Doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung phát triển thương hiệu

LÊ LOAN ghi| 29/06/2016 04:11

Doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường Hong Kong đã không còn khó khăn nữa, nhưng vấn đề chung là tính bảo hộ trí tuệ đối với sản phẩm chưa cao.

Doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung phát triển thương hiệu

Trong hội thảo "Hong Kong: Đối tác giao thương quốc tế” do Cục Xúc tiến thương mại Hong Kong (HKTDC), Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (Vietrade) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh TP.HCM phối hợp tổ chức vào tuần qua tại TP.HCM, bà Margaret Fong - Cục trưởng HKTDC đã có những chia sẻ về thị trường Hong Kong đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Đọc E-paper

Sau đây là lược ghi ý kiến của bà Margaret Fong khi trả lời phỏng vấn phóng viên Doanh Nhân Sài Gòn.

DN Việt Nam đang đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nhưng theo tôi DN cần đặc biệt tập trung phát triển thương hiệu. Tôi nhận thấy những mặt hàng nông sản, thủy hải sản, các sản phẩm mang tính đặc sản hay các mặt hàng về may mặc, mỹ nghệ rất có cơ hội để phát triển tại thị trường Hong Kong.

Bà Margaret Fong - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Hong Kong

Bởi từ đây, DN không chỉ đưa được hàng hóa sang thị trường các nước, mà còn có thể trở thành nhà cung ứng cho thị trường Hong Kong. 

Theo đó, hàng hóa tại đây không chỉ phục phụ cho 7 triệu dân Hong Kong mà còn phục vụ cho khoảng 16 triệu du khách đến Hong Kong mỗi năm. DN Việt Nam thâm nhập vào thị trường Hong Kong đã không còn khó khăn nữa, nhưng vấn đề chung là tính bảo hộ trí tuệ đối với sản phẩm chưa cao.

Với 39 năm kinh nghiệm, chúng tôi có nhiều dịch vụ để hỗ trợ DN, trong đó bao hàm cả việc tư vấn về bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa. Khi hàng hóa đến Hong Kong, HKTDC còn có thể hỗ trợ DN đưa hàng vào thị trường Trung Quốc dễ dàng hơn, thông qua Hiệp định Đối tác kinh tế Trung Quốc - Hong Kong. Điều này đã được chúng tôi thực thi đối với các DN hải sản đến từ Chile, New Zealand thời gian qua.

Chúng tôi đã đàm phán FTA giữa Hong Kong và ASEAN từ tháng 7/2014, bao gồm việc loại bỏ, giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế quan, quy tắc xuất xứ ưu đãi, tự do hóa thương mại dịch vụ...

Theo đó, các DN ASEAN có thể thiết lập cơ sở sản xuất tại Hong Kong, sản xuất hàng hóa đáp ứng các quy tắc xuất xứ của Hiệp định đối tác kinh tế Trung Quốc - Hong Kong nhằm được miễn thuế xuất khẩu khi bán hàng vào Trung Quốc, bên cạnh việc chọn Hong Kong là cửa ngõ để hàng hóa ASEAN trong đó có Việt Nam ra thị trường các nước.

Đối với việc tham gia triển lãm tại các hội chợ do HKTDC tổ chức, tôi nhận thấy sự xuất hiện của DN Việt Nam quá khiêm tốn. Trái lại, DN Nhật tham gia rất đông. Đơn cử như tại Food Expo 2015, DN Nhật tham gia 250 gian hàng, trong đó có một DN chỉ sản xuất một sản phẩm là Sashimi.

Tuy nhiên, chỉ qua ba ngày tại hội chợ, các DN Nhật cho biết, đơn hàng họ nhận được sau đó bằng doanh thu một năm bán tại thị trường nội địa. Chính vì điều này mà tôi khuyến khích các DN nên tham gia trưng bày sản phẩm nhiều hơn để không chỉ hàng hóa đến được nhiều nơi trên thế giới mà còn quảng bá được hình ảnh quốc gia.

>Hong Kong sẽ là Silicon Valley của phương Đông?

>Cơn suy thoái ngành sòng bạc tại Hong Kong, Trung Quốc

> Hong Kong - thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2016

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung phát triển thương hiệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO