Tìm vốn trong thời kỳ suy thoái

NGUYỄN KIM| 05/08/2008 03:00

Nếu tiền được ví là “dòng sữa mẹ” cho mọi sự khởi động thì việc tiếp cận được nguồn vốn sẽ quyết định thành - bại của mỗi doanh nghiệp. Làm thế nào để không cạn kiệt tiền mặt, nhất là trong giai đoạn lạm phát đã “phát tán” trên phạm vi toàn cầu?

Tìm vốn trong thời kỳ suy thoái

Nếu tiền được ví là “dòng sữa mẹ” cho mọi sự khởi động thì việc tiếp cận được nguồn vốn sẽ quyết định thành - bại của mỗi doanh nghiệp. Làm thế nào để không cạn kiệt tiền mặt, nhất là trong giai đoạn lạm phát đã “phát tán” trên phạm vi toàn cầu?

Tận dụng mọi cơ hội và mạnh dạn "đi chợ đường xa"

Theo tiến sĩ ALan V. Phan - Giám đốc đầu tư Quỹ đầu tư Viasa Gem, thử thách lớn nhất của một doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ là vấn đề quản lý tài chính. Thiếu tiền là nguyên nhân chính gây nên những thất bại của doanh nghiệp. Chính vì vậy mà doanh nhân huyền thoại Henry Ford đã đưa ra một nguyên tắc vàng: “Không bao giờ để cạn kiệt tiền mặt”.

Trong buổi tọa đàm về chiến thuật tìm vốn trong thời kỳ suy thoái do Ban Tài chính CLB Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức cuối tuần qua (ảnh), vấn đề được doanh nhân quan tâm nhiều nhất là làm thế nào đề tìm vốn trong khi hai “cánh cửa truyền thống” là ngân hàng và chứng khoán vẫn chưa “rộng mở” đón tiếp doanh nghiệp?

Với kinh nghiệm làm việc nhiều năm cho một số tập đoàn như Eisenberg, MK, Polaris và 28 năm làm chủ một số doanh nghiệp của riêng mình cùng kinh nghiệm đưa hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ lên sàn chứng khoán Mỹ, Tiến sĩ Phan cho rằng các doanh nhân nên tiếp cận với các nguồn vốn khác mà cụ thể là từ các quỹ đầu tư, đối tác, nhà cung cấp, khách hàng. Theo Tiến sĩ Phan, việc dựa vào các đối tác chiến lược nước ngoài để tìm vốn là hoàn toàn có thể.

Dĩ nhiên, để họ vui vẻ “rút hầu bao”, doanh nghiệp cần phải cho họ một vài sự kiểm soát nhất định (để họ đưa giám đốc tài chính vào chẳng hạn). Việc huy động vốn từ các nhà cung cấp hay khách hàng (trong và ngoài nước) cũng vậy. Nếu doanh nghiệp đã xây dựng được lòng tin với các đối tượng này và có phương án kinh doanh khả thi thì việc thuyết phục họ đồng hành với mình trong giai đoạn khó khăn sẽ có cơ hội thành công. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể tìm đến một “cánh cửa” nữa là niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán nước ngoài.

Điều này thoạt nghe có vẻ xa vời nhưng lại là hướng đi tốt mà doanh nghiệp nên mạnh dạn áp dụng, nhất là khi sự cạnh tranh đã mang tính toàn cầu. Cũng theo Tiến sĩ Phan, những điều kiện để niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ thực ra còn ít hơn cả thị trường Hồng Kông và Singapore vì ở Mỹ có tới 12.000 công ty chứng khoán với số lượng giao dịch hàng ngày lên tới gần 600 tỷ USD.

Từ nhận định này, Tiến sĩ Phan ví von: “Nếu có sản phẩm, doanh nghiệp hãy mạnh dạn đem bán ở những ngôi chợ lớn như chợ Bến Thành, đừng quanh quẩn ở chợ Vườn Chuối hay Bàn Cờ vì trong một chợ dù lớn đến đâu cũng sẽ tiêu thụ cả hàng đắt tiền lẫn hàng rẻ tiền”. Tuy nhiên, lời khuyên của Tiến sĩ Phan còn kèm theo điều kiện là doanh nghiệp phải có một giám đốc tài chính (CFO) giỏi.

Đây là vấn đề sống còn vì với một doanh nghiệp muốn phát triển lâu dài, CFO còn quan trọng hơn cả giám đốc điều hành (CEO). Hơn ai hết, người này phải biết cách tìm vốn cho doanh nghiệp, biết dùng những nhà tư vấn giỏi về pháp lý, kiểm toán quốc tế, tài chính. Để có được đội ngũ này, bắt buộc doanh nghiệp phải chấp nhận trả chi phí cao, nhưng đổi lại sẽ có được sự an toàn và những mối lợi khổng lồ là những khách hàng - đối tác tốt do họ giới thiệu.

Năm bí quyết để thu hút quỹ đầu tư

Trên thực tế có hai loại nhà đầu tư: nhà đầu tư cần mở rộng thị trường và nhà đầu tư cần tìm kiếm lợi nhuận. Để tìm đúng nhà đầu tư phù hợp với mình, doanh nghiệp cần thấu hiểu động cơ cũng như khả năng của họ và đặt ra mục tiêu rõ ràng cho mình. Còn để thu hút họ, doanh nghiệp phải thoả mãn 5 nguyên tắc cơ bản, trong đó, nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất là sự minh bạch và công khai đầy đủ mọi thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tuyệt đối không giấu diếm hay gian lận. Nguyên tắc thứ hai là có báo cáo tài chính được kiểm toán bằng một công ty kiểm toán quốc tế có uy tín.

Thứ ba là phải trình bày rõ kinh nghiệm quản lý của mình. Thứ tư là định giá được doanh nghiệp của mình và thứ năm là có chiến lược giải tư - tức phải trả lời rõ cho nhà đầu tư biết trong bao lâu họ rút vốn được.

Theo kinh nghiệm của Tiến sĩ Phan, với các nhà đầu tư nước ngoài, vốn điều lệ không quan trọng, điều họ quan tâm là trị giá của doanh nghiệp ở thị trường hiện tại. Cổ phiếu cũng giống như một sản phẩm. Nếu sản phẩm không được tốt lắm nhưng giá rẻ thì vẫn có người mua. Do vậy, doanh nghiệp phải có phương pháp định giá chính xác dựa trên 5 yếu tố: mức lời mỗi tháng, định vị thương hiệu trên thị trường (đứng trong top mấy, chiếm bao nhiêu thị phần), tài sản trí tuệ, sự tăng trưởng, tình hình tài tài chính (tài sản, công nợ...).

Nếu xét thấy không đủ tự tin để tự định giá thì tốt nhất, doanh nghiệp nên sử dụng tư vấn. Và một khi đã định giá chính xác rồi thì việc thương lượng với các quỹ đầu tư sẽ trở nên đơn giản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm vốn trong thời kỳ suy thoái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO