Việt Nam thuộc top 6 thế giới về gia công, xuất khẩu phần mềm

H.Thắng| 17/05/2023 01:18

Ngành công nghệ thông tin Việt Nam đang có tiềm năng lớn để phát triển. Việt Nam hiện giữ vị trí top 6 trên thế giới về gia công, xuất khẩu phần mềm.

Việt Nam thuộc top 6 thế giới về gia công, xuất khẩu phần mềm

Các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam đang phát triển mạnh về cả chất lẫn lượng. Trình độ công nghệ của lao động Việt Nam cũng được nâng cao rõ rệt, từ chỗ chỉ làm những công đoạn đơn giản như lập trình (coding), kiểm thử (testing)... tới nay các doanh nghiệp Việt Nam đã có thể tham gia vào các giai đoạn từ nghiên cứu, thiết kế tới triển khai các dự án chuyển đổi số, ứng dụng những công nghệ mới như Cloud, Big Data, AI, Blockchain, VR/XR.

Số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho biết, năm 2003 ngành phần mềm Việt Nam ở giai đoạn phát triển đầu tiên. Toàn ngành lúc đó chỉ có doanh thu 500 triệu USD với khoảng 5.000 nhân lực. Đến năm 2022, ngành phần mềm Việt Nam đạt doanh thu 148 tỷ USD với tổng nhân lực trên 1,2 triệu người, gấp hơn 300 lần về doanh thu và gấp 240 lần về quy mô nhân lực.

Sau 20 năm nỗ lực của các doanh nghiệp phần mềm, hiện Việt Nam đã có tên trong “bản đồ” gia công phần mềm của thế giới. Cụ thể, Việt Nam hiện giữ vị trí top 6 trên thế giới về gia công, xuất khẩu phần mềm. Ngành kinh tế số Việt Nam có thế mạnh rõ rệt với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao (74% vào năm 2020), môi trường kinh doanh thân thiện, cùng lợi thế về địa hình…

Theo đánh giá, giá trị của xuất khẩu phần mềm cao so với xuất khẩu các sản phẩm khác. Các sản phẩm thuộc nhóm hàng công nghiệp (ô tô, điện thoại, máy tính, may mặc, giày dép, túi xách, máy móc phụ tùng) có giá trị gia tăng thấp, trong khi đó giá trị gia tăng của dịch vụ phần mềm xuất khẩu rất cao, lên đến 84%, cao gấp gần 4 lần giá trị gia tăng của nhóm hàng sản xuất hàng công nghiệp.

Các chuyên gia phân tích, 1 tỷ USD xuất khẩu phần mềm tương đương với gần 4 tỷ USD xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp. Bởi làm dịch vụ phần mềm, không cần phải đầu tư dây chuyền sản xuất, không phải nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào. Đầu tư cho phần mềm rất ít, chỉ phải trả lương nhân viên và chi phí thuê văn phòng làm việc…

Theo số liệu từ Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), 92% doanh nghiệp công nghệ thông tin ở Việt Nam là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 0,3%, còn lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, 92% doanh nghiệp siêu nhỏ lại chỉ nắm 2,64% doanh thu toàn ngành công nghệ số, trong khi 0,3% doanh nghiệp lớn nắm đến 58,25% doanh thu toàn ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam thuộc top 6 thế giới về gia công, xuất khẩu phần mềm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO