Khai thác Fintech - Làm sao?

Minh Hào| 01/11/2019 07:00

Một trong những ngành ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ trên thế giới và tại Việt Nam là ngành công nghệ tài chính (Fintech). Tuy nhiên, sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cùng các chính sách chưa hoàn thiện là trở ngại không nhỏ cho việc phát triển của ngành này.

Khai thác Fintech - Làm sao?

Tác động lớn

Ngành Fintech rất tiềm năng khi chỉ trong nửa đầu năm 2018 đã thu hút đến 57,9 tỷ USD vốn đầu tư. Các công ty hoạt động trong lĩnh vực này đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới và tại Việt Nam đã bắt đầu tạo cơ hội thay đổi các hoạt động dịch vụ tài chính, kế toán, nâng cao giá trị cho khách hàng.

Chia sẻ tại hội thảo “Đổi mới công nghệ tài chính, đột phá kỹ thuật số và nghề nghiệp kế toán” do Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) phối hợp với CLB Công nghệ tài chính ngân hàng Việt Nam (VietFintech Club) tổ chức mới đây, bà Kristin Gillon - Giám đốc Nghiên cứu Công nghệ toàn cầu của ICAEW cho biết, các công ty Fintech đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới dịch vụ tài chính với sự tác động lên các lĩnh vực ngân hàng số, thanh toán di động, bảo hiểm, tiền điện tử, robot tư vấn...

Hiện nay, lĩnh vực chịu sự tác động lớn nhất từ Fintech là tín dụng. Trí tuệ nhân tạo (AI) đã thay đổi hoạt động cho vay tín dụng đối với khách hàng và ngành ngân hàng bán lẻ, trong các công ty tài chính tiêu dùng cũng như các công ty Fintech liên quan đến lĩnh vực tín dụng. Với ứng dụng của AI và dữ liệu lớn, có nhiều khách hàng được hưởng lợi và trải nghiệm tín dụng tốt hơn với quy trình đơn giản, tự động hóa, cá nhân hóa và ngay tức thì. 

Theo các chuyên gia, AI hỗ trợ ngân hàng trong việc định hướng cho vay và mở rộng lượng khách hàng tiếp cận đến dịch vụ tài chính dựa trên xếp hạng điểm tín dụng. “Trước đây, khách hàng cần vài ngày để được phê duyệt một khoản vay tín dụng nhưng giờ đây, thông qua công nghệ của Trusting Social, khách hàng có thể vay được tiền và thời gian từ khi làm hồ sơ vay tới giải ngân chỉ khoảng 7 phút”, ông Nguyễn Hữu Quang - Giám đốc Trusting Social Việt Nam, một trong những công ty Fintech hàng đầu trong việc ứng dụng AI và dữ liệu lớn vào mô hình đánh giá rủi ro tín dụng chia sẻ. 

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Quang, không chỉ mang đến lợi ích cho khách hàng, AI còn là nguồn năng lượng mới cho các ngân hàng. Dựa vào các dữ liệu thu thập để đánh giá và phân tích hành vi người dùng, các ngân hàng và công ty tài chính có thể quản trị rủi ro tốt hơn, giảm tổn thất tín dụng khi cho vay cũng như hiểu và đưa ra gói vay phù hợp với từng nhóm đối tượng khách hàng.

Ở góc độ của ngành kế toán, với sự hỗ trợ của công nghệ, các kế toán viên sẽ giảm thời gian cho những công việc lặp đi lặp lại như ghi chép sổ kế toán, lưu trữ, báo cáo và đối chiếu. Nhờ đó, người làm kế toán có thể dành nhiều thời gian hơn cho những nhiệm vụ có giá trị cao như phân tích từ dữ liệu, tư vấn chiến lược cũng như các công việc đòi hỏi độ phức tạp và chuyên môn cao.

“Thái độ số”

Tác động tích cực của Fintech là không bàn cãi, tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ cũng mang lại những thách thức không nhỏ khi Việt Nam đối diện với sự thiếu hụt nhân sự có trình độ cao. Bởi, khi vai trò thay đổi, những nhân sự trong lĩnh vực này phải đột phá nhiều hơn. Chẳng hạn với ngành kế toán, để làm việc hiệu quả dưới sự hỗ trợ của công nghệ 4.0, các kế toán viên phải có hiểu biết về công nghệ. Bên cạnh đó, họ sẽ phải đảm nhiệm thêm vai trò cố vấn và hợp tác, vì thế, đòi hỏi phải nắm vững và luôn cập nhật kiến thức kinh doanh, thương mại, kỹ năng mềm và tư duy phản biện. Sự biến chuyển của công nghệ là không ngừng, nên nhân sự các ngành tài chính - kế toán phải có “thái độ số”, có khả năng thích ứng nhanh và sẵn sàng thay đổi. 

Theo bà Kristin Gillon, một nhân sự làm việc trong ngành Fintech cần sự pha trộn giữa sáng tạo đổi mới, công nghệ kỹ thuật và chuyên môn về tài chính. Tuy nhiên, hiện tại nguồn nhân lực được đào tạo tại Việt Nam khó có thể đáp ứng được trước sự phát triển nhanh chóng của Fintech. 

Cùng quan điểm này, bà Đặng Thị Mai Trang - Trưởng đại diện ICAEW tại Việt Nam cho rằng, thế giới đang chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và sự ảnh hưởng của công nghệ số đối với sự phát triển của từng nền kinh tế, từng DN cũng như từng bộ phận, cá nhân. Nếu nắm bắt được lợi thế và có sự chuẩn bị chu đáo trước sự thay đổi này thì sự phát triển cá nhân, DN, nền kinh tế sẽ có lợi thế lớn, ngược lại, nếu chưa chuẩn bị tốt thì sẽ dẫn đến sự tụt hậu, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.

Bên cạnh nguồn nhân lực thiếu hụt, các quy định, khuôn khổ pháp lý chưa được hoàn thiện cũng là một yếu tố thách thức trong việc đổi mới công nghệ tài chính của các DN Việt Nam. “Các cơ quan quản lý cần cân bằng giữa việc tạo một môi trường kinh doanh để các ý tưởng được thử nghiệm và tăng trưởng song song với việc quản lý để kiểm soát và giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư cũng như nền kinh tế”, bà Kristin Gillon chia sẻ.

Từ những yêu cầu đổi mới nguồn nhân lực kế toán kiểm toán, các ngành dịch vụ tài chính đặt ra trong những năm gần đây và cũng góp phần giúp DN hạn chế những thách thức đang gặp phải, nhiều năm nay, ICAEW đã tích hợp các nội dung về công nghệ thông tin, dữ liệu lớn vào chương trình đào tạo ICAEW CFAB và ICAEW ACA. Bên cạnh đó, ICAEW cũng phối hợp hỗ trợ các trường đại học đưa các nội dung này vào giảng dạy, giúp sinh viên tiệm cận nhiều hơn với kiến thức cập nhật nhất, mong muốn thế hệ tương lai có sự trang bị tốt nhất những kỹ năng cần có trong môi trường công nghệ số. “Từ năm 2015 đến nay, chúng tôi liên tục tổ chức các cuộc hội thảo chuyên môn và mời các chuyên gia đến Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm cho những người hành nghề trong lĩnh vực kế toán kiểm toán, các DN nhằm giúp họ có sự chuẩn bị tốt nhất trước những thay đổi này”, bà Đặng Thị Mai Trang cho biết. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khai thác Fintech - Làm sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO