Tăng cường mối liên kết giữa Hiệp hội và các Hội Doanh nghiệp thành viên

NGUYỄN TIếN| 10/06/2009 05:46

Nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp hội viên đối với các Hội Doanh nghiệp cũng như giữa các Hội Doanh nghiệp đối với Hiệp hội, và ngược lại, phải được xác lập rõ ràng qua điều lệ, nghị quyết…

Tăng cường mối liên kết giữa Hiệp hội và các Hội Doanh nghiệp thành viên

Nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp hội viên đối với các Hội Doanh nghiệp cũng như giữa các Hội Doanh nghiệp đối với Hiệp hội, và ngược lại, phải được xác lập rõ ràng qua điều lệ, nghị quyết…


Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Q. Phú Nhuận


Có thể nói không nơi nào trên nước ta có lực lượng doanh nghiệp (DN) nhiều, đa dạng như TP.HCM. Do vậy, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Hiệp hội) cũng là tổ chức bao gồm tất cả Hội DN, CLB DN của 24 quận - huyện, các Hội, CLB ngành nghề của thành phố. Mỗi Hội, CLB DN quận - huyện (sau đây gọi tắt là Hội DN) đều có hàng trăm DN hội viên, bao gồm nhiều ngành nghề và là các DN đóng vai trò nòng cốt trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong nhiệm kỳ V, làm thế nào để phát huy hơn nữa mối quan hệ gắn bó giữa các Hội, nhằm hướng tới sự thành công vượt bậc trong sứ mạng của mình, là điều nhiều đại biểu quan tâm.


Hiện nay, đa số các Hội DN được hình thành trên cơ sở các DN nòng cốt cùng địa bàn. Hội DN một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, với nhiệm vụ tạo môi trường giao lưu, gặp gỡ, sinh hoạt chung của các DN tại địa phương, từ đó có điều kiện hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, sử dụng sản phẩm của nhau, với phương châm “Hợp tác, cùng có lợi”.

Các hội viên nhìn về phía trước trong sự hợp tác, nhằm phát huy tiềm năng vốn có của từng DN như mục đích, tôn chỉ, điều lệ của Hội quy định. Mặt khác, Hội DN là cầu nối giữa DN và chính quyền, thông qua Hội, các DN hội viên có điều kiện đóng góp ý kiến vào các chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội của các cấp chính quyền, có điều kiện trình bày với các cấp chính quyền những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ; đồng thời qua các Hội DN, chính quyền có điều kiện sâu sát hoạt động của DN.


Nhiệm vụ của Hội DN là liên kết, hợp tác, giúp đỡ các DN hội viên phát triển, đó cũng là nhiệm vụ của Hiệp hội. Một chân lý đơn giản là: “Không có DN, tất nhiên không có Hội DN. Không có Hội DN, tất nhiên không có Hiệp hội”. Ở đây, DN không phải là đối tượng trực tiếp của Hiệp hội nên tính chất thể hiện mối quan hệ giữa Hiệp hội với DN, giữa Hội DN với DN cũng rất khác nhau, dù có cùng mục tiêu tối thượng là phục vụ cộng đồng DN, như đã nói ở trên.

Phân biệt rõ các mối quan hệ này, đồng thời gắn kết chúng lại với nhau thực chất là làm phong phú hơn các mối quan hệ và hoàn thiện các tổ chức Hội nói chung.


Theo tôi, trong nhiệm kỳ V, mối quan hệ giữa Hiệp hội và các Hội DN cần phát huy và thể hiện ở những điểm sau:


- Chia sẻ thông tin: Hiệp hội phải tập hợp được những thông tin mang tầm vĩ mô, những chủ trương, chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành, của chính quyền thành phố để chuyển giao cho các Hội DN triển khai đến DN. Ngược lại, những thông tin từ các DN, được các Hội DN tập hợp lại và xử lý, chọn lọc rồi chuyển đến Hiệp hội tiếp tục nghiên cứu, xử lý.


- Nâng tầm quan hệ đối với Hội DN: Do mối quan hệ hạn chế của Hội DN, nên nhiều vấn đề DN yêu cầu giải quyết ở cấp độ cao hơn, Hội DN cần sự hợp tác, giúp đỡ của Hiệp hội. Đây cũng được hiểu là nghĩa vụ của Hiệp hội đối với các Hội DN.


- Nghĩa vụ chấp hành và quyền tham gia đóng góp ý kiến: Mặc dù đây là các tổ chức tự nguyện, song nghĩa vụ và quyền lợi của DN hội viên đối với Hội DN cũng như giữa Hội DN đối với Hiệp hội phải được xác lập rõ ràng trên nguyên tắc hội viên phải chấp hành Điều lệ, Nghị quyết của Hiệp hội, phải nộp hội phí đầy đủ, đồng thời hội viên cũng có quyền đóng góp ý kiến, bảo lưu ý kiến với Hiệp hội...


- Doanh nghiệp – đối tượng của sự phục vụ: Đặc điểm của mối quan hệ giữa Hiệp hội và Hội DN là cùng phục vụ một đối tượng là DN. Hiệp hội không can thiệp vào hoạt động của các Hội DN. Bởi vì giữa Hiệp hội và các Hội DN thể hiện tính độc lập, tự chủ cao của từng tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong hầu hết hoạt động của mình. Điều này cũng thể hiện tính đa dạng của mối quan hệ và là cơ sở cho sự phát triển năng động của từng Hội DN theo điều kiện riêng, đặc thù của địa phương mình.


- Học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau: Qua sinh hoạt chung trong một tổ chức Hiệp hội, mỗi Hội DN thành viên đều học tập từ Hội bạn cũng như từ Hiệp hội về các mặt hoạt động, như phương thức tổ chức bộ máy Văn phòng Hội, cách vận động thế nào để thu hút hội viên, tìm nguồn kinh phí, giải pháp xử lý những vấn đề bức xúc trong sản xuất - kinh doanh, tìm kiếm cơ hội hợp tác, giao thương,... của DN. Thông qua đó, Hiệp hội tổng hợp được kinh nghiệm, ý kiến đóng góp của hội viên để bổ sung, hoàn thiện mô hình hoạt động của mình và triển khai trên toàn hệ thống.


Nếu xây dựng được hệ thống các nguyên tắc, tiêu chí chuẩn mực làm nền tảng cho mối quan hệ này thì Hiệp hội sẽ có bộ khung vững chắc hình thành từ các Hội thành viên. Đây sẽ là tiền đề quan trọng góp phần vào sự thành công của từng tổ chức và việc thực hiện sứ mạng chung “Vì sự phát triển của DN” ngày càng mang ý nghĩa cao đẹp!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng cường mối liên kết giữa Hiệp hội và các Hội Doanh nghiệp thành viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO