. "Thông qua website của đơn vị đầu tư hoặc các thông tin liên quan đến đơn vị ấy trên những phương tiện thông tin đại chúng, có thể hiểu phần nào về con đường cũng như phương thức hợp tác của họ”, ông Hưng tiết lộ.

Theo ông Hưng, DN nhỏ thì thường yếu thế. Do vậy, khi nhận được đề nghị đầu tư phải dành thời gian tìm hiểu, cụ thể như nhìn vào các DN mà NĐT đó đã bỏ vốn, đã hợp tác..., bởi điều họ làm trong quá khứ thì tương lai cũng vậy. Không chỉ vậy, DN nhận được đầu tư cũng nên đưa ra các thỏa thuận đầu tư rõ ràng từ ban đầu để tránh bị thua thiệt sau này.

"DN nhận đầu tư cần có sự cố vấn của luật sư, nếu quy mô quá nhỏ, không đủ chi phí thì nên kiếm người có kinh nghiệm để tìm hiểu", ông Hưng tư vấn. Tuy nhiên, DN cũng nên lưu ý tránh tâm lý dò hỏi, không chia sẻ hết các thông tin của mình với NĐT, bởi chỉ khi NĐT biết rõ ràng về DN thì mới quyết định được có đầu tư hay không.

Theo bà Hoàng Phi, trong tâm trạng yếu thế, hầu hết các ông chủ trẻ của những DN khởi nghiệp thường dễ dàng xao động và choáng ngợp trước những cơ hội mà NĐT mang lại, đây là một bất lợi. Trong điều kiện hiện nay, các NĐT luôn có dư tiền đổ vào tiếp sức cho các công ty nhỏ, có tiềm năng.

Do vậy, người sở hữu ý tưởng cũng nên quan tâm đến việc NĐT có phù hợp với DN mình hay không, phải biết sử dụng quyền đặt câu hỏi cho NĐT để đảm bảo quyền lợi của mình, để có thể trả lời câu hỏi NĐT có cùng cái nhìn với mình hay không.

"Những ông chủ trẻ trong ngành công nghệ chỉ cần dành thời gian cho phát triển sản phẩm, đừng quá lo không có NĐT, bởi đội ngũ này sẽ tìm tới khi nhìn thấy được khả năng kiếm lời từ DN ấy", ông Hưng khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kêu gọi quỹ đầu tư: Cứ gõ, cửa sẽ mở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO