Tập trung và định hướng rõ ràng mới mong thành công

PHÚC AN| 30/08/2012 04:13

Sáng 27/8, 5 thí sinh tiếp theo với 5 dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ - ẩm thực bước vào thi tài trước BGK bao gồm: Ông Văn Đức Mười (Chánh CK) - TGĐ Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ Nghệ Súc sản (Vissan), bà Nhan Húc Quân - TGĐ Công ty TNHH Bao bì Giấy nhôm NewToyo và bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó TGĐ Công ty CP Sài Gòn Food.

Tập trung và định hướng rõ ràng mới mong thành công

Sáng 27/8, 5 thí sinh tiếp theo với 5 dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ - ẩm thực bước vào thi tài trước BGK bao gồm: Ông Văn Đức Mười (Chánh CK) - TGĐ Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ Nghệ Súc sản (Vissan), bà Nhan Húc Quân - TGĐ Công ty TNHH Bao bì Giấy nhôm NewToyo và bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó TGĐ Công ty CP Sài Gòn Food.

Mở đầu buổi thi, dù rất hồi hộp nhưng thí sinh Đặng Thái Diễm Phương - sinh viên ĐH Kinh tế đã có phần trình bày rõ ràng, lưu loát dự án “Quán ăn tự phục vụ cho sinh viên Favor U”.

Giám khảo Văn Đức Mười nhận xét Phương đã có sự chuẩn bị rất tốt cho đề án, trình bày mạch lạc, rõ ràng, nhưng nếu Phương giữ được bình tĩnh, tự tin hơn nữa thì sẽ thuyết phục hơn.

Giám khảo Lê Thị Thanh Lâm đánh giá đề án được thực hiện rất bài bản và đặt câu hỏi về cách giải quyết lượng thức ăn tồn hàng ngày ra sao với mô hình “buffet mini” này, nhưng Phương chưa có câu trả lời làm hài lòng giám khảo.

Chia sẻ với giám khảo Nhan Húc Quân, Phương thừa nhận mình rất thích nấu nước và từ thực tế đời sống sinh viên, Phương đã nảy ra ý tưởng cho đề án kinh doanh này. Phương cũng có phần trả lời tiếng Anh và kiến thức về danh nhân Lương Văn Can khá tốt.

"Quán cà phê kết hợp sàn giao dịch việc làm dành cho sinh viên” là dự án của thí sinh Lê Đăng Khoa - sinh viên trường ĐH Ngoại thương. Giám khảo Văn Đức Mười đánh giá ý tưởng này không mới, đã có nhiều người làm nhưng Khoa đã có sự chuẩn bị tốt và phần trình bày tự tin. Tuy nhiên, theo giám khảo này, số vốn dự định đầu tư chưa tương xứng với những gì Khoa mô tả và kỳ vọng vào dự án.

Giám khảo Lê Thị Thanh Lâm yêu cầu thí sinh này phân định rõ giữa kinh doanh quán cà phê và sàn giao dịch, cái nào mới là chính. Khoa cho biết, những hạn chế của sàn giao dịch việc làm hiện nay khiến mô hình này chỉ đáp ứng được khoảng 10-15% nhu cầu thực sự, và sản phẩm chính mà Khoa muốn nhắm vào là sàn giao dịch, quán cà phê chỉ là hoạt động phụ trợ.

Giám khảo Thanh Lâm nhắc chung các thí sinh: “Các em sinh viên còn trẻ, có nhiều mong muốn, hoài bão và đặt tất cả tâm huyết, nỗ lực vào dự án của mình. Tuy nhiên, vì mơ mộng nhiều nên hay thích ôm đồm nhiều thứ. Các em cần tập trung và định hướng rõ ràng vào một lĩnh vực, sản phẩm kinh doanh cụ thể mới thành công được".

Qua câu hỏi về thái độ ứng phó khi thất bại, giám khảo Nhan Húc Quân chia sẻ với các thí sinh bài học về thành công: Khi không thành công thì phải có phương án B để không thoái chí, không bị chùn bước mà tiếp tục đứng dậy, đi tiếp con đường mình đã chọn.

Trả lời câu hỏi "Hiếu nghĩa trong kinh doanh chỉ đến nhóm đối tượng nào?", Khoa cho biết, với mình, hiếu nghĩa là cam kết với khách hàng, cam kết với gia đình, làm hết sức mình để không phụ lòng tin của khách hàng, người thân.

Lê Văn - sinh viên ĐH Kinh tế trình bày dự án “Chuỗi nhà hàng chay Zen Garden”. Ý tưởng kinh doanh nhà hàng chay của Văn xuất phát từ mong muốn mang đến ẩm thực chay tốt cho sức khỏe, phát triển thói quen thiền định và các khóa học kỹ năng mềm, định hướng lối sống cho các bạn trẻ. Điểm độc đáo của nhà hàng là cung cấp đến 108 món chay thuần khiết.

Giám khảo Văn Đức Mười đánh giá IRR (tỷ suất hoàn vốn nội bộ) của dự án quá lý tưởng (hơn 60%) nhưng khó khả thi, ý tưởng tốt, độc đáo nhưng muốn thành công phải nỗ lực tạo ra sự khác biệt rất lớn. Ông cũng thắc mắc, Văn sẽ chọn ai làm cố vấn chuyên môn cho hoạt động thiền và vấn đề dinh dưỡng - vốn là những lĩnh vực đòi hỏi phải có chuyên môn cao.

Giám khảo Nhan Húc Quân nhận xét dự án của Lê Văn có sự trau chuốt tinh tế, quan tâm đến cảm xúc của khách hàng nhưng bà cũng băn khoăn làm cách nào Văn giữ chân được đầu bếp? Và làm sao để quản lý quy trình sản xuất đến 108 món ăn? 

Giải quyết một số vướng mắc của Văn trong đề án, giám khảo này gợi ý nên cam kết và ràng buộc pháp lý để tránh rủi ro khi bên cho thuê nhà lấy lại mặt bằng và sao chép mô hình kinh doanh, thỏa thuận biên độ tăng giảm cho phép với nhà cung cấp để điều chỉnh giá.

Lê Thị Thanh Lâm chia sẻ, bà đã đọc dự án 4 lần và cảm thấy rất thú vị, dự án khá hoàn chỉnh nhưng nhược điểm là quá tham vọng khi định vị đối tượng quá rộng. Giám khảo này nghĩ Văn nên tập trung đến đối tượng phụ nữ từ 30-50 tuổi vốn rất quan tâm với sức khỏe.

Trả lời câu hỏi về danh nhân Lương Văn Can, Lê Văn cho biết bản thân rất tâm đắc với chữ tín. Chỉ có chữ tín mới giúp doanh nghiệp tồn tại lâu dài.

Ý tưởng để Phan Bích Hạnh - sinh viên Ngoại thương xây dựng dự án “Nhà hàng F5 - Refresh Yourself” xuất phát từ những áp lực của cuộc sống hiện đại. Thí sinh này mong muốn thông qua ẩm thực sẽ đẩy lùi căng thẳng, đem lại cho thực khách sức khỏe và tinh thần thoải mái.

Giám khảo Văn Đức Mười cho rằng Hạnh cần đầu tư suy nghĩ thêm để tạo sự khác biệt, làm sao để tạo không gian mở và thu hút thị trường mục tiêu. Khó khăn trong việc chứng minh, công nhận dược tính của món ăn cũng là một trong những trở ngại mà giám khảo này chỉ ra cho Bích Hạnh. Thu nhập trước thuế sẽ không đủ để trả lãi vay ngân hàng là vấn đề khiến giám khảo Nhan Húc Quân lo lắng.

Nguyễn Khánh Quỳnh sinh viên ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM dự thi với dự án “Chuỗi cửa hàng Viet Vegetables” chuyên sản xuất và phân phối rau sạch.
Giáo khảo Nhan Húc Quân đánh giá đây là đề án rất tốt, đánh trúng thói quen ăn uống “xanh” của người Việt. Giáo khảo này cũng tâm đắc cách Khánh Quỳnh xây dựng nguyên tắc 8T trong kinh doanh, và gợi ý thí sinh này nên biến “8T” thành nguyên tắc vàng dẫn đường cho doanh nghiệp cũng như tập trung vào một trong hai khâu, hoặc là sản xuất, hoặc là phân phối.

Giám khảo Văn Đức Mười Đánh giá cao dự án, nhưng trong thực tế, chưa có ai kinh doanh rau sạch mà có lời. Hiện nay lượng rau sạch chỉ chiếm 0,5% toàn thị trường vì giá cao, không phù hợp với giá tiền của đại đa số cư dân.

Ông chân thành chia sẻ kinh nghiệm của bản thân và nhận định thị trường kinh doanh rau sạch rất phức tạp và khó khăn. Do đó, giám khảo này hài hước:  "Em cần thêm 2 chữ “T”, một là “từ từ” và thứ hai là chữ “tâm”, không thì rất dễ mất vốn, thất bại. Góp ý cho slogan “Chọn lựa vàng vì cuộc sống xanh” cũng rất hay nhưng cần điều chỉnh để tinh tế hơn".

Giám khảo Thanh Lâm nhắn nhủ thêm: “Không ai có thể tự mình làm hết các khâu vì sẽ đội giá thành sản phẩm, dịch vụ lên rất cao. Do đó, thuê ngoài, tìm nhà cung cấp chuyên nghiệp để tối ưu hóa nguồn lực, tập trung phát huy thế mạnh của mình là giải pháp mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải áp dụng”.

Kết quả: Với những ý tưởng tốt, sự chuẩn bị kỹ càng cùng khả năng Anh ngữ lưu loát, hiểu biết sâu sắc về đạo làm giàu của danh nhân Lương Văn Can, 4 thí sinh sau đã chinh phục BGK và giành giải thưởng:

1/ Nguyễn Khánh Quỳnh - sinh viên ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM - Dự án "Chuỗi cửa hàng Viet Vegetables”.

2/ Đặng Thái Diễm Phương - sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM - Dự án "Quán ăn tự phục vụ cho sinh viên Favor U".

3/ Lê Văn - sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM - Dự án “Chuỗi nhà hàng chay Zen Garden”.

4/ Phan Bích Hạnh - sinh viên Ngoại thương - Dự án “Nhà hàng F5 - Refresh Yourself”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tập trung và định hướng rõ ràng mới mong thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO