Thu hút FDI: TP.HCM tìm hướng đi mới

NGUYÊN BẢO - HẢI ÂU| 07/12/2016 00:20

Từ đầu năm đến nay, TP.HCM chưa chạm đến vị trí dẫn đầu về thu hút vốn FDI. Điều gì đang xảy ra với một trung tâm kinh tế - tài chính lớn, nơi đóng góp 30% GDP của cả nước và khoảng 30% nguồn thu ngân sách?

Thu hút FDI: TP.HCM tìm hướng đi mới

Từ đầu năm đến nay, TP.HCM chưa chạm đến vị trí dẫn đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Điều gì đang xảy ra với một trung tâm kinh tế - tài chính lớn, nơi đóng góp 30% GDP của cả nước và khoảng 30% nguồn thu ngân sách?

Đọc E-paper

Bỏ ngôi đầu quá lâu

Theo số liệu của Hệ thống thông tin về đầu tư nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/11/2016, cả nước có 2.240 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 13,028 tỷ USD, chỉ bằng 96,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Ngoài ra còn có 1.075 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,075 tỷ USD, bằng 76,1% so với cùng kỳ năm 2015. Như vậy, tính chung 11 tháng đầu của năm 2016, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới lẫn tăng thêm đạt 18,103 tỷ USD, bằng 89,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Xét theo địa bàn thu hút đầu tư, từ đầu năm đến tháng 11, các doanh nghiệp nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố. Trong đó, Hải Phòng là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất, với 2,74 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng vốn FDI của cả nước, tiếp theo là Bình Dương Đồng Nai, Hà Nội và TP.HCM. Tuy TP.HCM vẫn nằm trong nhóm năm địa phương dẫn đầu về thu hút FDI nhưng 11 tháng qua, các vị trí quán quân lại lần lượt thuộc về Hải Phòng, Đồng Nai, Hà Nội.

Không chỉ mới đây mà kể từ năm 2012 (Bình Dương soán ngôi đầu của TP.HCM đạt được năm 2011) đến nay, TP.HCM chưa thể lật ngược thế cờ. Đã có nhiều nguyên nhân được đưa ra bàn thảo.

Chẳng hạn, báo cáo về thị trường bất động sản công nghiệp của Savills Việt Nam công bố hồi tháng 10 vừa qua cho rằng, do có vị trí đắc địa, cộng thêm những lợi thế về hệ thống cảng biển, cảng hàng không... nên giá thuê đất tại các khu công nghiệp ở TP.HCM hiện cao nhất các tỉnh phía Nam (bình quân 125 USD/m2/kỳ thuê 40 - 50 năm), phần nào tác động đến lợi thế cạnh tranh của Thành phố.

- Trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội, vốn FDI chiếm tỷ trọng 17% (phần còn lại là vốn ngân sách, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp dân doanh trong nước...). Trong vòng 5 năm trở lại đây, tỷ trọng này tăng thêm 2%, từ 15% lên 17%.
- TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp để cải thiện và nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, như: tăng cường xúc tiến tại chỗ để các dự án gần hết hạn đầu tư tiếp tục mở rộng hoạt động; các quận, huyện phải chuẩn bị sẵn danh mục dự án trên địa bàn để trình UBND TP.HCM, các sở, ngành để khi có nhà đầu tư ngoại đến tìm hiểu, khảo sát môi trường đầu tư, Thành phố sẽ tiếp thị, xúc tiến; khu công nghệ cao, ban quản lý các khu công nghiệp (Hepza) phải xem xét để mở rộng diện tích nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà xưởng của hai nhà đầu tư lớn hiện nay là Hàn Quốc và Nhật Bản...

Trong khi với những khu công nghiệp mới, do mặt bằng giá nhân công khá cao nên gặp khó khăn trong việc tăng công suất thuê. Trong nửa đầu năm 2016, ngành chế biến - chế tạo trên địa bàn thành phố nhận được 66 triệu USD từ nguồn đầu tư FDI. Ngược lại, với vị trí gần các cảng quốc tế của TP.HCM và quỹ đất lớn, Bình Dương, Đồng Nai giữ vị thế về thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp, trong đó mỗi tỉnh thu hút được xấp xỉ 1 tỷ USD cho ngành chế biến - chế tạo.

Cũng cần nói thêm là trong tháng 2/2016, Đồng Nai đã vươn lên dẫn đầu về thu hút vốn FDI của cả nước. Liên quan đến nguyên nhân giá thuê đất cao nhất phía Nam, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các cơ quan quản lý của Thành phố rà soát và báo cáo vấn đề này.

Chuyển dịch hướng mới

Trả lời Doanh Nhân Sài Gòn về việc vì sao một đầu tàu kinh tế lớn như TP.HCM gần đây lại đánh mất vị trí dẫn đầu về thu hút FDI, ông Sử Ngọc Anh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, dẫn giải, hiện nay, FDI đã có sự chuyển dịch bắt nguồn từ nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.

Chẳng hạn, xét về hình thức đầu tư của doanh nghiệp ngoại, trước đây có ba hình thức: đầu tư 100% vốn nước ngoài, liên doanh và hợp tác kinh doanh. Song, hiện có thêm hình thức góp vốn đầu tư. Theo đó, từ đầu năm đến nay, TP.HCM thu hút 800 triệu USD vốn FDI mới, trên 500 triệu USD vốn FDI tăng thêm và khoảng 1,3 tỷ USD thông qua hình thức góp vốn vào dự án, công ty...

Điều này cho thấy, nhà đầu tư đang chọn giải pháp nhanh nhất, tốt nhất cho họ, thay vì đầu tư dự án lớn, phải tiến hành đền bù, giải tỏa... mất khá nhiều thời gian và chi phí cơ hội.

Ngoài ra, điều quan trọng hơn nữa là không riêng gì TP.HCM, năm nay, vốn FDI của cả nước có hiện tượng sụt giảm, do ngày càng ít dự án quy mô lớn. Nhưng TP.HCM không vì vậy mà chủ trương thu hút FDI bằng mọi giá, không đi theo chiều rộng, vốn to nhưng công nghệ thấp. "Các khu công nghiệp, công nghệ cao của Thành phố đang đứng trước bài toán phải chọn lựa nhà đầu tư”, ông Sử Ngọc Anh cho biết.

Thêm vào đó, trong bối cảnh thế giới hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài cũng xem xét, lựa chọn nhiều địa điểm, không riêng gì Việt Nam. Mặt khác, gần đây, có một số nhà đầu tư đề xuất dự án 100 - 200ha đất, đây là bài toán không dễ với TP.HCM vì quỹ đất trống theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp khá hạn chế, nếu có, chi phí đền bù sẽ rất lớn.

Còn riêng năm nay, TP.HCM vẫn đang chờ hoàn tất thủ tục (xin ý kiến từ Chính phủ, các bộ, ngành) đối với các dự án ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2), có giá trị vốn khoảng 1 tỷ USD. Nếu sớm có kết quả sẽ bổ sung đáng kể cho thành quả thu hút FDI của Thành phố.

Liên quan đến hiệu quả thu hút FDI của TP.HCM, ông Võ Văn Hoan, đại diện phát ngôn kiêm Chánh văn phòng UBND TP.HCM, cho biết, trong giai đoạn hiện nay, việc đánh giá hiệu quả thu hút FDI không chỉ dựa trên số lượng vốn mà phải nhìn vào công nghệ mà nhà đầu tư sử dụng khi họ đưa dự án vào.

Quan điểm của TP.HCM là hướng tới phát triển bền vững, ưu tiên cho các dự án sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, kỹ thuật cao. Về vấn đề này, Savills Việt Nam cũng ghi nhận, trọng tâm thu hút đầu tư đang dần dịch chuyển sang các ngành công nghệ cao, trong khi các lĩnh vực công nghiệp thâm dụng lao động và đất đai ít được khuyến khích tại TP.HCM.

>Thu hút vốn FDI: Phải gỡ khó cho nhà đầu tư

>Việt Nam cần làm gì để thu hút vốn FDI từ Mỹ?

> Thu hút vốn FDI: Cẩn trọng để loại trừ dự án “lợi dụng” TPP

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thu hút FDI: TP.HCM tìm hướng đi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO