Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia: 3 từ khóa mà hệ sinh thái cần thuộc nằm lòng lúc này là “đổi mới sáng tạo”, “mở” và “liên kết hợp tác” |
Cần có sự liên kết hợp tác giữa các thành phần trong hệ sinh thái
Theo ông Nam lúc này nhu cầu về ĐMST, sự đồng lòng, quyết tâm và tập trung nguồn lực nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn trong toàn hệ sinh thái rất cấp thiết. Cụ thể, các thành phần trong hệ sinh thái nên liên kết hợp tác và ứng dụng khoa học và công nghệ để đổi mới không chỉ về phương thức, công cụ phát triển, mà còn cần tư duy và triết lý mới để phát triển trong tình hình dịch bệnh bành trướng.
Để làm được điều đó, hệ sinh thái phát triển một không gian ĐMST mở để doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp có thể cùng tương tác theo định hướng này.
Thông tin được ông Nam đưa ra tại Lễ khởi động Dự án Phát hành Báo cáo “Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021” diễn ra hôm 31/8, do Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP xây dựng và phát hành, dưới sự bảo trợ của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC) thuộc Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Việt Nam nằm trong top 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất Đông Nam Á
Năm 2020, có khoảng 3.000 công ty khởi nghiệp tại Việt Nam trong gần 135.000 DN đăng ký thành lập mới, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê. Các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam nằm trong top 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất Đông Nam Á, minh chứng cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đầy sức hút và phát triển.
Thông tin từ dự án cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đang thu hút nhiều nguồn lực trong và ngoài nước. Tuy nhiên để giữ được tiềm năng này cho đến sau đại dịch, điều quan trọng nhất là phải định hướng hệ sinh thái chia sẻ cùng tầm nhìn và mục tiêu trong ĐMST, theo Giáo sư John Kojiro Moriwaka - Tổng Giám đốc Silicon Valley Ventures, Giám đốc điều hành Startup Grind Fukuoka.
Dự kiến, báo cáo "Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021" sẽ được phát hành vào cuối năm 2021 |
Cụ thể DN khởi nghiệp cần thông tin tầm nhìn và mục tiêu để đặt ra chiến lược và định hướng cho mình. Bà Nguyễn Hương Quỳnh - CEO của Nền tảng kết nối ĐMST BambuUP chia sẻ, thống kê từ dự án cho thấy DN khởi nghiệp cần thông tin về xu hướng khởi nghiệp, bản đồ khởi nghiệp toàn diện theo lĩnh vực và từng tỉnh thành, hệ thống các nhân tố chính hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và thông tin liên kết với các nước trong khu vực...
Chia sẻ tầm nhìn và mục tiêu còn có nghĩa là DN lớn trao cơ hội thử sức cho DN khởi nghiệp giải những bài toán lớn. Bên cạnh đó, Chính phủ, các quỹ đầu tư và các DN trong hệ sinh thái cùng hỗ trợ tài chính đúng thời điểm cho các DN đang gặp khó khăn thì sẽ là động lực phát triển cho nền kinh tế trong thời điểm này, theo bà Quỳnh.
Hiện nay, cả khu vực nhà nước và tư nhân đều đang áp dụng ĐMST mở. Nhờ không gian ĐMST mở này mà các DN khởi nghiệp có thể tiếp cận ý tưởng và tài nguyên trong hệ sinh thái để cùng phát triển các giải pháp khả thi trong một khung thời gian ngắn, theo bà Michelle Ng - Chuyên gia đầu tư cấp cao, Quest Ventures, Singapore.
Các quốc gia như Việt Nam nằm ở vị trí giao thương của các nền kinh tế tăng trưởng trên thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, Đông Nam Á nên càng cần thúc đẩy sự phát triển của ĐMST mở để hoạt động tốt, bất chấp đại dịch.
Báo cáo dự kiến được phát hành vào tháng 12/2021 dưới hai hình thức là bản in và bản mềm. Báo cáo cũng sẽ được gửi tặng đến các lãnh đạo cấp cao của các DN và tiếp cận đến các nhà đầu tư nước ngoài thông qua mạng lưới đối tác toàn cầu của BambuUp.