Có những lý do để các hãng hàng không ngại ngần với kế hoạch bay thẳng Việt - Mỹ đó là bay thẳng phải có máy bay lớn, chở ít hơn (giảm lượng khách và lượng hàng hóa chuyên chở), từ đó giảm khả năng sinh lời. Vietnam Airlines từng chia sẻ nếu bay thẳng đến Mỹ, hãng sẽ lỗ từ 5-10 năm đầu tiên, mức lỗ có thể lên đến 30 triệu USD. Công nghệ, kỹ thuật cũng là các yếu tố ảnh hưởng đáng kể tới khả năng thương mại của đường bay này, xét theo các góc độ chi phí nhiên liệu và dòng máy bay sử dụng.Trước đây, một số hãng hàng không Mỹ đã phải dừng khai thác đường bay này.
Tuy nhiên khi bay quá cảnh thì tạo nhiều khó chịu cho hành khách. Từ những vấn đề thủ tục như visa, một số quốc gia có thể miễn visa quá cảnh nhưng cần theo một số điều kiện phụ, sau đó, một số trường hợp hành khách phải chuyển máy bay, chuyển hãng bay… phiền phức không sao kể xiết.
Ngày 1/8/2019, trong cuộc tọa đàm “Bay thẳng Việt - Mỹ: Sẵn sàng cho ngày cất cánh”, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của hãng hàng không Bamboo Airways đã rất quyết tâm khi tuyên bố về việc sẽ mở đường bay thẳng Việt - Mỹ.
Bamboo Airways sẽ là hãng hàng không đầu tiên mở đường bay thẳng tới Mỹ? |
Ông nói: “Singapore Airlines phải đi kiếm khách trên cả thế giới, có cả Việt Nam, trong khi số lượng người Việt Nam ở một tiểu bang của Mỹ như California đã bằng nửa dân số Singapore, không có lý do gì nói bay thẳng Việt - Mỹ không tiềm năng, không có khách hàng”.
Ông Trịnh Văn Quyết đưa ra bài toán về chi phí, giả sử thuê một tàu bay Boeing Dreamliner 787-9 với mức tương đương khoảng 23 tỷ đồng/tháng; tiền nhiên liệu bay hai chiều khoảng 61 tỷ/tháng; chi phí bảo dưỡng, kỹ thuật khoảng 16 tỷ; chi phí mặt đất khoảng 1 tỷ; chi phí khác khoảng 6 tỷ/tháng. Như vậy, tổng cộng chi khoảng 113 tỷ/tháng cho một tàu bay Boeing Dreamliner 787-9.
Nếu bán vé với giá 1.100 USD cho khoảng 240 ghế thì sẽ thu về số tiền ước tính khoảng 116 tỷ 300 triệu đồng, lỗ khoảng 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện các hãng hàng không bán vé từ 1.300-1.600 USD/vé khứ hồi Việt - Mỹ nên nếu bán vé với mức giá 1.300 USDthì số lãi ước tính đạt khoảng 8,4 tỷ.
“Nếu chúng tôi thuê Airbus 350 với số ghế nhiều hơn thì chúng tôi có thể có lãi đến hơn 28 tỷ đồng. Thậm chí, nếu chúng tôi giảm số chuyến bay, dồn khách hoặc qua một nước thứ ba để đón thêm khách thì hiệu quả kinh tế còn lớn hơn những gì tôi vừa tính toán. Và trong trường hợp chúng tôi có máy bay vào tháng 10/2019 như đã ký kết với Boeing, chúng tôi sẽ có lãi nhiều hơn”, ông Trịnh Văn Quyết khẳng định.
Ông Quyết tính cả đến trường hợp rủi ro là khách đi máy bay ít hơn 240 người, thì ông vẫn tự tin với “kế hoạch” của mình đó là thay vì bay 17 ngày/tháng hãng sẽ dồn khách giảm tần suất khai thác.
Trước thông tin mà ông Trịnh Văn Quyết đưa ra, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, ông đánh giá cao “cách tiếp cận thẳng thắn, đầy tinh thần khởi nghiệp của Bamboo Airways”, tin tưởng mặc dù trong những năm đầu, đường bay có thể chưa sinh lãi ngay, nhưng lợi ích về mặt tổng thể của Tập đoàn FLC là thành công. Tuy nhiên, thành công đến đâu còn phụ thuộc vào "bệ đỡ" của cả nền kinh tế.
Tháng 2/2019, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam chính thức trao chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) cho Cục Hàng không Việt Nam. Sự kiện quan trọng này chính thức mở ra cơ hội triển khai đường bay thẳng giữa hai nước, đồng thời tạo điều kiện cho hoạt động hợp tác liên danh với hãng hàng không Mỹ cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Võ Huy Cường - Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, việc khai thác, mở đường bay trực tiếp đến Mỹ sẽ tạo cho hàng không Việt Nam khẳng định thương hiệu tầm quốc tế, nâng vị thế cạnh tranh trên thị trường và đặc biệt đóng góp rất lớn trong nhiệm vụ chính trị, ngoại giao, tăng cường kết nối, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam với các cường quốc và các nước trên thế giới.
“Cùng với nỗ lực của các hãng hàng không trong nước, chúng tôi cũng có một niềm tin mãnh liệt rằng đường bay thẳng Việt - Mỹ sẽ sớm được mở và chính thức đưa vào khai thác trong một thời gian không xa. Đặc biệt, chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Bamboo Airways. Đề nghị Bamboo Airways sớm mở đường bay thẳng tới Mỹ, khẳng định định hướng ngay từ ban đầu của hãng trở thành hãng hàng không 5 sao, cung cấp dịch vụ hàng không cả trong nước lẫn quốc tế”, ông Cường phát biểu.
Phân tích về dung lượng khách cho đường bay, ông Andy J. Gayer - Trưởng đại diện Boeing tại Việt Nam so sánh thị trường ngày nay rất khác so với trước đây khi các hãng hàng không của Mỹ từng phải dừng khai thác đường bay này.
Phân tích cho thấy tại Đông Nam Á, thị trường cho đường bay Manila - Mỹ là lớn nhất, ước tính gần 700 khách/ngày, tiếp đến là thị trường cho đường bay TP.HCM và Los Angeles, ước tính 409 khách/ngày. Cả hai thị trường này đều rất lớn và chưa được khai thác. Còn thị trường cho San Francisco - TP.HCM là 273 khách/ngày.
TS. Lê Đình Tĩnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao - Học viện Ngoại giao thận trọng lưu ý 5 vấn đề cần giải quyết về việc mở đường bay thẳng sang Mỹ: Thứ nhất, vấn đề pháp lý, đối với nước Mỹ, vấn đề pháp lý chưa bao giờ đơn giản. Chúng ta phải đồng hành với các công ty luật của Mỹ để giải vấn đề này. Thứ hai, câu chuyện về an ninh. Thứ ba, bài toán kinh tế, bởi nhiều ẩn số như giá cả nguyên liệu, sân bay tắc nghẽn… chưa được tính đến. Thứ tư, vấn đề cạnh tranh với các hãng hàng không dịch vụ tốt khác. Cuối cùng là vấn đề nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực…
“Việt Nam có lẽ đã vượt qua giai đoạn giảm thiểu rủi ro và đã đến lúc chúng ta cần chấp nhận rủi ro trong một số trường hợp, bởi năng lực của chúng đã khác, nơi nào rủi ro cao thì cơ hội kinh doanh lại lớn”, ông Tĩnh kết luận.
Còn nhớ đến chuyện xây dựng đường dây 500kV cách đây 27 năm. Ngày đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: “Nếu đường dây 500kV mà thất bại thì tôi sẽ từ chức”. Nhưng rồi đường dây cao áp dài 1.500km với 3.000 cột trụ điện đã hoàn thành khi thi công chưa đến hai năm và chính thức đóng điện cách đây 25 năm.
Thành công nào cũng bắt đầu từ người mở đường!