Người Hong Kong thường kể vui với nhau rằng thành phố này được bảo vệ bởi một thế lực vô hình, giúp ngăn những cơn bão nhiệt đới khỏi đổ bộ vào thành phố trong những ngày họ đi làm. Và, nguồn gốc của thế lực siêu nhiên này, theo khẳng định của họ, chính là tỷ phú Lý Gia Thành. Thế nhưng, "quyền năng" của ông Lý cũng không phải điều gì đáng để vui mừng, bởi nó khiến cho người Hong Kong chẳng có ngày nào để nghỉ ngơi, kể cả trong mùa mưa bão.
Câu chuyện tếu trên cho thấy tầm ảnh hưởng cực lớn của ông Lý lên Hong Kong và nền kinh tế của nó. Đế chế kinh doanh của ông Lý có tác động đến nhiều mặt lên cuộc sống của trung tâm tài chính châu Á. Ông Lý đã xây dựng nên đế chế này từ một công ty bất động sản nhỏ, sau đó mở rộng sang các ngành bán lẻ, vận tải, viễn thông và năng lượng.
Tỷ phú Lý Gia Thành năm nay đã 89 tuổi và sẽ chuyển giao quyền điều hành đế chế kinh doanh toàn cầu cho con trai ông - Victor Li Tzar-kuoi - vào tháng sau. Ông Lý đã có tài sản khoảng 30 tỷ USD sau 78 năm sự nghiệp.
Việc ông nghỉ hưu đánh dấu một thời khắc quan trọng của Hong Kong, nó đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên Hong Kong bị thống trị bởi một số tài phiệt bất động sản dưới thời thuộc địa Anh cũ.
Link bài viết
Đế chế kinh doanh mà thế hệ tài phiệt trên xây dựng sẽ về tay của những người con trai hay cháu trai của họ. Điều này khiến người ta không khỏi đặt câu hỏi: Liệu họ có thể điều hành doanh nghiệp tốt như thế hệ sáng lập hay không?
“Việc ông Lý Gia Thành về hưu đánh dấu cho sự chấm hết của thời kỳ tài phiệt Hong Kong và đồng thời cũng mở ra một chương mới”, giáo sư khoa tài chính thuộc đại học Chinese University of Hong Kong - ông Joseph P.H. Fan - nhận xét.
Ông Lý là người đứng đầu một trong 4 gia đình quyền lực nhất Hong Kong. Ngoài ông, có thể kể đến ông Cheng Yu-tung của New World Development, ông Lee Shau-kee của Henderson Land Development và ông Kwok Tak-seng của Sun Hung Kai Properties. Họ đã cùng nhau góp phần thay đổi Hong Kong từ thập niên 1960 đến nay, giúp đưa một làng chài nhỏ thành một trong những nơi có thị trường nhà đất đắt đỏ nhất thế giới.
50 năm sau, tình hình đã thay đổi. Thế hệ tiếp theo tại Hong Kong đối diện với thách thức từ quá nhiều phía, trong đó phải kể đến rất nhiều đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc đại lục, các chính sách kiềm chế khủng hoảng nhà ở tại Hong Kong và những khó khăn khi tiếp quản công việc kinh doanh sau khi người sáng lập đã ra đi.
“Sức ảnh hưởng của thế hệ thứ hai và khả năng tạo ra lợi nhuận của họ sẽ rất khó để có thể tương đương với thế hệ thứ nhất. Chu trình kinh tế đã thay đổi, môi trường kinh doanh cũng khác”, ông Cusson Leung - Giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương của JPMorgan Hong Kong - nhấn mạnh.
Hong Kong của ngày này đã quá khác so với Hong Kong cách đây nửa thế kỷ, vì vậy thế hệ sau sẽ phải cố gắng rất nhiều để giữ được thành quả và phát triển những gì thế hệ đi trước đã làm - Ảnh: Reuters |
Câu chuyện thành công của những tỷ phú bất động sản thế hệ thứ nhất không thể có lại. Ông Fan chỉ ra thế hệ thứ hai cần phải tìm kiếm được con đường riêng của mình bởi những điều kiện thuận lợi mà thế hệ cha ông của họ được hưởng đã thay đổi chóng mặt.
Ông Fan phân tích ở thời kỳ thập niên 1960 và 1970, việc quá thiếu đất đai phát triển và việc người Trung Quốc đại lục đổ sang Hong Kong ồ ạt đã khiến tạo ra sự bùng nổ trên thị trường bất động sản Hong Kong.
4 tài phiệt nổi tiếng nhất Hong Kong khởi nghiệp trong 4 ngành khác nhau, ông Lý điều hành một nhà máy sản xuất hoa nhựa, ông Cheng làm trong một xưởng rèn, ông Kwok kinh doanh rau còn ông Lee làm trong ngành tài chính – họ đều là những người tiên phong nắm bắt cơ hội của thị trường bất động sản Hong Kong. Họ định hình nên thị trường và khiến người khác phải đi theo.
Link bài viết
Giờ đây, 4 gia đình này cùng nắm hơn nửa thị phần thị trường bất động sản nhà ở tại Hong Kong. Thế nhưng khi thị trường đến giai đoạn bão hòa, ông Lý Gia Thành đã kịp ngừng việc mở rộng công việc kinh doanh tại Hong Kong và Trung Quốc đại lục, chuyển hướng đầu tư sang nhiều nền kinh tế phát triển tại phương Tây.
Năm 2017, các công ty Trung Quốc đại lục đã mua đến 70% đất do chính quyền thành phố đấu giá, tỷ lệ tăng chóng mặt so với con số 11% vào năm 2013 và 14% vào năm 2014. Thị phần của 7 công ty bất động sản lớn nhất Hong Kong trong đó có bao gồm 4 công ty lớn nhất giảm xuống mức 22% vào năm 2016 từ mức 45% vào năm 2012, theo Jones Lang LaSalle.
Không chỉ phải đối diện với thách thức từ các đối thủ Trung Quốc đại lục, các công ty bất động sản Hong Kong còn phải đối diện với nhiều thách thức chính sách. Chính quyền thành phố đang có kế hoạch sẽ tăng mạnh nguồn cung nhà công trong những năm tới, lợi nhuận của họ sẽ còn giảm hơn nữa.
Tháng 2/2018, Cục trưởng Tài chính Hong Kong, ông Paul Chan Mo-po, cho biết chính quyền thành phố có kế hoạch sẽ xây dựng thêm khoảng 100 nghìn căn hộ công trong 5 năm tới, đồng thời đẩy mạnh cấp đất cho một số dự án nhà ở tư nhân. Nguồn cung nhà tăng thêm, hoạt động kinh doanh nói chung sẽ không còn dễ dàng.
(Theo Bizlive - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)