Phải thay đổi nhiều chính sách về kinh tế

DUY KHUÊ| 25/09/2014 06:16

Doanh nghiệp (DN) có cố gắng giúp nhau nhưng nếu vướng từ khâu chính sách thì cũng chịu thua. Vì thế, chúng tôi rất mong các chính sách đồng bộ từ Nhà nước, đừng nay vầy, mai khác".

Phải thay đổi nhiều chính sách về kinh tế

"Doanh nghiệp (DN) có cố gắng giúp nhau nhưng nếu vướng từ khâu chính sách thì cũng chịu thua. Vì thế, chúng tôi rất mong các chính sách đồng bộ từ Nhà nước, đừng nay vầy, mai khác", ông Trần Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 8 chia sẻ như vậy nhân dịp ông Tất Thành Cang, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đến thăm Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tuần qua.

Đọc E-paper

Theo ông Trần Ngọc Dũng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Dược phẩm An Thiên, công ty của ông may mắn là một trong những DN được UBND TP.HCM phê duyệt theo chương trình kích cầu, hỗ trợ lãi vay để đầu tư vào nhà máy sản xuất thuốc, vốn vay là 100 tỷ đồng, thời hạn 7 năm với lãi suất 9,15% cộng thêm phí là 2,5%/năm từ 4 ngân hàng.

Ông Dũng cho rằng, đây là sự hỗ trợ rất tốt từ chính quyền địa phương đối với DN. Song đứng ở vai trò Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Quận 8, ông Dũng nhìn nhận, DN vẫn rất khó khăn. Tất cả đều có niềm tin để vượt qua theo phương châm phải tự biết cứu mình trước.

"Tuy nhiên, nếu nhìn vào tổng quan tình hình của DN hiện nay, ngoài vốn, chính sách kinh tế vỹ mô cũng được xem là nút thắt khiến nhiều DN chưa phát triển được", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, dù được hỗ trợ lãi vay nhưng nếu so với Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản... mức lãi suất ở Việt Nam còn quá cao, thậm chí cao gần gấp 10 lần, DN không được hưởng hỗ trợ từ nhà nước thì càng khó khăn.

Mở rộng ra những ngành khác, cụ thể, DN cơ khí, khi mua máy móc nước ngoài thì được miễn thuế GTGT, còn khi mua máy móc, thiết bị trong nước thì chịu rất nhiều loại thuế...

Đồng quan điểm về chính sách kinh tế vĩ mô, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), phân tích, do tình hình kinh tế khó khăn, số lượng DN quy mô lớn cũng giảm mạnh, đến nay chỉ còn 2%, trước đây là 5%, nhưng DN và ngân hàng vẫn chưa gặp được nhau. Nguyên nhân cốt lõi của các vấn đề khó khăn mà DN gặp phải là xuất phát từ cơ chế chính sách.

Ngoài ý kiến của đại diện Công ty TNHH Dược phẩm An Thiên, trong buổi gặp gỡ với ông Tất Thành Cang, nhiều DN cho rằng, các chính sách hỗ trợ vẫn chưa theo hướng hỗ trợ DN. Ông Trần Quốc Mạnh, đại diện các DN chế biến gỗ, phát biểu, chính sách nên tập trung vào hỗ trợ DN như vấn đề tiền thuê đất, vì vấn đề này đang nóng đối với DN.

Công ty của ông cũng vừa nhận được thông báo về tiền thuê đất năm 2014, với giá tăng từ 3 -10 lần so với trước đây. Đại diện Công ty Tiên Tiến cũng phản ánh, tiền thuê đất cao đẩy DN lâm vào cảnh như phải mua một mảnh đất tới 2 lần. "Rất nhiều kiến nghị xem xét lại vấn đề tiền thuê đất để hỗ trợ DN, song hình như tiếng nói của DN không có trọng lượng", ông Mạnh bức xúc.

Ông Văn Đức Mười, đại diện Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, cho rằng, đương nhiên sẽ có những vấn đề ngoài tầm tay của thành phố nhưng không vì thế mà thành phố không phản ánh lên các bộ, ngành trung ương để tiếp tục cải thiện các chính sách kinh tế. Đồng thời, những vấn đề trong thẩm quyền của thành phố, kiến nghị cũng nên nhanh chóng tháo gỡ.

Dưới góc nhìn của nhà DN, ông Trần Ngọc Dũng, cho rằng: "Để đánh giá thế mạnh hay sự phát triển của một quốc gia, các nước căn cứ vào chỉ số GNP (Gross National Product) . Đây là một chỉ tiêu kinh tế đánh giá sự phát triển kinh tế của một đất nước, được tính là tổng giá trị bằng tiền của các sản phẩm cuối cùng và dịch vụ mà công dân của một nước làm ra.

Điều này không giống Việt Nam, căn cứ vào GDP, bao gồm cả những sản phẩm do các nhà đầu tư nước ngoài làm ra, dù lợi nhuận của họ không giữ lại ở Việt Nam. Để tăng nội lực, rõ ràng càng phải khuyến khích DN trong nước phát triển mạnh hơn.

Trong khi đặt vấn đề khuyến khích đầu tư thì DN bất động sản cho hạn mức được vay tối đa 70%, còn DN nhập máy móc, thiết bị tiên tiến, yếu tố tạo giá trị gia tăng lại được định giá cho vay tối đa 50%. Tự nhiên mình khuyến khích cái không tạo ra giá trị gia tăng. Đây là điều mà lãnh đạo nhà nước nên nhìn lại", ông Dũng khuyến nghị.

Tại buổi họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Tất Thành Cang ghi nhận tất cả các kiến nghị từ HUBA và các DN, hứa sẽ làm việc với các sở ngành để rà soát lại các vấn đề mà DN đang gặp phải. Đồng thời, ông đề nghị HUBA phối hợp với các sở, ngành để cùng đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn theo hướng tập trung vào từng lĩnh vực, ngành nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phải thay đổi nhiều chính sách về kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO