Nâng cao năng lực doanh nghiệp để phát triển kinh tế

Nhóm PV| 28/03/2022 01:00

Doanh nghiệp mạnh, Thành phố phát triển” là chủ đề mà Đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) nhiệm kỳ VII (2022-2027) đặt ra, nhằm tìm kiếm những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, tạo đà phát triển kinh tế.

Giúp doanh nghiệp tự nâng cao năng lực

Hai năm Covid-19 xuất hiện là hai năm đầy áp lực với doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung. Sau giai đoạn khó khăn, thành phố dần kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, DN đã trở lại hoạt động. Song những yếu tố đánh giá năng lực, vị thế của DN đang dần thay đổi. “Nếu như trước đây, để đánh giá một DN mạnh, người ta thường nhìn vào tài chính, nguồn vốn, nhân công, quy mô sản xuất, xuất khẩu, thì hiện nay góc nhìn đã thay đổi. Người ta bắt đầu quan tâm đến tài sản trí tuệ, hệ sinh thái sản xuất, môi trường làm việc, mối quan hệ với DN khác”, bà Huỳnh Thị Mỹ Nương - Tổng giám đốc Công ty Đào tạo lãnh đạo và Dịch vụ phát triển bền vững (SDLT) chia sẻ.

Từ đó, bà Nương gợi ý các hướng mà DN có thể tham khảo để tự nâng cao năng lực trong bối cảnh “bình thường mới”. Cụ thể, DN cần đẩy mạnh về công nghệ vì đây là một trong những điểm mạnh để đi nhanh hơn, kịp bắt nhịp với những kiến thức mới của Việt Nam cũng như thế giới. Vấn đề liên kết chuỗi của DN Việt Nam còn khá rời rạc, đặc biệt ở các ngành, các lĩnh vực khác nhau chưa tìm được điểm chung để kết nối. Nếu DN biết cách sáng tạo, quan tâm nhiều hơn đến liên kết chuỗi thì sẽ tạo được nhiều giá trị gia tăng. Hiện nay, nước ta đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), đây vừa là thuận lợi, vừa yêu cầu DN phải tự nâng cấp để thích ứng. Bởi các FTA thế hệ mới luôn đặt ra những tiêu chuẩn rất cao về chất lượng sản phẩm cũng như quyền lợi người lao động. 

Sau 10 năm nghiên cứu hơn 700 DN tại Việt Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) gợi ý ba việc cần làm để DN tự nâng cao năng lực. 

Thứ nhất, DN phải nắm vững thông tin từ đại dịch đến những biến động toàn cầu về kinh tế, chính trị, xã hội, cả trong và ngoài nước. Bởi DN thiếu thông tin thì không thể ra được quyết định đúng đắn và có những kế hoạch phát triển bền vững. 

Thứ hai, với bối cảnh hiện nay. DN càng phải thể hiện năng lực thích ứng cũng như là sự tồn tại và phát triển. Vì vậy, DN cần phải tái cấu trúc toàn diện, phải làm sao để từ người lãnh đạo, từ khâu đầu vào, từ vùng nguyên liệu, công nhân, khách hàng và thị phần đều phải xem xét lại để nếu thiếu sót, bất cập thì phải thay đổi. 

Thứ ba, Covid-19 là một rủi ro bất ngờ, nhắc nhở DN về sự chuẩn bị. Hơn bao giờ hết, ngay bây giờ DN cần dự liệu sẵn những tình huống ứng phó rủi ro. Ví dụ như tình huống về đợt bùng phát mạnh tiếp theo của dịch Covid-19, về ảnh hưởng bởi khủng hoảng của cuộc chiến Nga - Ukraine, hay biến đổi khí hậu...

Vai trò của chính quyền thành phố...

Ông Dũng chia sẻ: “Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM là một trong những bước đột phá lớn của thành phố, tuy nhiên trong bối cảnh đại dịch mới được khống chế một phần để khôi phục và phát triển kinh tế, tôi nghĩ cần có sự đồng bộ giữa DN, chính quyền, cộng đồng, khách hàng và các cơ quan chức năng có liên quan. Chính quyền thành phố cần tiếp tục cải thiện, nâng cao tính thiết thực của các chính sách, ưu tiên nâng cấp, thay đổi chính sách theo thể chế của các FTA thế hệ mới và tận dụng tốt các mối quan hệ quốc tế đang có. Đặc biệt, chính quyền phải kiên quyết trong vấn đề nhân sự, thưởng phạt phân minh”.

Bổ sung vấn đề này, bà Nương bày tỏ: “Không chỉ các mối quan hệ quốc tế, nguồn lực vùng, mối quan hệ trong nước cũng cần lưu tâm. TP.HCM cần nắm bắt và hợp tác hiệu quả với khu vực đồng bằng sông Cửu Long - nơi có nguồn nguyên liệu và nhân công lớn”. Để hỗ trợ DN, các chính sách về hành chính công của thành phố cần thông thoáng, quá trình giải quyết nhanh chóng. Một số vấn đề như ô nhiễm không khí, ngập úng, tắc nghẽn giao thông đang ảnh hưởng đến chất lượng sống, thời gian, công sức của cả người lao động và chủ DN. Thành phố muốn phát triển bền vững thì môi trường phải đáng sống. DN phát triển mạnh mà hạ tầng chất lượng thấp thì khó đồng bộ và cạnh tranh trên trường quốc tế”.

...Và các hiệp hội, tổ chức doanh nghiệp

Mặc dù nước ta chưa có luật về hội, nhưng nhìn chung các tổ chức hội đoàn đã hoạt động khá tốt. Đặc biệt là Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA). Ông Dũng chia sẻ: “HUBA đã hoạt động tích cực, năng động và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, HUBA đã kết nối tốt các thành viên, cung cấp đầy đủ thông tin hữu ích, hỗ trợ hoạt động, phát triển của DN. Đây là điểm mạnh HUBA cần tiếp tục bổ sung và nâng cấp trong Đại hội VII sắp diễn ra để tăng thêm niềm tin và thu hút DN tham gia hiệp hội”.

Thông qua các sự kiện, chương trình kết nối, giao lưu, HUBA trở thành cầu nối kết nối DN trên địa bàn TP.HCM, DN tại thành phố với nhiều tỉnh, thành. Đặc biệt, HUBA luôn là tổ chức thúc đẩy các nhân tố tích cực, khuyến khích, động viên DN thành viên vượt qua khó khăn, hướng đến những bước phát triển mới.

Mặc dù HUBA đã làm việc hiệu quả, cùng DN tạo nên những dấu ấn nổi bật nhưng có một số điểm cần phát huy thêm. Bà Nương cho biết: “Tôi cũng như nhiều DN trên địa bàn thành phố đánh giá cao hoạt động của HUBA. Song HUBA nên tăng cường hơn nữa vai trò cập nhật, cung cấp thông tin kịp thời cho DN. HUBA có lẽ cần một cơ chế hoạt động đặc thù, đặc biệt là về tài chính để hỗ trợ tốt hơn cho DN thành viên cũng như DN trên địa bàn thành phố”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nâng cao năng lực doanh nghiệp để phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO