Khi doanh nhân tham chính

LÊ LOAN thực hiện| 18/05/2016 00:25

Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội là doanh nhân phải là người có bản lĩnh, trí tuệ, có khả năng nắm bắt những vấn đề về pháp luật, chính sách của Nhà nước và trình bày vấn đề một cách thuyết phục trước Quốc hội.

Khi doanh nhân tham chính

Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” cho thấy vai trò của doanh giới ngày càng được đánh giá cao. Điều này càng thể hiện rõ khi nhiều doanh nhân trở thành đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp qua các nhiệm kỳ.  

Đọc E-paper

Sau khi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV và HĐND các cấp Khóa IX Nhiệm kỳ 2016 - 2021 được công bố vào cuối tháng 4/2016, thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương và phương tiện thông tin đại chúng, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND đã báo cáo với cử tri về chương trình hành động - một thông điệp thực hiện trách nhiệm của đại biểu với những người sẽ tín nhiệm bầu chọn mình.

Tại Nhiệm kỳ 2016 - 2021, theo danh sách được công bố sau ba vòng hiệp thương, có 870 người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV thuộc 184 đơn vị bầu cử để cử tri bầu ra 500 đại biểu.

Trong đó, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) có hai ứng viên ứng cử đại biểu Quốc hội là bà Lã Thị Lan - Tổng giám đốc Tập đoàn Đầu tư Tiến Lộc và ông Trần Việt Anh - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn.

Số liệu tổng hợp đại biểu Quốc hội là doanh nhân cho thấy, tại Quốc hội Khóa XI (2002 - 2007) có 25 đại biểu là doanh nhân, Quốc hội Khóa XII (2007- 2011) có 16 đại biểu là doanh nhân, Quốc hội Khóa XIII (2011 - 2016) có 35 đại biểu là doanh nhân; Quốc hội Khóa XIV (2016 - 2021) dự kiến 30 đại biểu là doanh nhân.

Theo Điểm 2 Chỉ thị số 51-CT/TW, ngày 4/1/2016 của Bộ Chính trị, ứng viên được đề cử vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội phải là "...người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội".

Điều này đồng nghĩa các ứng cử viên đại biểu Quốc hội là doanh nhân phải là người có bản lĩnh, trí tuệ, có khả năng nắm bắt những vấn đề về pháp luật, chính sách của Nhà nước và trình bày được những vấn đề mà cử tri quan tâm một cách thuyết phục trước Quốc hội.

Song song cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, chương trình bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 cũng đang được tiến hành. Ở TP.HCM có 175 ứng cử đại biểu HĐND tại 35 đơn vị bầu cử, trong đó ứng cử viên HĐND là lãnh đạo khối doanh nghiệp gồm 18 người. Tại nhiệm kỳ này, HUBA đề cử ông Kao Siêu Lực - Giám đốc DNTN Bánh kẹo Á Châu (ABC) tham gia ứng cử đại biểu HĐND TP.HCM.

Sau đây là tóm lược chương trình hành động của hai ứng viên đại biểu Quốc hội Khóa XIV và ứng viên HĐND TP.HCM Nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Ông Trần Việt Anh

Ủy viên Ban chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM 
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Thủ Đức
Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty Nam Thái Sơn
Đơn vị bầu cử số 7 (quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, TP.HCM)

"Cam kết lắng nghe tâm tư, bức xúc của cử tri để chuyển đến chính quyền và Quốc hội. Đấu tranh hướng đến môi trường sống tốt và an toàn cho cử tri về thực phẩm, an ninh, văn hoá. Cam kết đề xuất ý kiến đổi mới, sáng tạo đến Quốc hội nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Cùng cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ mọi người có cơ hội trở thành chủ doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu quốc gia có 2 triệu doanh nghiệp. Cùng Quốc hội có những quyết sách đầu tư về xây dựng chiến lược nguồn nhân lực quốc gia. Bám sát nội dung Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X với tư tưởng xuyên suốt là đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững".

Bà Lã Thị Lan

Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM
Giám đốc Quỹ Doanh nhân vì cộng đồng 
Phó chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam 
Tổng giám đốc Tập đoàn Đầu tư Tiến Lộc 
Đơn vị bầu cử số 10 (quận 8 và huyện Bình Chánh, TP.HCM)

"Chắt lọc quan điểm, ý kiến của doanh nhân, người lao động để tham gia thảo luận, biểu quyết có chất lượng, đóng góp cho Quốc hội ban hành văn bản pháp luật sát thực tế, tác động tốt tới nhân dân và sự phát triển của đất nước. Sâu sát và lắng nghe nguyện vọng của cử tri, từ đó kịp thời kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật phù hợp với sự phát triển của đất nước. Đưa ý nguyện của cử tri vào diễn đàn Quốc hội trong việc chống tham nhũng. Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các hội ngành nghề, hội doanh nghiệp quận, huyện. Tích cực vận động doanh nghiệp đóng góp cho cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em thông qua các hoạt động xã hội - từ thiện".

Ông Kao Siêu Lực

Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM 
Phó chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM 
Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 11 
Giám đốc DNTN Bánh kẹo Á Châu (ABC) 
Đơn vị bầu cử số 12, quận 11 (phường 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16)

"Lắng nghe ý kiến cử tri, tham gia giám sát hoạt động các cơ quan nhà nước, khối doanh nghiệp và kiến nghị lãnh đạo TP.HCM giải quyết. Tích cực đấu tranh với tệ nạn thực phẩm bẩn. Xúc tiến nhanh chương trình xây dựng chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm. Tích cực tham gia và tăng cường vận động các "mạnh thường quân" trong công tác an sinh xã hội (khuyến học, xóa đói giảm nghèo, chia sẻ khó khăn với người dân do thiên tai, nạn nhân chất động màu da cam...). Thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc. Đấu tranh, hiến kế vì lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân và doanh nghiệp".

 >Doanh nhân Lã Thị Lan: Nữ lãnh đạo phải có chút... chất thép

>Triết lý kinh doanh của ông chủ ABC Bakery

>TGĐ công ty bao bì Nam Thái Sơn: Chăm chỉ, kiên nhẫn làm nên kỳ tích

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi doanh nhân tham chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO