![]() |
3 thí sinh cuối cùng dự thi vòng chung khảo đã có buổi trình bày các dự án thuộc lĩnh vực ẩm thực trước BGK bao gồm: bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food, bà Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc công ty TNHH Tam Hà và ông Lại Minh Duy – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần DV Du lịch & TM TST.
![]() |
Với tình yêu sâu sắc với văn hóa ẩm thực quê nhà, các thí sinh đã có những dự án thú vị nhằm giới thiệu những món ngon độc đáo và nét đẹp của quê hương đến với BGK.
Đỗ Hoa Trà – sinh viên ĐH Ngoại Thương cơ sở 2 TP.HCM giới thiệu dự án quán cơm mang tên Cơm Thầy Cơm U. Đến từ thành phố Nam Định, Hoa Trà muốn mang đến cho thực khách không gian ẩm thực đặc trưng Bắc Bộ với những bữa cơm mang không khí gia đình giữa cuộc sống bận rộn. Hoa Trà cũng rất chu đáo khi chuẩn bị một phần cơm tiêu chuẩn để mang đến giới thiệu cho BGK.
![]() |
Giám khảo Minh Duy nhận xét phần phân tích tài chính của Hoa Trà khá kỹ nhưng chưa sâu và có nhiều điểm chưa chính xác. Ý tưởng mở quán ăn không mới và chưa có sự khác biệt rõ ràng. Dự kiến không gian quán cũng chưa phù hợp với các dự định phát triển của Hoa Trà.
BGK trông đợi một thực đơn đột phá hơn và khuyên thí sinh này không nên ôm đồm quá nhiều đối tượng khách hàng. Đến với cuộc thi, Hoa Trà muốn giới thiệu ý tưởng tâm huyết của mình và có cơ hội nhận được phản biện, góp ý từ những doanh nhân giàu kinh nghiệm để ngày càng hoàn thiện dự án của mình.
Giám khảo Thanh Lâm đánh giá cách đặt vấn đề của Hoa Trà chưa logic lắm. Nếu là bữa cơm gia đình theo văn hóa của người Việt thì phải bày biện thức ăn chung, không chia thành từng phần. Và đã định vị là phục vụ khách gia đình thì không nên đi theo hướng phục vụ kiểu thức ăn nhanh, không hạn chế giá và cần đầu tư chăm chút cho các món ăn.
Giám khảo Thanh Hà khuyên Hoa Trà nên tính lại giá thuê nhà, chi phí khấu hao tài sản và đội ngũ nhân viên. Nếu mới khởi nghiệp mà không lấy tinh thần lấy công làm lời thì rất khó thắng. Đừng nên trói buộc sản phẩm của mình vào đối tượng khách hàng từ miền Bắc, mà phải làm sao thu hút đối tượng khách hàng yêu thích ẩm thực Bắc Bộ. Nếu định vị là không chạy theo các xu hướng ẩm thực, thì phải độc đáo và thuần Bắc Bộ.
Phạm Thị Thảo Trang, sinh viên ĐH Ngân hàng TP.HCM mong muốn khôi phục và đưa đặc sản “Phở sắn Quế Sơn” đến với thực khách trên cả nước thông qua 3 nhà hàng “Chân quê” tại TP.HCM và Quảng Nam.
![]() |
Trước sự mai một của làng nghề làm phở sắn cũng như khi nhắc tới Quảng Nam thì mọi người chỉ mới biết đến cao lầu và mì Quảng, Thảo Trang mong mỏi bảo tồn, xây dựng thương hiệu và phát triển Phở sắn Quế Sơn. Các giám khảo đã cùng góp ý để mở hướng đi mới cho dự án này vì mở nhà hàng chưa phải là hướng đi thuyết phục và quá tầm.
Giám khảo Thanh Hà khuyên Thảo Trang nên đầu tư vào phát triển sản phẩm phở sắn từ sản xuất thủ công lên sản xuất công nghiệp. Việc đầu tư sản xuất này chỉ tốn 1/10 vốn dự định và sau đó phở sắn có thể được đóng gói tiện lợi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bán ra thị trường thông qua nhiều kênh khác nhau. Để thị trường tiếp nhận, Trang cần xây dựng chiến dịch PR hiệu quả để giới thiệu sản phẩm đến khách hàng trong tỉnh, rồi sau đó mới phát triển ra các thành phố khác và cả nước.
Giám khảo Thanh Lâm đánh giá ý tưởng của Thảo Trang hay nhưng cách làm chưa phù hợp. Ban đầu Trang chỉ cần đầu tư nhỏ vì quy trình và thiết bị đơn giản, nằm trong tầm tay. Vấn đề quan trọng là tìm được kênh phân phối. Giám khảo này chia sẻ thêm: Thành phần tinh bột trong bữa cơm của người Việt đang giảm dần. Phở sắn sẽ là một nguồn tinh bột mới giúp đa dạng hóa bữa cơm của người Việt. Giám khảo Thanh Lâm cũng hứa sẽ hỗ trợ phân phối nếu Thảo Trang phát triển thành công sản phẩm tại quê hương.
Giám khảo Minh Duy dặn dò Thảo Trang nên giữ nét truyền thống trong sản phẩm, có tinh thần cầu toàn để không làm khách hàng thất vọng. Có nhiều cách để PR, marketing đưa sản phẩm trở lại như tận dụng truyền thông, giới thiệu tại các hội chợ, hội thảo, ngày hội giao lưu ẩm thực, giới thiệu cho các đầu bếp.
Nguyễn Ngọc Xuân Trúc – sinh viên trường ĐH Đồng Tháp giới thiệu dự án nhà hàng Sen Hồng – chuyên phục vụ các món ăn đặc sản của Đồng Tháp và kết hợp với quầy bán các món đặc sản đóng gói sẵn.
![]() |
Giám khảo Minh Duy đánh giá dự án có điểm tốt là muốn hướng đến sự chuyên nghiệp, có khát khao, có ước mơ nhưng chưa đi sâu, chưa hiểu rõ cách thức hiện thực hóa dự án. Tuy nhiên logo nhiều họa tiết quá và chưa phù hợp với mục đích thương mại. Bản sắc văn hóa cần phải hiện rõ qua không gian nhà hàng.
Các giám khảo hỏi Xuân Trúc nhiều vấn đề xung quanh chuyên môn ẩm thực và văn hóa địa phương, và khuyên thí sinh này nên trau dồi thêm. Mỗi nhà hàng phải cạnh tranh bằng những món đặc trưng và thực đơn phải do chủ nhà hàng quyết định chứ không phải là đầu bếp. Vì vậy khi làm về chuyên đề ẩm thực phải hiểu biết kỹ lưỡng về nấu ăn.
Giám khảo Thanh Hà đánh giá định vị khách hàng của dự án chưa rõ. Có nguồn vốn dễ dàng không phải là điểm tốt trong xây dựng đề án vì dẫn đến tính chủ quan. Giám khảo Thanh Lâm nhận xét đề án còn nhiều điểm chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là thực đơn phải xây dựng lại để tạo sự khác biệt.
Kết quả, Nguyễn Ngọc Xuân Trúc – sinh viên trường ĐH Đồng Tháp (40,4/50) là thí sinh cuối cùng có đề án đạt giải trong mùa thi 2013.