Hiệp hội cùng doanh nghiệp gỡ khó

DUY KHUÊ| 04/03/2015 06:51

Liên tiếp trong những ngày đầu năm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) đều ra những công văn có tính "kêu cứu".

Hiệp hội cùng doanh nghiệp gỡ khó

Liên tiếp trong những ngày đầu năm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) đều ra những công văn có tính "kêu cứu".

Đọc E-paper

Theo VASEP, khảo sát xuất khẩu trong năm 2014 và đầu năm 2015 cho thấy, giá xuất khẩu cá tra Việt Nam và các loại cá thịt trắng khác đều trong xu hướng giảm. Sự gia tăng sản lượng nguồn cá da trơn từ các nước như Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ... khiến Việt Nam mất dần vị thế trên thị trường thế giới.

EU là thị trường lớn nhập khẩu cá tra Việt Nam, nhưng do đồng EUR mất giá, nên dù chiếm tới 19,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp (DN) cũng không đủ sức nâng giá cá tra philê xuất khẩu tại khu vực này.

>EU muốn nhập nhiều cá tra

Tại thị trường nhập khẩu lớn khác là Mỹ, cá tra Việt Nam cũng gặp khó khăn do đối mặt với chính sách bảo hộ với mức áp thuế cao, cũng như việc gia tăng chi phí cho các vụ kiện chống bán phá giá. Ngoài ra, thị trường Nga cũng có nguy cơ mất khả năng thanh toán do ảnh hưởng từ sự mất giá mạnh của đồng rúp.

Trước những thách thức này, ngày 10/2, VASEP đã gửi Công văn số 37/2015/CV-VASEP tới Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ) về việc triển khai, thực hiện các quy định của Nghị định số 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm từ cá tra.

Theo đó, Nhà nước nên có những quy định linh hoạt, cũng như có lộ trình để DN có thời gian chuẩn bị thích ứng với quy định mới. Đồng thời kiến nghị Bộ không quy định cụ thể về hàm lượng ẩm tối đa là 83% và tỷ lệ mạ băng 10%, thay vào đó là tỷ lệ hàm lượng ẩm 86% như một quy định sàn bắt buộc cho tất cả các thị trường trong năm 2015.

Quy định về tỷ lệ hàm lượng ẩm tối đa sẽ giảm dần theo lộ trình căn cứ vào phản ứng của thị trường, cho đến khi đạt được chỉ tiêu chất lượng phù hợp cho mọi thị trường. Theo Bộ, việc không kiểm soát chất lượng và để tự doanh nghiệp kê khai đã diễn ra trước khi có Nghị định 36 và dẫn đến khó khăn khi xuất khẩu các sản phẩm từ cá tra như thời gian qua.

Tuy nhiên, trước kiến nghị trên, để tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ vẫn đề xuất và được Chính phủ đồng ý về việc chưa thực hiện các quy định về hàm lượng ẩm và tỷ lệ mạ băng đến hết ngày 31/12. Hiện Bộ đã phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội Cá tra Việt Nam và VASEP trao đổi kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 36.

Mới đây, VCOSA đã đề nghị Thủ tướng, lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục Quản lý cạnh tranh chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ thực hiện các thủ tục khởi xướng điều tra chống bán phá giá sợi Filament nhập khẩu đối với các DN đến từ các quốc gia, khu vực có dấu hiệu bán phá giá vào Việt Nam.

Theo Hiệp hội, hiện tượng bán phá giá đối với các mặt hàng sợi Filament nhập khẩu vào Việt Nam đã tồn tại nhiều năm qua từ Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Đài Loan. Thực chất, sợi Filament, cụ thể là với hai mã hàng 5402.33 và 5402.47, Việt Nam có thể sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước.

Nhưng, do sự cạnh tranh không công bằng nên đã dẫn đến tình trạng các DN sản xuất sợi trong nước gặp nhiều khó khăn, đôi khi phải bán dưới giá thành, chấp nhận lỗ để giữ thị phần. VCOSA lo ngại, DN Việt sẽ phá sản nếu cứ để tình trạng này kéo dài hơn.

Sức ép cạnh tranh sẽ ngày càng quyết liệt khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) trở thành hiện thực vào cuối năm 2015 kéo theo 100% thuế suất đối với hàng hóa thông thường từ các nước ASEAN được xóa bỏ.

Trong khi hàng hóa Việt Nam đang khó cạnh tranh với hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan thì với thị trường hơn 600 triệu dân được tự do hóa, không chỉ hàng xuất khẩu mà ngay tại thị trường trong nước, hàng Việt Nam cũng gặp trở ngại. Vì thế, những khó khăn của DN nếu không được giải quyết ngay và có chiến lược dài hơi hơn, khó khăn sẽ thêm chồng chất.

Về kiến nghị tương tự của các hiệp hội, chia sẻ tại một tọa đàm đầu năm 2015, Giáo sư David Dapice (Đại học Harvard, Hoa Kỳ), đánh giá cao vai trò của các hiệp hội ngành nghề, cũng như những tác động hữu ích của tổ chức đối với các DN. Điều này sẽ góp phần giúp cho các DN tư nhân phát triển tốt hơn.

Tuy nhiên, khi nói đến những tổ chức thể chế như thế này thì không chỉ giới hạn trong khu vực tư nhân mà kể cả các chính phủ. "Ví dụ, chúng ta nói nhiều đến chất lượng an toàn thực phẩm và các vấn đề về các chất độc hại trong thực phẩm. Đây chính là trách nhiệm của các chính phủ và tiếng nói của tổ chức hội cũng tác động rất tốt", ông David Dapice cho hay.

>Tham gia thị trường chung: Hiệp hội DN cũng cần đoàn kết

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hiệp hội cùng doanh nghiệp gỡ khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO