Với mức tiêu thụ khoảng 3 triệu xe/năm, Việt Nam được đánh giá là một trong bốn thị trường xe máy lớn nhất thế giới. Những năm qua, Việt Nam đã từng bước hình thành "công xưởng xe máy" khi đưa một lượng xe không nhỏ tiêu thụ ở các nước. Chưa dừng lại ở những thành quả này, các nhà sản xuất còn muốn nhiều hơn thế...
Ra mắt Ban lãnh đạo Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam |
Ngày 19/2, năm "đại gia" xe máy gồm Honda, Yamaha, Piaggio, SYM và Suzuki đã chính thức thành lập Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM). Theo ông Masayuki Igarashi, Tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam, người được bầu làm Chủ tịch VAMM nhiệm kỳ 1 (2013 - 2015), mục tiêu của Hiệp hội là xây dựng một diễn đàn kết nối các doanh nghiệp (DN) sản xuất xe máy tại Việt Nam.
Thông qua diễn đàn này, các hội viên sẽ áp dụng những công nghệ tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo nên sản phẩm xe máy có chất lượng cao, an toàn, phù hợp với môi trường cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời, Hiệp hội cũng là cơ quan bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên theo quy định của pháp luật Việt Nam. Hơn nữa, ngành nghề nào cũng cần hiệp hội để cập nhật thông tin, thu thập dữ liệu.
Từ năm 2010, DN xe máy đã phải "tự thống kê” dữ liệu về các loại xe, doanh số bán hàng... Thế nên, việc thành lập VAMM sẽ giúp liên kết các thành viên để tạo ra sức mạnh lớn hơn cho ngành. Ngoài mục đích tạo ra một cổng thông tin, VAMM sẽ là sân chơi chung để các thành viên trao đổi thông tin, quan điểm giữa các thành viên và các hiệp hội xe máy trên thế giới nhằm huy động nỗ lực chung để góp phần phát triển lành mạnh ngành công nghiệp xe máy và phụ tùng xe máy Việt Nam phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
Việc thành lập VAMM thời điểm này được xem là khá hợp lý đối với các hãng xe. Bởi hai năm liên tiếp (2012 và 2013), thị trường xe máy sụt giảm mạnh về số lượng tiêu thụ. Nếu như năm 2011 có khoảng 3,3 triệu xe máy được bán ra thì con số này trong năm 2012 là 3,11 triệu, và năm 2013 chỉ còn 2,8 triệu xe.
Hiện tại, nhiều nhà máy chưa chạy hết công suất, thậm chí có nhà máy chạy chưa đến 50% công suất thiết kế. Ngay như DN đứng đầu thị trường là Honda cũng đã phải cắt giảm 500 lao động vì lượng xe tiêu thụ sụt giảm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường xe máy Việt Nam đang bước vào ngưỡng bão hòa. Theo kế hoạch phát triển giao thông đường bộ Việt Nam, xe máy sẽ bị khống chế ở mức 36 triệu chiếc vào năm 2020. Thế nhưng, tính đến quý I/2014 đã có 37 triệu xe máy đang lưu hành trong cả nước, vượt mức dự báo của ngành.
Hiện, các biện pháp hạn chế xe máy tại các đô thị lớn đang được các cơ quan chức năng xem xét. "Nếu các biện pháp này được thực hiện, DN sẽ không thể phát triển những mẫu xe toàn cầu với công nghệ hiện đại mà chỉ có thể tập trung vào sản xuất xe cho vùng nông thôn", Chủ tịch VAMM cho biết.
Phải công nhận ngành xe máy đã đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước. Chỉ với 5 DN là thành viên sáng lập VAMM đã đóng góp 3,5% tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam. Thống kê của VAMM cho thấy, 5 thành viên này có sản lượng tiêu thụ chiếm đến 95% thị trường, và riêng trong năm 2013 đã bán ra 4.489.200 xe tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Trong đó, Honda Việt Nam tiêu thụ được 1.870.000 xe, Piaggio Việt Nam: 56.300 xe, Suzuki Việt Nam: 50.500 xe, SYM Việt Nam: 82.000 xe và Yamaha Việt Nam: 731.200 xe. Sự ra đời của VAMM cũng là một bước đi đúng đắn của các nhà sản xuất xe máy Việt Nam trong việc góp phần vào sự phát triển của nền công nghiệp xe máy, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường xe máy Việt Nam đã trở thành một thị trường phát triển với vị trí thứ 4 trên toàn thế giới về sản lượng xe mỗi năm (chỉ sau Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia).