Vào thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump có biểu hiện "đóng cửa", chống toàn cầu hóa, Trung Quốc lại đẩy mạnh giấc mơ bá chủ toàn cầu qua dự án "một vành đai, một con đường".
Đầu tuần trước, Trung Quốc đã triển khai binh lính tới Djibouti, trong một động thái mà tờ Hoàn Cầu Thời báo ca ngợi về tầm nhìn chiến lược nhưng khẳng định "không phải tìm cách kiểm soát thế giới". Nhưng dẫu sao, cảm giác chung về việc Trung Quốc đặt tầm ảnh hưởng sâu rộng trong các cuộc chơi toàn cầu vẫn hiển hiện. Djibouti có thể là khu vực ít người để ý, nhưng châu Âu lại là chuyện khác.
Đổ tiền vào châu Âu
Tại Serbia, đất nước được xem đang gặp khó khăn kinh tế bậc nhất châu Âu, ông Ivan Mrkic đang thu dọn đồ đạc để chuẩn bị làm một chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc. Người đàn ông 64 tuổi này - một cựu ngoại trưởng, cùng với cựu Tổng thống Tomislav Nikolic - người vừa thôi nhiệm năm nay, sẽ xây dựng một văn phòng đặc biệt để "đảm bảo mọi thứ hoạt động êm ái".
Hãng tin Bloomberg đã mượn trường hợp của ông Mrkic để diễn tả sự thay đổi lớn lao nhưng ít được chú ý tại Serbia, mà mở rộng ra là cả khu vực Trung và Đông Âu, nơi nhiều nước đang hy vọng vào nguồn đầu tư từ người Trung Quốc. Trước đây, những nhà máy thép và xe hơi của Mỹ đã từng giữ vai trò này.
Từ Ba Lan tại khu vực Biển Baltic cho tới Slovakia, Hungaria và Bulgaria, chính phủ các nước đang mời chào Trung Quốc đầu tư, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện chiều hướng rút lui khỏi những nỗ lực lãnh đạo toàn cầu. Ngược lại, Trung Quốc đang xúc tiến mạnh mẽ điều đó, đơn cử là cam kết về thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris và sáng kiến Một vành đai, Một con đường mà Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra từ năm 2013.
Sáng kiến trên gồm hai con đường, một là đường thủy, hai là tuyến đường bộ đi xuyên qua châu Âu (còn gọi là Con đường tơ lụa trên đất liền, lấy cảm hứng từ con đường tơ lụa trong lịch sử). "Một vành đai, Một con đường" liên quan tới 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, ảnh hưởng tới 60% dân số toàn cầu, 30% GDP toàn cầu và 75% nguồn năng lượng.
Tại châu Âu, 16 quốc gia Trung và Đông Âu với hơn 110 triệu người tiêu dùng. Có 11 nước đã là thành viên của Liên minh châu Âu (EU), và tất cả, gồm Serbia, đang đấu tranh để vào EU.
Nói cách khác, khu vực này là cánh cổng để Trung Quốc chinh phục châu Âu. Bắc Kinh hồi tháng 11 năm ngoái đã cam kết rót 11 tỷ USD vào đây. Đổi lại, các nước Trung và Đông Âu, bất chấp có phản đối từ trong nước, thể hiện thái độ mời chào. Nói như Julius Beluscak, người đứng đầu một ngôi làng tên Velka Ida ở Slovakia - nơi Mỹ đã đầu tư nhà máy thép 17 năm nay, thì ông hy vọng người Trung Quốc sẽ giúp đỡ người dân tại đây, và đưa lại giải pháp công nghiệp xanh, sạch hơn.
>>Trung Quốc và tham vọng "một vành đai, một con đường"
Thời cơ và thách thức
Nước đi của Trung Quốc đang được đánh giá hợp lý về tính thời điểm, khi cả châu Âu đang trải qua giai đoạn khó khăn. Đặc biệt, khối 28 nước EU cũng bị chia rẽ nội bộ vì nhiều lý do: Đối tác Mỹ dưới thời ông Trump không cam kết hội nhập; vấn đề Nga; cuộc xung đột Syria dẫn theo làn sóng người tị nạn/nhập cư, và kéo theo tình hình khủng bố tràn lan...
Trong số những nước mà Trung Quốc đang đặt nền tảng để cạnh tranh sức ảnh hưởng với Mỹ tại châu Âu nêu trên, một số thành viên EU cũng không hài lòng với cách vận hành của khối này. Lấy ví dụ Ba Lan kể từ năm 2015 tới nay bắt đầu va chạm với Đức trong quan điểm phát triển.
Đảng cầm quyền Pháp luật và Công lý (PiS) ở nước này cho rằng EU đang chịu sự chi phối quá nhiều của Đức và một vài nền kinh tế mạnh khác, và thậm chí Warsaw còn đòi rời khỏi EU giống như trường hợp của Anh (Brexit). Tương tự, Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman cũng muốn xây dựng quan hệ với Nga và Trung Quốc thay vì EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Cờ trong tay, nhưng Trung Quốc liệu có thể hiện thực hóa ý định của mình? Điều này vẫn cần thời gian chứng minh.
Bloomberg dẫn ra số liệu cho thấy dù đã cam kết mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc vào khu vực Trung và Đông Âu vẫn còn nhợt nhạt so với Mỹ và EU. Trong khi đó, Trung Quốc chưa thực sự cho thấy khoản hứa hẹn 3,6 tỷ USD như cam kết năm 2016 đáp ứng kỳ vọng của ông Zeman. Đó là còn chưa kể những vấn đề về bảo hộ và minh bạch mà Trung Quốc vẫn bị chỉ trích lâu nay.
Và theo như Kerry Brown, người từng là thư ký tại Đại sứ quán Anh ở Bắc Kinh, thì việc các nước châu Âu "xa lánh các đồng minh láng giềng bằng cách thân với Trung Quốc có thể không phải là giải pháp xứng đáng".