Giá thịt heo lại tăng cao, trái với những công bố của Cục chăn nuôi. |
Mới đây trả lời báo chí, ông Nguyễn Xuân Dương- Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết tình hình tái đàn heo của Việt Nam đang rất tốt. Do đó, đến cuối năm nay dù chưa đạt được số lượng như trước khi xảy ra dịch bệnh nhưng nguồn cung lớn sẽ kéo giá heo xuống dưới 70.000 đồng/kg. Cụ thể, đến cuối tháng 7-2020, tổng đàn heo của cả nước đạt khoảng 25,18 triệu con, tương đương 81,9% so với tổng đàn heo trước khi có bệnh dịch tả heo châu Phi (trên 31 triệu con vào 31-12-2018). So với đầu năm 2020, tình hình tái đàn đến đầu tháng 7/2020 đạt 111,6%.
Tuy nhiên, thực tế chăn nuôi không như báo cáo của Cục. Dịch tả heo châu Phi (ASF) vẫn tiếp tục nổ ra, lan rộng nhiều tỉnh thành, tỷ lệ heo chết cao khiến số lượng ra thị trường đang có dấu hiệu giảm mạnh. Đây là nguyên nhân giá heo đang tăng trở lại, từ mức dưới 80.000 đồng/kg trong suốt tháng 8 và 2 tuần đầu tháng 9, nay đã lên 80.000 đồng. Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng nhận định dù việc tái đàn heo của Việt Nam có sự tăng trưởng nhưng không bền vững và giá heo hơi sẽ vẫn ở mức cao trong khoảng thời gian dài nữa.
Trước thông tin không sát với diễn biến thị trường của Cục Chăn nuôi, nên khắp các diễn đàn chăn nuôi đang nổ ra tranh luận. Đa số đều mất niềm tin về báo cáo của Cục. Họ cho rằng Cục chưa nắm sát tình hình chăn nuôi heo, không có số liệu chính xác tổng đàn, từ đó đưa ra các thông tin sai lệch, không định hướng được thị trường, định hướng cho nông dân an tâm sản xuất. Nhiều ý kiến còn tỏ ra cực đoan, nói: “Từ nay bà con nông dân nên suy đoán ngược lại những thông tin mà cơ quan này đưa ra. Nghĩa là nếu Cục nói sắp tới sản lượng heo sẽ đủ, giá giảm thì chắc chắn thị trường sẽ thiếu và giá sẽ tăng.
Cũng liên quan đến niềm tin, cách nay hơn tuần, lần đầu tiên khái niệm hỗ trợ niềm tin cho doanh nghiệp, chứ không phải chính sách, vốn…trong cuộc khủng hoảng Covid-19 được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính nhắc tới.
Trong cuộc khảo sát lần 3 do Ban IV thực hiện với gần 400 doanh nghiệp và 15 hiệp hội về tác động bùng phát dịch Covid-19 lần 2, một trong những vấn đề được Ban đề cập đầu tiên trong báo cáo gửi Chính phủ, đó là sự suy giảm niềm tin của doanh nghiệp và hiệp hội về hiệu quả của gói hỗ trợ trước đây. Theo Ban IV, trong cuộc khảo sát, đa số doanh nghiệp cho biết, họ rất khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ do nhiều điều kiện chưa hợp lý, thiếu thực tiễn, quy trình thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian chờ đợt các cấp hướng dẫn. Từ đó, họ không còn hào hứng đưa ra các giải pháp, kiến nghị, đặc biệt một số Hiệp hội còn bày tỏ sự thất vọng “vì kiến nghị nhiều lần nhưng gần như không có sự thay đổi”.
Ban IV đánh giá: “Đây cũng là một phần hệ lụy của việc nhiều doanh nghiệp hiện đang chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch, đứng trước áp lực về dòng tiền, về sự bất định của tương lai khiến góc nhìn của doanh nghiệp có xu hướng trở nên tiêu cực hơn”. Và nếu có gói thứ 2, cần phải hướng tới củng cố niềm tin và tạo độc lực cho doanh nghiệp.
Trở lại với thực tiễn, như gói hỗ trợ tín dụng. Hiện, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đang ở mức dồi dào chưa từng có, song nghịch lý ngân hàng "thừa tiền" nhưng doanh nghiệp thì “khát vốn” vẫn cứ diễn ra.
Thời gian qua, không chỉ Ban IV mà nhiều hiệp hội, ban ngành, trong đó có các cuộc khảo sát tới hàng ngàn doanh nghiệp của VCCI, đều cho thấy có rất ít doanh nghiệp tiếp cận được gói vay hỗ trợ lãi suất thấp. Trong đó, gói vay lãi suất 0% trả lương nhân viên hầu như không đơn vị nào tiếp cận được. Đây là một trong những hạn chế lớn nhất của các chính sách dành cho doanh nghiệp mà Chính phủ đã đề ra ngay từ ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát. Cũng là nguyên nhân làm suy giảm lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp.
Vẫn biết, tình hình thị trường đang gặp rất nhiều khó khăn, doanh nghiệp hiện tại đang suy yếu nghiêm trọng nên mức độ kinh doanh có rủi ro cao hơn. Ngân hàng phải cân nhắc khi cho vay. Tuy nhiên, ngân hàng phải vì lợi ích chung, đánh giá chính xác các lĩnh vực theo chốt, có triển vọng cho nền kinh tế (như sản xuất, xuất khẩu nông thủy sản) để có chính sách cơ cấu lại công nợ, khoanh nợ, tiếp tục cho vay mới. Hoặc doanh nghiệp từng đóng thuế tốt, sử dụng lao động nhiều, sản xuất sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nay trong khó khăn, phải giúp họ trụ vững bằng chính sách vay không lãi để trả lương hay tái cấu trúc. Doanh nghiệp nhỏ không có tài sản nhưng có dự án tốt nên cho vay mà không đòi hỏi tài sản thế chấp hay doanh thu.
Ngoài chính sách vay, thời gian qua, chúng ta cũng loay hoay với chính sách giảm phí, thuế. Riêng chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30%, đã không tác dụng vì đa số đều lợi nhuận âm thì làm gì có chuyện đóng thuế. Nếu có hưởng thì chỉ tập trung vào những doanh nghiệp lớn. Do đó, Chính phủ nên bơm tiền trực tiếp cho doanh nghiệp hoặc cho vay lãi suất 0% để trả lương nhân viên, hoặc bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ vay là giải pháp phù hợp nhất trong lúc này.