![]() |
Giúp người nông dân trồng sen có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, đồng thời quảng bá đặc sản nổi tiếng tại Đồng Tháp là mong muốn của hai sinh viên Đại học Đồng Tháp Trương Minh Nhân và Nguyễn Minh Toàn khi bắt tay thực hiện dự án Sữa sen 66. Dự án đã đạt giải ba Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2015 do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức.
Minh Nhân chia sẻ, với khả năng sinh trưởng mạnh mẽ, ít sâu bệnh và tốn ít chi phí chăm sóc hơn so với cây lúa, sen đang dần trở thành cây trồng mang lại thu nhập cao cho nhiều bà con nông dân tại Đồng Tháp. Tuy nhiên, việc trồng sen ồ ạt tại địa phương và một số tỉnh lân cận khiến sen dễ rớt giá, đặc biệt vào mùa thu hoạch, do đó, việc kinh doanh sản phẩm sữa được chế biến từ hạt sen sẽ giúp giải quyết đầu ra cho các hộ nông dân tại đây.
Với giá bán dao động từ 12 - 14 ngàn đồng/chai 350ml, Minh Nhân cho hay sản phẩm sẽ gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh về giá nếu bán trên thị trường bình dân, nên bằng việc hướng đến khách hàng mục tiêu là khách du lịch, đồng thời xác định thị trường trọng tâm là các khu du lịch tại tỉnh Đồng Tháp, Nhân tự tin Sữa sen 66 sẽ đến tay nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước nhờ vào khai thác thế mạnh du lịch đang ngày càng phát triển tại địa phương.
Tuy nhiên, sau khi tham gia GTTNLVC 2015 và nhận được những lời tư vấn quý báu của giám khảo, Nhân cùng thành viên nhóm nhận ra vấn đề cần chú trọng nhất trong dự án chính là dây chuyền sản xuất sữa sen.
Nhân nhớ lại lời khuyên của các vị doanh nhân: "Ngoài quan tâm tới việc đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thì cần đổi mới dây chuyền sản xuất so với dây chuyền sản xuất truyền thống. Bởi, nếu sản xuất loại sản phẩm đông lạnh thì cần kéo dài thời gian bảo quản lạnh để giữ được chất lượng sản phẩm trước khi chúng tới tay người tiêu dùng".
Bên cạnh đó, trước tình hình sản phẩm cùng loại với Sữa sen 66 đang bắt đầu hạ giá bán trên thị trường, nhóm quyết định chọn hướng đi khác là sản xuất loại sản phẩm đóng chai có thể bảo quản được trong 3 - 4 tháng (sản phẩm truyền thống như hiện nay dù giữ lạnh cũng chỉ được 15 - 20 ngày).
Dự kiến khởi động vào tháng 7/2016 với số vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng, trong đó riêng dây chuyền sản xuất được nhập khẩu từ nước ngoài trị giá khoảng 500 triệu, Minh Nhân cho biết, thời gian đầu nhóm sẽ tiến hành công tác quảng bá rộng rãi tới các khu du lịch, đồng thời tiếp tục kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư. Hiện, dự án đã huy động được 40% vốn và đang hoàn tất giai đoạn chuẩn bị máy móc, đầu tư cơ sở hạ tầng và nhân lực.