"Ngôi nhà xưa" - vẫn là những nỗi "đau đời"

KHÁNH HÀ| 02/10/2012 06:11

Nếu ngôn ngữ điện ảnh là công cụ để đạo diễn Đặng Nhật Minh kể chuyện thì ngôn ngữ văn học là cách mà vị đạo diễn kì cựu này phác thảo nên những câu chuyện đó.

Nếu ngôn ngữ điện ảnh là công cụ để đạo diễn Đặng Nhật Minh kể chuyện thì ngôn ngữ văn học là cách mà vị đạo diễn kì cựu này phác thảo nên những câu chuyện đó.

Tập truyện Ngôi nhà xưa, với những “phôi thai” của Bao giờ cho đến tháng mười, Mùa ổi, Cô gái trên sông... giúp người đọc hiểu thêm về tác phẩm cũng như con người vị Nghệ sĩ nhân dân này.

Sinh năm 1938, tại Huế, đạo diễn Đặng Nhật Minh có thời gian dài học tập tại Trung Quốc và Nga nhưng những thước phim của ông về Việt Nam và đặc biệt là chiến tranh Việt Nam thì không thể lẫn vào đâu được.

Không biết, có phải vì chất liệu để làm phim của Đặng Nhật Minh khác hẳn các đạo diễn khác mà phim ông làm ra có được dấu ấn riêng như thế hay không. Nhưng, giá trị mà các tác phẩm văn học của ông là hoàn toàn được công nhận.

Ngôi nhà xưa
, tập truyện của đạo diễn Đặng Nhật Minh, vừa được NXB Trẻ ấn hành là một tập hợp những truyện ngắn được ông viết ra vào những thời kỳ khác nhau của các dự án điện ảnh mà ông theo đuổi.

Không phải truyện ngắn nào cũng được ông chuyển thể thành phim nhưng tác phẩm văn học của ông giàu hình ảnh đến mức, chưa từng xem phim, cũng có thể cảm nhận không gian lồng lộng của những mảnh ruộng miền Bắc, những vạt rừng thẫm màu của dãy Trường Sơn hay những vỉa hè chật hẹp của Thủ đô.

Bằng giọng văn mộc mạc, đạo diễn đưa người đọc cùng thời kỳ tìm về quá khứ và đưa người đọc trẻ đến với lịch sử. Từ Ngôi nhà xưa, Gặp gỡ ở rừng, Chuyện người lớn đến Nước mắt khô, Thị xã trong tầm tay... tất cả đều xảy ra trong không gian cũ, đầy hoài niệm nhưng lại hết sức thời sự.

Ừ thì xã hội thời nào chẳng có phụ rẫy nhau, chẳng có kẻ mạnh hiếp kẻ yếu, chẳng có bất công... Thế nên, chuyện của Đặng Nhật Minh áp vào bối cảnh hiện đại, người đọc không ngăn được nỗi đau: đau đời.

Chia sẻ với mọi người, đạo diễn Đặng Nhật Minh quan niệm, không có sự tách biệt giữa điện ảnh hay văn học. Mỗi truyện ngắn ông viết ra, ông xem đó là những bộ phim trên giấy.

Có lẽ, vì điều này mà độc giả được tận hưởng những trang viết giàu hình ảnh và sức gợi đến như vậy, từ Đặng Nhật Minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Ngôi nhà xưa" - vẫn là những nỗi "đau đời"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO