![]() |
Để tránh trường hợp Luật Cạnh tranh sau sửa đổi được ban hành nhưng không thể áp dụng vào thực tế, đại diện các sở, ngành và hiệp hội doanh nghiệp tại TP.HCM đã trình bày quan điểm về vấn đề này nhân buổi lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Sửa đổi Luật Cạnh tranh (Dự thảo) do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM thực hiện vào ngày 21/9.
Đọc E-paper
Nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo vẫn còn nhiều điểm mâu thuẫn với các quy định cùng vấn đề ở các luật định khác. Do vậy, cần điều chỉnh để tránh trường hợp Luật được ban hành nhưng không thể áp dụng.
Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM cho biết, trong 12 năm qua, kể từ khi Luật Cạnh tranh ra đời, đơn vị này chưa tham gia xét xử vụ án hành chính nào có đối tượng khởi kiện với nội dung "khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh". Với Dự thảo quy định về "khiếu nại quyết định xử lý việc cạnh tranh chưa phù hợp với các quy định hiện hành" tại Khoản 1, Điều 1 của Mục 5 trong Dự thảo nêu rõ: "Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị khiếu nại vẫn tiếp tục thi hành".
Theo phân tích của Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM, nếu vụ việc được xử lý nhưng chưa đạt được sự đồng thuận và vẫn còn diễn ra khiếu kiện có nghĩa là quyết định xử lý chưa có hiệu lực pháp luật. Nếu vẫn buộc phải thi hành, với kết quả giải quyết khiếu kiện khác với kết quả xử lý ban đầu thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm về hậu quả pháp lý đó? Vậy nên, quy định về vấn đề khiếu kiện cần được làm rõ hơn.
Còn theo góp ý của đại diện Sở Tư pháp TP.HCM, Điều 7 của Dự thảo về trách nhiệm của Nhà nước vẫn còn chung chung, chưa xác định rõ phạm vi trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Ngay cả yêu cầu trong vấn đề UBND cấp tỉnh phối hợp với Bộ Công Thương cũng không nói rõ phối hợp trong phạm vi nào. Vì vậy, cần làm rõ hơn về nội dung phối hợp.
Ngoài ra, một số nhóm hành vi có tác động lớn đến vấn đề cạnh tranh như nhóm liên quan đến chính sách cũng chưa được nói rõ. Bởi thực tế cũng khó tránh trường hợp có thể doanh nghiệp (DN) "bắt tay" với người làm chính sách để ban hành những chính sách có lợi cho một hoặc một nhóm DN trong việc thâm nhập thị trường. Một khi chính sách đã ban hành sẽ tạo ra sức ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu có phát sinh, việc sửa đổi chính sách sẽ rất mất thời gian và tốn chi phí.
Theo Sở Tư pháp TP.HCM, Ban soạn thảo cũng cần rà soát lại quy định về hành vi thỏa thuận trong đấu thầu sao cho tương thích với Luật Đấu thầu hiện hành. Bởi lẽ, trong Luật Đấu thầu, hành vi vi phạm nghiêm trọng nhất là thông thầu, song các quy định xử phạt hành vi thỏa thuận trong đấu thầu của Dự thảo vẫn còn nhẹ, dẫn đến rất dễ xảy ra tình trạng các nhà đầu tư dựa vào Luật Cạnh tranh để thực hiện các hành vi thông thầu.
Ở góc độ hiệp hội DN, ý kiến của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, về quy định Thỏa thuận thông đồng trong đấu thầu tại Khoản 4, Điều 11, Dự thảo nên sử dụng khái niệm "thông thầu" với nội hàm như đã quy định tại Khoản 3, Điều 89, Luật Đấu thầu để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Về hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại Chương VI Dự thảo, theo hiệp hội này, cần quy định các tiêu chí xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bởi vì trên thực tế có rất nhiều loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác nhau. Đồng thời, cũng cần quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm và giao cho Chính phủ quy định các biện pháp chế tài nếu đối tượng vi phạm các điều cấm này.
Đối với thị trường bất động sản, Dự thảo cần bổ sung một số quy định để đảm bảo việc lựa chọn nhà thầu và chủ đầu tư dự án bất động sản, kể cả các hình thức: xây dựng - chuyển giao (BT), xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT), hợp tác công - tư (PPP) cũng phải thông qua hình thức đấu giá đất, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và chủ đầu tư bằng hình thức đấu thầu công khai, rộng rãi; việc chỉ định nhà thầu và nhà đầu tư chỉ được thực hiện trong những trường hợp đặc biệt theo quy định của Luật Đấu thầu.
Nhìn về khía cạnh lợi ích và quyền lợi của DN, có ý kiến cho rằng, trong Dự thảo, quyền và trách nhiệm của DN chưa được nêu rõ. Thực tế cho thấy, rất ít DN vận dụng các quy định của Luật Cạnh tranh để đảm bảo quyền lợi của mình, nhất là các DN nhỏ và vừa.
Sở dĩ có thực trạng này là vì DN không đủ sức theo đuổi các vụ kiện cạnh tranh. Mặt khác, DN nhỏ và vừa không thấy được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong Luật Cạnh tranh lâu nay. Dù vậy, vấn đề này cũng chưa được khắc phục trong Dự thảo, không có một điều khoản nào quy định về quyền và nghĩa vụ của DN nhỏ và vừa.
Hơn nữa, theo các DN, mô hình của cơ quan quản lý cạnh tranh hiện tại không phù hợp, chưa phát huy hiệu quả. Trong điều kiện cạnh tranh như hiện nay, sự xung đột lợi ích càng lớn thì vai trò của cơ quan quản lý cạnh tranh càng cần được xác định rõ. Cơ quan này phải đứng độc lập, có vị thế lớn.
Do đó, các ý kiến đề xuất nên chăng xây dựng cơ quan này là cơ quan trực thuộc Chính phủ, trong đó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và các thành viên sẽ do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm? Tiếp đó, quy định cấm cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ, công chức vi phạm Luật Cạnh tranh đã được đề cập trong Dự thảo nhưng lại chưa làm rõ các chế tài.
Thực tế, sau 12 năm ra đời, Luật Cạnh tranh đã lộ nhiều bất cập, hạn chế so với sự phát triển của thị trường vốn đang hội nhập rất nhanh với nền kinh tế thế giới. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Cạnh tranh là cần thiết và phải được nghiên cứu kỹ. Tuy nhiên, dù sửa đổi thế nào cũng cần điều chỉnh đối tượng cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hình sự... để việc thực thi dễ dàng hơn khi áp dụng vào thực tế, bởi đó mới chính là điều DN cần.
>>Bộ Công Thương mạnh tay loại bỏ thủ tục "hành" doanh nghiệp