Hội chật vật tìm nguồn thu

PHAN LÊ| 13/09/2012 06:13

Ngoại trừ số ít tổ chức hội đã tạo được nguồn thu từ các hoạt động đào tạo, xúc tiến thương mại, tổ chức sự kiện..., phần lớn các hội, câu lạc bộ hiện nay có nguồn thu chính chủ yếu là từ hội phí do doanh nghiệp thành viên đóng góp.

Hội chật vật tìm nguồn thu

Ngoại trừ số ít tổ chức hội đã tạo được nguồn thu từ các hoạt động đào tạo, xúc tiến thương mại, tổ chức sự kiện..., phần lớn các hội, câu lạc bộ (CLB) hiện nay có nguồn thu chính chủ yếu là từ hội phí do doanh nghiệp (DN) thành viên đóng góp.

Đọc E-paper

Rất ít hội đủ nguồn thu để tổ chức các hoạt động xúc tiến hiệu quả

“Yếu” công nghệ

Theo ông Thieu Korten, chuyên gia cao cấp về quản lý hiệp hội của Tổ chức Giới chủ Hà Lan (DECP), ngoài nguồn thu từ hội phí, các tổ chức hội còn có thể tạo thêm những nguồn thu khác như: phí cung cấp thông tin, hỗ trợ pháp lý, truyền thông cho DN thông qua các phương tiện truyền thông, quảng cáo trên website, bản tin hội hay các sự kiện do hội tổ chức... Tuy nhiên, không có nhiều hội, câu lạc bộ (CLB) làm được điều này.

Điểm sơ, cả nước có trên 50 tổ chức hiệp hội ngành nghề mang tầm quốc gia, nếu tính cả văn phòng đại diện của các tổ chức này lẫn các hiệp hội, hội, CLB ngành nghề, địa phương thì con số có thể lên tới hàng trăm.

Và đây chính là lực lượng hùng mạnh đại diện cho DN, doanh giới trên toàn quốc. Đồng thời, đây còn là một trong những đầu mối có thể đi sâu sát và phản ảnh khá trung thực tình hình hoạt động của các DN trên từng địa bàn, ngành nghề.

Xét về lý thuyết, phương hướng thì tốt nhưng còn lúng túng trong cách thực hiện. Bởi hiện tại, kênh truyền thông tin nhanh nhất vẫn là qua internet, song hầu hết các cổng thông tin điện tử của các hội, CLB lại rất nghèo nàn thông tin, thậm chí có những địa chỉ còn trong giai đoạn “trùm mền sửa chữa”.

Điều này thể hiện khá rõ thông qua các website của 56 tổ chức hội, CLB có liên kết với website của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA). Cụ thể, có những website chỉ mang tính chất “điểm tô”, “xí chỗ” chứ không hề được chú trọng về mặt nội dung.

Nhiều thông tin đã diễn ra từ vài năm trước vẫn nằm nổi bật ở mục “new” trên giao diện. Đây là tình trạng chung của số đông tổ chức hội chứ không riêng gì hội, CLB có tầm địa phương hay cả nước.

Có lẽ do khả năng hạn chế hay gặp những khó khăn nào đó nên các tổ chức hội chưa cải thiện được tình trạng này, và kết quả là đã làm “vuột mất” nguồn thu từ quảng cáo trên website của mình.

Quả là đáng tiếc, bởi thực tế, nếu các tổ chức hội có thể xây dựng và điều hành website riêng của mình hoạt động tốt, đảm bảo được việc truyền tải thông tin kịp thời đến các hội viên trong tổ chức, thì việc thu hút DN tham gia quảng cáo thu phí là điều trong tầm tay.

“Mù” thông tin

Hiện tại, một vài tổ chức hội cũng đã tiến hành những hoạt động có thu như tổ chức sự kiện, các khóa đào tạo, hội thảo... Tại cuộc họp Ban Chấp hành mở rộng lần thứ 9, nhiệm kỳ V (2009-2014) do HUBA tổ chức hồi tháng 7/2012, đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM và đại diện CLB Doanh Nhân Sài Gòn cho biết, mặc dù không nhiều nhưng tới thời điểm hiện tại, hai đơn vị này đã tạo được những nguồn thu đủ trang trải và dự phòng cho các hoạt động của tổ chức thông qua các chương trình đào tạo, xúc tiến thương mại, tổ chức sự kiện...

Trong khi đó, những hoạt động cung cấp thông tin, hỗ trợ pháp lý cho DN hội viên thì hầu như vẫn chưa phát huy tác dụng. Tại HUBA, mặc dù đã có Văn phòng Tư vấn Pháp luật nhưng phí thu được rất ít.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Thường trực HUBA, cho biết, các hoạt động tư vấn luật do Trung tâm Tư vấn Pháp luật thuộc HUBA thực hiện chủ yếu là hỗ trợ, trừ khi DN yêu cầu cung cấp dịch vụ hay ký những hợp đồng tư vấn dài hạn, song phí thu được cũng không nhiều.

Cũng theo ông Hưng, ngoài HUBA và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM (VCCI), là những tổ chức đã có bộ máy tư vấn pháp luật, hỗ trợ DN tương đối hoàn chỉnh, còn hầu hết các tổ chức hội là thành viên của HUBA không có bộ phận này.

“Về pháp lý, các tổ chức hội đều có thể thành lập phòng tư vấn luật thuộc hội, tuy nhiên, kinh phí nuôi bộ máy hội hoạt động còn không có, lấy đâu nuôi thêm bộ máy tư vấn luật”, ông Hưng nói.

Ở lĩnh vực thông tin, ngoài Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đã có nguồn thu từ việc bán “báo cáo xuất khẩu thủy sản” phát hành hằng quý, còn hầu hết các hội vẫn chưa khai thác được nguồn thu này. Điều này cũng không khó hiểu khi các hội đều rơi vào cùng tình trạng “sức mỏng, lực kiệt”, do đó cũng khá khó khăn để có thể cải thiện và khai thác khía cạnh này.

Nếu như việc tìm nguồn thu ở đầu vào chưa thể khai thác hết thì ở đầu ra, việc phân phối chi phí của các tổ chức hội hiện nay lại càng đau đầu hơn do thu không đủ bù chi. Chuyên gia của DECP khuyến cáo, cần phải thiết lập một hệ thống kế toán theo kế hoạch đã vạch ra ban đầu, trong đó, phải tính toán sao cho đảm bảo tổng doanh thu ít nhất phải bằng với tổng chi phí.

Công tác kế toán phải được thực hiện đều đặn, ví dụ hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng... và chú trọng yếu tố hệ thống có rõ ràng, công khai hay không. Hiện tại, các tổ chức hội tại Việt Nam vẫn chưa đảm bảo các thành viên đều có thể biết được hội phí họ đóng sẽ được sử dụng như thế nào, có hợp lý hay không.

Thực trạng trong các tổ chức hội đang diễn ra hai khuynh hướng, một là “không làm được” và hai là “làm không tới”, nhưng vẫn chưa năng động tìm ra hướng khắc phục.

Do đó, vô tình các tổ chức này đã tự tạo cho mình “tảng băng” lớn đến nỗi ngáng cả đường phát triển của chính mình. Thế nên, vòng luẩn quẩn “nguồn thu hạn hẹp - hội không đẩy mạnh được hoạt động - DN ít hưởng ứng - không có nguồn thu” vẫn cứ tiếp diễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hội chật vật tìm nguồn thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO