Doanh nghiệp ngành nhựa: Giữ thăng bằng

LÊ LOAN| 25/08/2011 04:13

Theo báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam vừa được Bộ Công Thương phê duyệt đầu quý III, đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp ngành nhựa dự kiến sẽ đạt 390.000 tỷ đồng, chiếm 6% tỷ trọng so với toàn ngành công nghiệp. Song, xem ra kế hoạch này còn khá xa vời vì những mất cân đối nghiêm trọng đang diễn ra trong ngành.

Doanh nghiệp ngành nhựa: Giữ thăng bằng

Theo báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) vừa được Bộ Công Thương phê duyệt đầu quý III, đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp ngành nhựa dự kiến sẽ đạt 390.000 tỷ đồng, chiếm 6% tỷ trọng so với toàn ngành công nghiệp. Song, xem ra kế hoạch này còn khá xa vời vì những mất cân đối nghiêm trọng đang diễn ra trong ngành.

Xuất một, nhập bốn

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nhựa là phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập ngoại. Ảnh: Quý Hòa

Báo cáo từ phía VPA cho biết, năm 2010, doanh nghiệp (DN) trong ngành phải gồng mình gánh nhiều đợt tăng giá nguyên liệu. Nhiều DN phải sản xuất cầm chừng, thậm chí chấp nhận lỗ để cạnh tranh về giá cả.

Tới thời điểm này, đã có hơn 400 DN tuyên bố phá sản.

Ông Hồ Đức Lam, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký VPA, lý giải, phần lớn DN trong ngành là nhỏ và vừa, nguồn vốn chỉ từ 500 triệu đồng trở lên.

Thế nhưng, họ lại phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên sẽ khó trụ nổi khi bị ảnh hưởng bởi tác động của nền kinh tế thế giới.

Thông thường DN phải nhập khẩu từ 80 - 85% nguyên liệu và phụ gia, trong khi chi phí nguyên liệu chiếm 70% giá thành nhưng ngành nhựa chỉ toàn tập trung vào những sản phẩm phổ thông, giá rẻ để cạnh tranh với nhựa Trung Quốc.

Do đó, chỉ cần một vài đợt tăng giá nguyên liệu thì nhiều DN nhựa phải tự động đóng cửa vì kinh doanh thua lỗ.

Nghịch lý ở đây là nếu xét lại những DN đủ điều kiện được xét duyệt vay vốn thì họ lại không khát vốn, trong khi những DN “đói vốn” lại không nằm trong diện đối tượng được xét duyệt.

Bên cạnh đó, nhân lực cũng đang là một trở lực đối với ngành. Yếu tố cạnh tranh đang nằm ở khâu thiết kế mẫu mã, song nguồn nhân lực chuyên sâu với trình độ và tay nghề cao trong ngành không có.

Trong khi đó, ngành nhựa lại đang bị mất cân đối nghiêm trọng trong xuất nhập khẩu, giá trị nhập khẩu hàng năm lên đến 4 tỷ USD, trong khi, trị giá xuất khẩu chỉ mới đạt ngưỡng 1,5 tỷ USD/năm.

Vì vậy, theo VPA, nhiều khả năng tỷ giá hối đoái có những điều chỉnh vào cuối năm sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các DN nhựa trong việc nhập nguyên liệu về sản xuất.

Giữ tiếng hơn cần tiền

Phần lớn các mặt hàng nhựa Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Đức, Mỹ, Nhật... Hiện nay, thị phần xuất khẩu sang Mỹ đang giảm đáng kể. Nguyên nhân là do Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm túi nhựa, túi xốp Việt Nam với mức thuế lên đến 76,11% (tháng 8/2009).

Với mức thuế này, số đông DN xuất khẩu trong ngành gần như không thể tiếp tục xuất khẩu. Việc này kéo dài từ năm 2009 và tác động cho đến nay.

Với kinh nghiệm là đơn vị có thế mạnh xuất khẩu ở nhiều thị trường trên thế giới, điển hình là thị trường Đức, ông Nguyễn Như Khuê, Tổng giám đốc Công ty TNHH RKW LOTUS, cho biết, không thể phủ nhận những khó khăn về nguồn nguyên liệu cũng như nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô khác đã ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh ngành nhựa Việt Nam so với nhiều quốc gia khác.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng tiên quyết trong việc kinh doanh ở thị trường châu Âu lại không ở giá cả, mà ở yếu tố uy tín, kế đến là sản phẩm, hàng hóa chất lượng, và cuối cùng là dịch vụ phải tốt. Do đó, bên cạnh các biện pháp tiết kiệm, tinh gọn bộ máy sản xuất, cần chú ý tận dụng nguồn lợi thế để phát triển xuất khẩu.

Đồng tình với quan điểm trên, đại diện một DN hoạt động trong lĩnh vực nhựa công nghiệp có phần lớn khách hàng đến từ thị trường Pháp, Singapore, cho biết: “Nếu so với cách đây 3 năm (năm 2008), thị trường xuất khẩu có phần giảm, bởi phần lớn DN gặp khó khăn do bị hạn chế vốn.

Do đó, trước tình hình này, buộc phải chọn giải pháp ăn chắc, mặc bền. Song, để làm được điều này, yếu tố cần thiết lại nằm chất lượng, dịch vụ sản phẩm, cũng như uy tín DN. Việt Nam đã có một lợi thế là một số thương hiệu nhựa đã tạo được uy tín trên thị trường thế giới. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu cần phải giữ gìn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp ngành nhựa: Giữ thăng bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO