Trong cuộc chiến tranh Boer năm 1899 tại Nam Phi, mặc dù quân đội Anh liên tục thất bại, nhưng Nữ hoàng Anh Victoria vẫn không hề nao núng. Bà nói một câu rằng: “Chúng ta không quan tâm đến những khả năng thất bại, vì chúng không hề tồn tại”. Thế nhưng, đối với những ông chủ doanh nghiệp đã xây dựng lên các đế chế khổng lồ như ông trùm truyền thông Rupert Murdoch, thất bại là chuyện thường tình.
Ông Rupert Murdoch, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn News Corp. |
Ngày 5/8 vừa qua, Murdoch, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn News Corp, đồng thời là Tổng Giám đốc 21st Century Fox (thuộc News Corp.), đã tuyên bố từ bỏ thương vụ mua lại Time Warner do 21st Century Fox thực hiện. Thương vụ này trị giá ít nhất 70 tỉ USD nhằm tạo ra một trong những tập đoàn lớn nhất trong ngành truyền thông. Vài giờ sau đó, Softbank, một tập đoàn Nhật hiện sở hữu hãng viễn thông Mỹ Sprint, đã từ bỏ thương vụ giành quyền kiểm soát T-Mobile US, một hãng viễn thông khác tại Mỹ có giá trị doanh nghiệp hơn 30 tỉ USD.
Không chỉ vậy, năm nay, đã có 2 thương vụ thâu tóm lớn khác bất thành. Đó là việc tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer từ bỏ thương vụ mua lại hãng đối thủ AstraZeneca với giá 125 tỉ USD và thương vụ thất bại giữa Publicis với Omnicom nhằm tạo ra tập đoàn quảng cáo lớn nhất thế giới.
Tính tổng cộng, các thương vụ mua lại bất thành từ đầu năm đến nay trị giá lên tới 390 tỉ USD. Thông thường, có 10-20% các cuộc “dạm hỏi” chưa gì đã chia tay trong nước mắt và năm nay cũng không ngoại lệ. Đó là bởi vì các ông chủ doanh nghiệp khi ra giá mua lại đã đi sai nước cờ. Thứ nhất, họ đưa ra kế hoạch sáp nhập khiến các cơ quan quản lý khó chịu. Chẳng hạn, mặc dù Masayoshi Son, nhà sáng lập Softbank, là một nhân vật có tiếng tăm và đầy sức hút nhưng các cơ quan điều hành Mỹ lại chẳng mấy ấn tượng với kế hoạch của ông trong việc giảm số công ty viễn thông di động lớn từ 4 xuống còn 3.
Các thương vụ M&A bất thành trên toàn cầu đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay |
Thứ hai, kế hoạch thâu tóm mà các ông chủ doanh nghiệp đưa ra lại thử thách giới hạn bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp và lòng kiên nhẫn của nhà đầu tư. Như Rupert Murdoch, chẳng hạn, đã ra giá thâu tóm Time Warner cao hơn giá thị trường khoảng 20 tỉ USD. Con số này cao hơn nhiều so với khoản tiền tiết kiệm được ước tính sau khi 2 công ty sáp nhập. Đây chính là lý do khiến giá cổ phiếu của 21st Century Fox luôn trên đà giảm kể từ khi Murdoch cho biết ý định mua lại Time Warner, từ đó làm giảm giá trị số cổ phiếu được dùng để thanh toán cho Time Warner trong thương vụ mua lại (Murdoch ra giá mua lại Time Warner bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu).
Xưa nay, khi một thương vụ thất bại, ai cũng giả vờ như mọi thứ vẫn y như cũ. Bằng chứng là sau khi từ bỏ thương vụ Time Warner, Murdoch đã tuyên bố rằng “tương lai của 21st Century Fox chưa bao giờ xán lạn hơn như lúc này”. Còn Masayoshi Son thì nói “Chúng tôi sẽ tập trung vào việc đưa Sprint trở thành nhà khai thác dịch vụ viễn thông thành công nhất”.
Trên thực tế, các giao dịch thất bại thường để lại những hậu quả lâu dài cho cả công ty đi thâu tóm lẫn công ty mục tiêu. Các công ty mục tiêu thường phản lại đòn thâu tóm từ bên “đi săn” bằng cách hứa hẹn với cổ đông rằng công ty đang có triển vọng tăng trưởng cao.
Trước mắt, để lấy lòng cổ đông, một cách mà lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện là mua lại cổ phiếu quỹ, để từ đó đẩy tăng giá cổ phiếu. Có thể thấy, cổ phiếu của Time Warner đã giảm 13% vào ngày mà Murdoch tuyên bố rút khỏi thương vụ. Công ty này dự kiến sẽ mua lại 5 tỉ USD cổ phiếu quỹ, tương đương 8% lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Trong khi đó, đối với những công ty đi thâu tóm thất bại, họ lại có thể cảm thấy như mình đã né được một kết cục tồi tệ về sau. Nếu ngân hàng Anh Barclays thành công trong việc mua lại đối thủ Hà Lan ABN AMRO vào năm 2007 với giá 92 tỉ USD thì ngày nay nó có thể đã rơi vào thảm cảnh.
Royal Bank of Scotland, kẻ chiến thắng trong cuộc tranh giành ABN AMRO, thì cuối cùng lại bị quốc hữu hóa (tính đến tháng 9/2013, Chính phủ Anh đã nắm giữ 81% cổ phần trong Royal Bank of Scotland thông qua UK Financial Investments).
Thế nhưng, một thương vụ thâu tóm lớn mà bị thất bại thường làm tổn hại đến uy tín của những nhà điều hành đứng ra dàn xếp thương vụ cũng như sự xuyên xuốt, chặt chẽ trong chiến lược của công ty đi thâu tóm. Như Jack Welch, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc của General Electric (Mỹ) đã tự làm giảm uy tín của mình khi thất bại trong việc mua lại đối thủ Honeywell - một nỗ lực sau cùng nhằm đánh bóng hình ảnh trước khi ông về hưu vào năm 2001. Ông thất bại là vì các cơ quan quản lý châu Âu đã không thông qua thương vụ.
Marius Kloppers, một ngôi sao trẻ đã trở thành Tổng Giám đốc của tập đoàn khai thác mỏ lớn nhất thế giới BHP Billiton vào năm 2007, cũng tự đào mồ chôn mình sau khi thất bại trong việc mua lại đối thủ Rio Tinto với giá 115 tỉ USD vào năm 2008, rồi sau đó là Potash Corp, một công ty không tiếng tăm ở Saskatchewan (Canada) vào năm 2010 với giá “khó hiểu” lên tới 43 tỉ USD. Năm ngoái, Kloppers đã rời khỏi BHP.
Vậy phải làm gì để lấy lại hình ảnh đã mất? Cách duy nhất là phải cho thấy doanh nghiệp vẫn đang hoạt động rất tốt. Nếu lợi nhuận tăng lên, nhà đầu tư, nhân viên và cả khách hàng sẽ “tha thứ” mọi chuyện.
Vào năm 2010, tập đoàn bảo hiểm Anh Prudential PLC đã thất bại trong tủi nhục khi các cổ đông phản đối lại thương vụ thâu tóm AIA, một đối thủ có trụ sở đặt tại Hồng Kông, với giá 36 tỉ USD. Kể từ đó, Tidjane Thiam, ông chủ của Prudential, đã lấy lại danh tiếng cho mình bằng cách tăng gấp đôi lợi nhuận hoạt động của Công ty.
Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn như vậy. Một số ông chủ doanh nghiệp đã đứng ra đàm phán thương vụ trong thời gian gần đây sẽ rất khó khăn trong việc lấy lại danh tiếng cho mình, vì hoạt động kinh doanh của công ty họ đang trong tình cảnh không hề thuận lợi.
Pfizer chẳng hạn đã chứng kiến lợi nhuận cơ bản trước thuế giảm tới 25% trong quý vừa qua. Còn bộ phận di động Mỹ của Softbank thì lại làm ăn thua lỗ vào năm ngoái và đang mất dần khách hàng. Publicis hôm tháng 7 vừa qua cũng cho biết lợi nhuận của Tập đoàn sẽ thấp hơn so với dự kiến. Ông chủ của tập đoàn này là Maurice Lévy thừa nhận đó là do họ “bị sao nhãng”.
Đối với các vị tổng giám đốc, điều hành hoạt động hằng ngày của doanh nghiệp là một công việc rất vất vả, không thể nào sánh được với sự hào nhoáng và tiếng vang lớn như khi họ tuyên bố thực hiện một vụ M&A khủng nào đó. Nhưng một khi họ đã thất bại trong M&A mà còn thất bại cả trong điều hành doanh nghiệp, chắc chắn cổ đông sẽ không hề vui vẻ chút nào.
>Rupert Murdoch và bài toán chọn người kế vị
>Rupert Murdoch lèo lái NewsCorp thoát hiểm thần kỳ
>Rupert Murdoch đâu đã hết thời!