Phòng hơn chống

HỒNG NGA| 09/04/2010 08:30

Năm 2010 được dự báo là năm khởi sắc cho thị trường xuất khẩu Việt Nam khi kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi sau khủng hoảng.

Phòng hơn chống

Năm 2010 được dự báo là năm khởi sắc cho thị trường xuất khẩu Việt Nam khi kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi sau khủng hoảng. Tuy nhiên, thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam là phải vượt qua rào cản thương mại ở thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các vụ chống bán phá giá đang có nguy cơ tăng cao.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), từ năm 1994 đến nay, Việt Nam phải đối diện diện với 42 vụ kiện phòng vệ thương mại. Chỉ riêng trong năm 2009, có đến 7 vụ kiện chống bán phá giá và tự vệ đối với hàng hóa xuất khẩu. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam phải đối mặt với một vụ kiện chống trợ cấp. Trong đó, nhiều vụ gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp và nền kinh tế. Sau khi kiện chống bán phá giá tôm và da giày xuất khẩu của Việt Nam, mới đây nhất, Mỹ lại đưa thêm mặt hàng túi nhựa PE vào danh sách kiện.

Tiến sĩ Peter John Koenig, luật sư cao cấp của hãng Luật Squire Sanders (Mỹ) cho rằng, Việt Nam có quyền kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) việc Mỹ áp thuế suất không hợp lý đối với tôm đông lạnh. Tuy nhiên, ông Peter John Koenig khuyên Việt Nam nên xem xét, học hỏi kinh nghiệm từ các nước thắng kiện như Canada, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador.

Nói về vụ túi nhựa PE, ông Peter John Koenig cho rằng, Việt Nam được cho là nước có nền kinh tế phi thị trường nhưng Mỹ lại sử dụng Ấn Độ, nước có nền kinh tế thị trường để so sánh là một điều chưa hợp lý. “Việt Nam có thể phản đối việc làm này của Mỹ", ông Peter John Koenig tư vấn.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, thành viên Hội đồng Tư vấn về các biện pháp phòng vệ thương mại (TRC) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nếu so sánh với các nước, Việt Nam vẫn còn... may vì 42 vụ là con số tương đối nhỏ so với con số 600 vụ của Trung Quốc, hàng trăm vụ của Thái Lan. Tuy nhiên, số vụ bị kiện bán phá giá sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nguyên nhân là do Việt Nam có cơ chế xuất khẩu tương tự những nước đó nên nguy cơ số vụ kiện thưông mại gia tăng là điều không thể tránh khỏi.

Ngoài ra, Việt Nam gần biên giới với rất nhiều nước xuất khẩu lớn nên khả năng bị “vạ lây” cũng lớn. Theo bà Trang, hiện có không ít quốc gia đã “chạy” sang Việt Nam, tranh thủ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ Việt Nam để lẩn tránh thuế, nên khi Việt Nam xuất khẩu cùng với mặt hàng của các quốc gia này thì khả năng bị kiện lây rất cao. Một yếu tố nữa là kinh tế thế giới chưa thoát khỏi khủng hoảng nên sản xuất nội địa của bản thân các nước nhập khẩu gặp khó khăn và nguy cơ họ sử dụng các công cụ như biện pháp phòng vệ thương mại để chặn hàng xuất khẩu sẽ cao hơn...

Ông Peter John Koenig cho rằng, trong năm tiếp theo, những mặt hàng như dệt may, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, thép, đinh, ốc vít... có nguy cơ liệt vào danh sách bán phá giá cao nhất. Ngoài ra, một số mặt hàng mới (mặc dù có kim ngạch xuất khẩu nhỏ) như hóa chất, sản phẩm cơ khí, điện, nhựa... cũng có thể bị điều tra.

Các chuyên gia cho rằng, để giảm thiểu các vụ kiện thương mại, Việt Nam cần phải nâng cao các biện pháp phòng vệ. Theo ông Peter John Koenig, có ba biện pháp mà doanh nghiệp Việt Nam nên thực hiện để phòng vệ, gồm: đa dạng hóa thị trường, tránh bán các mặt hàng với giá quá thấp và có hệ thống sổ sách kế toán rất rõ ràng, minh bạch. Đa dạng hóa các thị trường, khi bị kiện, doanh nghiệp sẽ không bị ảnh hưởng nhiều vì đã có lợi nhuận từ các thị trường khác. Còn nếu có sổ sách rõ ràng có thể giúp doanh nghiệp cung cấp kịp thời các số liệu cho các bên điều tra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phòng hơn chống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO