Vietnam Ceo Forum 2020: Hy vọng bước đột phá về tư duy và chiến lược kinh doanh

Tấn An| 26/11/2020 07:50

Trong khuôn khổ Đại hội Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM nhiệm kỳ XI, tọa đàm "Vietnam CEO Forum 2020" với chủ đề "Chuỗi giá trị toàn cầu: Dòng chảy mới - Cá có hóa rồng"đã thu hút sự tham gia của 1.000 CEO cùng các nhà hoạch định chính sách, gần 40 câu lạc bộ, hiệp hội và lãnh đạo các tỉnh.

Tại sự kiện, các chuyên gia cho rằng đại dịch Covid-19 đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó là vấn đề được doanh nghiệp (DN)quan tâm nhất hiện nay. So với các nước trong khu vực, Việt Nam đã kiểm soát được dịch và mở cửa lại nền kinh tế, đang dần chuyển từ giai đoạn ứng phó khủng hoảng sang giai đoạn phục hồi.

Câu hỏi quan trọng dành cho DN lúc này là làm thế nào để chuẩn bị tốt hơn cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong dòng chảy kinh tế mới, liệu doanh nhân có vững tin "chèo" và "lái" DN của mình để trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu? Liệu DN Việt Nam xem sau đại dịch là cơ hội mới để phát triển sản xuất, kinh doanh?

20201119-142753-01-4244-1606290010.jpg

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, tương lai có thể xuất hiện nhiều biến động với những ảnh hưởng lớn hơn trong bối cảnh các nền kinh tế thế giới đang ngày càng gắn kết, ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau. Do vậy, để tận dụng tốt nhất cơ hội, DN phải tự mình vươn lên để vượt qua khủng hoảng. Mặt khác, DN cần thực hiện chiến lược giảm chi phí không thật cần thiết ở mức tối đa, chuyển đổi mô hình kinh doanh, xây dựng hệ thống làm việc an toàn và số hóa để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh lây lan và ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động; chuyển đổi sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường, gắn với xu thế tiêu dùng xanh và sạch, tiếp cận thị trường và giữ liên lạc thường xuyên với các đối tác cả trong quá trình gián đoạn; tăng cường khai thác thị trường trong nước.

Ông Don Lâm - Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital chia sẻ, thời gian qua, nhiều thông tin về sự dịch chuyển đầu tư của DN nước ngoài ở Trung Quốc. Khoảng 20% số nhà sản xuất có mặt tại Trung Quốc muốn rời khỏi nước này do Covid-19 và chiến tranh thương mại, nhưng "không phải ai cũng tới Việt Nam". Kết quả nhiều cuộc khảo sát gần đây cho thấy, nếu các nhà máy sản xuất chuyển khỏi Trung Quốc thì sẽ chuyển sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Mexico và Mỹ.

Tuy nhiên, ông Lâm nhận định, ở Đông Nam Á, Việt Nam cũng bị cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực, nhất là với Indonesia về chính sách thu hút đầu tư, thị trường, giá đất công nghiệp, nguồn lao động... Nếu DN không tập trung vào ngành nghề, lĩnh vực cốt lõi để nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn ra thị trường quốc tế thì dễ đánh mất thương hiệu. Thời điểm hiện nay đòi hỏi doanh nhân tư duy và quản trị DN theo cách mới, bởi trên thị trường xuất hiện nhiều xu thế mới. Tùy theo ngành nghề, lĩnh vực, quy mô, DN có thể chọn chiến lược đầu tư, sản xuất, kinh doanh phù hợp với sự chuyển động của thị trường và đón cơ hội từ sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu đa ngành, DN cần tối đa hóa chi phí vận hành và quản trị, tận dụng lợi thế liên kết dọc để phân bổ nguồn lực hợp lý. Mỗi DN có thế mạnh và cần tập trung vào thế mạnh đó, cũng như đảm bảo quản trị dòng tiền và rủi ro thị trường.

Theo bà Hà Thị Thu Thanh - Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, nguy cơ lớn nhất trong khủng hoảng không phải là tác động của khủng hoảng, mà là tư duy ứng phó với khủng hoảng theo lối mòn. Để vượt qua khủng hoảng, chủ DN phải là nhà lãnh đạo kiên tâm, quản trị công ty minh bạch và hiệu quả, có chiến lược hướng đến phát triển bền vững. Hơn thế nữa, DN cần quan tâm đúng mức đến khái niệm "quản trị khủng hoảng", dù khó dự đoán được nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải quản trị dòng tiền tốt. 

454354354-1860-1606290010.jpg

Ông Võ Quang Huệ - cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH Bosch Việt Nam nêu quan điểm, ngành sản xuất trên toàn cầu đang trong tình trạng sản xuất nhiều hơn tiêu thụ, kể cả ô tô. Phải mất vài năm tới, thị trường mới có thể phục hồi trở lại trước cú sốc Covid-19. Trong bối cảnh đó, với DN sản xuất sản phẩm đang có sẵn, khi sự cạnh tranh càng khốc liệt thì câu trả lời từ chính DN là phải có trung tâm nghiên cứu, sáng chế để giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm để cạnh tranh. "Liệu chúng ta có biết thị trường cần gì, năng lực DN có đủ năng lực để đáp ứng tiêu dùng sau Covid-19?", ông Huệ đặt vấn đề và gợi ý DN cần có sáng kiến, mở thêm thị trường.

Ông Mai Hữu Tín -  Chủ tịch HĐQT U&I Group nhấn mạnh, số đơn hàng vào Việt Nam sẽ nhiều hơn. DN FDI cũng cần thêm đối tác địa phương để cùng hợp tác sản xuất, tăng khả năng cung ứng vào những thị trường lớn trên thế giới. "Tuy nhiên, số DN Việt Nam tận dụng được cơ hội đó không nhiều do sự chuẩn bị và khát khao muốn thành công trong lĩnh vực sản xuất không nhiều", ông Tín nói. Ông Tín phân tích thêm, trước dòng dịch chuyển chuỗi cung ứng hiện nay, những DN đã trưởng thành sẽ có cơ hội mở rộng sản xuất. Đây cũng là cơ hội cho DN vươn lên. Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi sự dấn thân, nâng tầm quản trị, khả năng tiếp xúc và phải biết mình đang ở đâu.

"DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất nếu chỉ nhận gia công cho những "ông lớn" thì sẽ tiếp tục thân phận làm thuê, không bao giờ lớn lên được. Muốn lớn thì DN phải bước ra khỏi Việt Nam, xem các DN cùng nghề trên thế giới đã đạt được đẳng cấp nào. Từ đó, suy nghĩ xem cần làm gì để cùng đẳng cấp với họ. Khi đó cơ may thành công mới lớn hơn", ông Mai Hữu Tín chia sẻ quan điểm.

Trong khuôn khổ chương trình, Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM và Ban tổ chức đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với lãnh đạo hai tỉnh Bến Tre và Đồng Tháp trên các lĩnh vực: chính sách thu hút nguồn lực và phát triển cộng đồng DN địa phương, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số và các hoạt động khác theo đặc thù địa phương. 

Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM và Ban tổ chức Vietnam CEO Forum sẽ tiếp tục kết nối với các tỉnh - thành để thực hiện sứ mệnh CEO trong giai đoạn mới.

Đại hội Đại biểu Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM nhiệm kỳ XI (2020-2023) đã bầu ra 38 ủy viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới. Ông Phạm Phú Trường - Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC) được bầu làm Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM nhiệm kỳ XI.

Vietnam CEO Forum là sự kiện thường niên được mong đợi nhất của cộng đồng CEO Việt Nam, là dịp các nhà hoạch định chính sách - chuyên gia kinh tế - CEO chia sẻ, thảo luận và khai phá những tư duy mới cho các vấn đề mang tính "sống còn" tác động tới các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam; từ đó xây dựng chính sách, chiến lược kinh tế phù hợp với doanh nghiệp Việt và xu thế thế giới. Qua 7 lần tổ chức, sự kiện nhận được sự phản hồi, đánh giá cao từ các lãnh đạo bộ, sở, ngành, các hội, hiệp hội ngành nghề và của các chuyên gia, sự ghi nhận, động viên từ UBND TP.HCM cùng sự chia sẻ của gần 100 diễn giả và đặc biệt là sự tham gia của hơn 2.000 CEO trong và ngoài nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vietnam Ceo Forum 2020: Hy vọng bước đột phá về tư duy và chiến lược kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO