Việt Nam có rất nhiều mặt hàng nông sản như cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, rau củ quả… đã được xuất khẩu ra nhiều quốc gia và các vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại thị trường nội địa, các mặt hàng này cũng được bày bán nhiều ở các chợ, hệ thống siêu thị, tiệm tạp hóa…
Hằng tuần, hầu như các gia đình người Việt Nam đều có thói quen đi chợ hoặc siêu thị để mua thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu và những mặt hàng nông sản. Việc lựa chọn mua hàng ở nơi nào cũng tùy vào thời điểm, chính sách của từng nơi bán. Nhìn chung, các mặt hàng thực phẩm của siêu thị Co.opmart thường tươi ngon, sạch sẽ và giá cả cạnh tranh hơn so với các siêu thị khác, nên thường được rất nhiều người tiêu dùng chọn mua. Ở siêu thị Co.opmart còn có rất nhiều loại nông sản chưa qua chế biến hoặc đã chế biến, với nhiều mẫu mã và bao bì đẹp mắt rất tiện dụng cho mọi người.
Là một người dân sinh sống tại quận 12, khi Co.opmart Phan Văn Hớn khai trương, do ở gần siêu thị và thấy siêu thị trang trí rất đẹp nên gia đình tôi sang tham quan. Dạo một vòng, thấy có nhiều mặt hàng như bánh kẹo, mì gói, sữa… có xuất xứ Việt Nam hoặc nước ngoài rất nhiều, rất đa dạng. Gian hàng nông sản ở góc cuối siêu thị thì có nhiều loại rau như rau dền, cải ngọt, bồ ngót hay lá giang… rất tươi vì luôn được nhập mới về, nguồn gốc xuất xứ chủ yếu là từ các vùng miền khắp Việt Nam. Gia đình tôi cũng đã sử dụng rất nhiều sản phẩm này tại siêu thị Co.opmart nên hoàn toàn tin tưởng khi lựa chọn.
Ngoài ra, ở siêu thị còn có các loại thực phẩm được chế biến sẵn như cá lóc ướp sẵn, gà ướp xả, khổ qua dồn thịt, thịt heo cốt lết tẩm ướp… Các sản phẩm này thường được tiêu thụ nhanh chóng do dễ nấu nướng, tiện lợi cho nhiều người tiêu dùng, tiết kiệm nhiều thời gian cho những người bận rộn.
Nhìn chung, lượng hàng hóa nông sản tươi sống được bày bán tại siêu thị Co.opmart đã góp phần phát triển ngành nông sản của Việt Nam, đồng thời đưa đến cho người tiêu dùng những sản phẩm có chọn lọc, chất lượng từ nhiều nhà cung cấp trên thị trường.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều vùng nông sản ở Việt Nam như các tỉnh Gia Lai, Quãng Ngãi, Bình Thuận hay các tỉnh miền Tây có nhiều loại sản phẩm như dưa hấu, thanh long, khoai lang… nhiều thời điểm được mùa nhưng không tiêu thụ kịp hoặc nơi tiêu thụ gặp khó khăn nên bán với giá thấp, thậm chí phải bỏ ngoài đồng.
Các loại nông sản phần nhiều vận chuyển sang Trung Quốc, khi thị trường này gặp khó khăn thì lượng hàng tiêu thụ sang đây cũng gặp khó. Nhiều năm về trước, các thương nhân Trung Quốc không thu mua thanh long tại tỉnh Bình Thuận đồng thời giá thương lái Việt Nam mua chỉ với 2.000 đồng/kg, người dân trồng thanh long phải cho bò ăn hoặc đổ ngoài ruộng. Hoặc đợt dịch Corona vừa qua đã làm các đơn hàng nông sản Việt Nam bị dồn ứ tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hoặc bị hủy cả đơn hàng.
Ở nhiều nơi, các doanh nghiệp hay cá nhân cũng đã tập hợp nhiều loại nông sản tại nhiều địa phương trên cả nước để hỗ trợ tiêu thụ. Tuy nhiên, cũng chỉ được một phần. Tại TP.HCM đã có nhiều siêu thị tham gia giải cứu nông sản và cũng được người dân đón nhận nhiệt tình. Tại Co.opmart Phan Văn Hớn nhiều thời điểm cũng nhập các mặt hàng này để hỗ trợ nông sản các tỉnh khó khăn, nhưng chỉ có một vài hôm với số lượng trái cây như dưa hấu hoặc thanh long ruột đỏ, sầu riêng… với số lượng có hạn, chỉ trong vài tiếng đồng hồ lượng hàng này đã hết do số người tiêu thụ rất đông. Nhiều gia đình còn rủ nhau canh chờ Co.opmart Phan Văn Hớn đẩy hàng ra để mua về sử dụng. Điều này chứng tỏ lượng hàng nông sản này chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng tại các thành phố lớn ở Việt Nam, nhất là TP.HCM.
Các loại nông sản của Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng và chất lượng, nhiều loại hàng có khả năng cạnh tranh được với các mặt hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, việc tiêu thụ cũng còn là một vấn đề cần đặt ra cho những đơn vị sản xuất, nuôi trồng cũng như các đơn vị kinh doanh.
Do đó, các cơ quan ban ngành hoặc các đơn vị liên quan cần nghiên cứu, tìm hiểu và kết nối hệ thống siêu thị với các nguồn nông sản tại các vùng thành chuỗi kinh doanh theo cơ chế thị trường. Đây sẽ là một kênh phân phối giúp tiêu thụ lượng nông sản hiệu quả, giúp rau quả Việt Nam có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.
(Bài dự thi Chương trình Doanh Nhân với Người tiêu dùng)